Phi cơ nội địa C919 thành công tại Trung Quốc, nhưng gian nan vươn tầm quốc tế

ANTD.VN - Phi cơ C919 nội địa Trung Quốc đã có chuyến bay thương mại đầu tiên với hành trình từ Thượng Hải tới Bắc Kinh. Điều này mở ra trang sử mới cho ngành hàng không Trung Quốc, dù vậy đường vươn tầm ra thế giới của chiếc máy bay này vẫn còn đầy gian nan. 
Chiếc phi cơ C919 do Trung Quốc tự phát triển của hãng China Eastern Airlines ngày 28/5 đã thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên, điều này đã mở ra trang sử mới cho ngành hàng không Trung Quốc.
Tập đoàn Hàng không Thương mại Trung Quốc (Comac) bắt đầu phát triển C919 cách đây 15 năm để cạnh tranh với các dòng máy bay phản lực Airbus A320neo và Boeing 737 MAX.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã đánh giá cao dự án này, cho rằng nó là một trong những thành tựu sáng tạo tốt nhất của Trung Quốc.

Được biết chiếc máy bay C919 lúc 10h32 sáng ngày 28/5 đã cất cánh từ Thượng Hải, nơi đặt trụ sở chính của cả Comac và China Eastern, hướng đến Bắc Kinh và đã thành công khi hạ cánh an toàn.
Hôm sau, chiếc C919 dự kiến sẽ thực hiện một chuyến bay dài hơn từ Thượng Hải đến thành phố phía tây nam Thành Đô và quay lại.
Hãng China Eastern Airlines đã đặt hàng 5 chiếc C919 vào tháng 3/2021 và nhận chiếc đầu tiên vào tháng 12/2022. Những chiếc còn lại dự kiến sẽ nhận vào cuối năm nay.
Hãng sản xuất cho biết, chiếc C919 đã nhận được 1.035 đơn đặt hàng từ 32 khách hàng vào cuối năm 2022.
Năm nay, một quan chức của công ty nói với giới truyền thông rằng họ đã nhận được hơn 1.200 đơn đặt hàng. Tuy nhiên họ không nói rõ là bên nào đặt hàng.

Trong khi đó, chuyên gia Greg Waldron cho biết, hiện cả Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh Châu Âu và Cục Hàng không Liên bang Mỹ đều chưa cấp phép cho máy bay này, vì vậy chiếc C919 sẽ không thể tiếp cận thị trường phương Tây.

Được biết, chuyến bay đầu tiên của C919 được thực hiện vào năm 2017 sau nhiều năm trì hoãn và nhiều chuyến bay thử nghiệm đã được thực hiện kể từ đó.
Mặc dù C919 được lắp ráp tại Trung Quốc, nhưng nó phụ thuộc rất nhiều vào linh kiện phương Tây, bao gồm động cơ và hệ thống điện tử hàng không, từ các công ty bao gồm GE, Safran và Honeywell International.
Hiện phương Tây đang siết lại nguồn cung thiết bị vì thế COMAC đang cạn kiệt một số linh kiện chế tạo C919 và phải tiếp tục chật vật để tìm kiếm nhà cung cấp.
Tham vọng sản xuất máy bay thương mại nội địa của Trung Quốc nhằm cạnh tranh với Boeing 737 và Airbus A320 đã gặp phải "chướng ngại vật" lớn từ Washington.
Từ tháng 12/2020, Mỹ yêu cầu các công ty nước này phải có giấy phép đặc biệt để xuất khẩu linh kiện, phụ tùng và hỗ trợ kỹ thuật cho bất cứ công ty nào bị nghi là có quan hệ với quân đội Trung Quốc.
Việc hai công ty con của COMAC bị Mỹ đưa vào danh sách nghi có quan hệ với quân đội Trung Quốc đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới tập đoàn và dự án C919.
Hãng sản xuất máy bay Airbus và Boeing có thể sản xuất khoảng 10 máy bay chở khách thân hẹp mỗi tháng, hiện tại COMAC với C919 chưa phải là mối lo ngại lớn với hai hãng này.