Phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt tháp Bình Sơn Vĩnh Phúc

ANTD.VN - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký ban hành Quyết định số 598/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt tháp Bình Sơn, thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tọa lạc trên một gò đất cao và rộng rãi, diện tích khu vực khoanh vùng bảo vệ tháp Bình Sơn là 17.200m2, bao gồm: Tháp Bình Sơn, Tam bảo cũ, Tam bảo mới, giếng mực, nhà khách, hồ sen, cổng, các công trình phụ trợ.

Theo một số công trình nghiên cứu, tháp Bình Sơn có 15 tầng, trên nóc tháp có một hình khối búp hoa sen chưa nở, bằng đất nung, tạo cho toàn thân tháp dáng vươn lên khá đẹp. Hiện tại, tháp cao 16,5m (chỉ còn 11 tầng và 1 tầng bệ, phần chóp đã bị vỡ), được cấu tạo với bình đồ hình vuông nhỏ dần về ngọn, với cạnh của tầng dưới cùng là 4,45m, cạnh của tầng thứ 11 là 1,55m.

Không chỉ có giá trị độc đáo về mỹ thuật, kiến trúc nghệ thuật, tháp Bình Sơn còn là ví dụ điển hình về công trình kiến trúc xây gạch

Toàn bộ tháp được xây bằng gạch đất nung. Từ bệ tháp đến hết tầng 2, có chiều cao dưới 6m hoa văn hoàn chỉnh nhất. Ở hai tầng này có họa tiết trang trí kỹ lưỡng với hàng hoa cúc, cánh sen, lá đề, hoa mặt nhẵn, rồng chạm nổi, cùng mô típ "sư tử hí cầu"…

Tháp Bình Sơn được xây bằng 13.200 viên gạch nung, gồm 2 loại: Loại hình vuông có kích thước 0,22m x 0,22m; loại hình chữ nhật có kích thước 0,45m x 0,22m. Bên ngoài, tháp được ốp một lớp gạch vuông, mỗi cạnh dài 0,46m, phủ kín thân tháp. Mặt ngoài của gạch ốp này trang trí hoa văn rất phong phú như hoa chanh, hình lá đề, sư tử vờn cầu, rồng uốn khúc... Có viên gạch được khắc một hình trang trí, có hình lại do 2 viên hoặc 4 viên ghép lại mới thành. Đường nét trang trí tinh tế, phóng khoáng, hình dáng chắc khỏe.

Không chỉ có giá trị độc đáo về mỹ thuật, kiến trúc nghệ thuật, tháp Bình Sơn còn là ví dụ điển hình về công trình kiến trúc xây gạch. Tất cả các viên gạch đều được làm ngàm ở ngoài, có mộng ở trong. Các viên giáp nhau đều có mộng én, có lỗ đổ chì để câu hòn nọ với hòn kia, tạo nên một khối vững chắc.

háp Bình Sơn được phát hiện và nghiên cứu từ thời Pháp

Tháp Bình Sơn được phát hiện và nghiên cứu từ thời Pháp. Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, tòa tháp này xuất hiện vào thời Lý và được tu bổ, tôn tạo vào thời Trần.

Tháp Bình Sơn không những có giá trị về kiến trúc nghệ thuật, mà còn có giá trị mỹ thuật cao, được gọi là “Hòn ngọc báu của kho tàng dân tộc”. Với giá trị tiêu biểu, di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bình Sơn được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2367/QĐ-TTg ngày 23

Mục tiêu Quy hoạch vừa được Chính phủ ban hành nhằm bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật của di tích tháp Bình Sơn; phát huy giá trị di tích trở thành điểm giới thiệu và tôn vinh văn hóa, nghệ thuật dân gian Việt Nam gắn với các thiết chế văn hóa làng xã của đất nước và địa phương.

Hình thành điểm du lịch văn hóa - lịch sử hấp dẫn, kết nối với các di tích, điểm du lịch khác của huyện Sông Lô và tỉnh Vĩnh Phúc để tạo chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Xác định ranh giới khoanh vùng bảo vệ di tích làm cơ sở quản lý và cắm mốc giới di tích; xác định các khu chức năng, khu dân cư, khu vực bảo vệ cảnh quan, môi trường. Tổ chức không gian và bố trí hệ thống hạ tầng giao thông, kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị di tích…

Hiện tại, tháp có 11 tầng, cao 16,5m

Theo Quy hoạch, vùng bảo vệ di tích được tổ chức thành hai không gian chính: Khu vực tháp Bình Sơn ở phía Nam và khu vực chùa Vĩnh Khánh ở phía Bắc. Hướng tiếp cận từ đường tỉnh 307B ở phía Nam, qua cổng chính, theo đường trục chính của di tích, qua tháp Bình Sơn đến khu vực chùa Vĩnh Khánh.

Khu vực tháp Bình Sơn: Giữ nguyên vị trí Tháp hiện trạng; bảo đảm duy trì tầm nhìn từ các hướng đến Tháp. Tổ chức hệ thống cây xanh cảnh quan và sân quanh chân tháp thành điểm nhấn về cảnh quan.

Khu vực chùa Vĩnh Khánh: Nằm trên đường trục chính di tích, hướng về phía Nam. Khu nội tự, gồm các công trình: Tam Bảo, nhà Tổ và 02 dãy hành lang, sân chùa. Bố cục tổng thể theo kiến trúc chùa truyền thống miền Bắc Việt Nam. Khu ngoại tự (ở hai bên và phía sau khu nội tự), bố trí các hạng mục phụ trợ gồm: lầu hóa vàng, nhà phụ trợ, nhà vệ sinh. Bao xung quanh các công trình là hệ thống vườn hoa, cây xanh cảnh quan và mạng lưới đường dạo kết nối.

Đối với vùng đệm phụ trợ cho di tích, tổ chức, chỉnh trang các không gian xanh, không gian ở và không gian công cộng của cộng đồng dân cư quanh khu di tích, bảo đảm hài hòa về cảnh quan, hình thành không gian bổ trợ về hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ.

Mặt ngoài của gạch ốp này trang trí hoa văn rất phong phú

Quy hoạch cũng định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch. Theo đó, sản phẩm du lịch chủ yếu gồm: Tham quan, tìm hiểu văn hóa - lịch sử di tích tháp Bình Sơn gắn với hoạt động trải nghiệm bằng công nghệ hiện đại (thực tế ảo và 3D mapping...), các hoạt động nghiên cứu, sáng tác tác phẩm kiến trúc, nghệ thuật liên quan đến di tích và văn hóa địa phương. Du lịch văn hóa - tín ngưỡng gắn với việc trải nghiệm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng. Phát triển chuỗi sự kiện văn hóa, du lịch gắn với các lễ hội truyền thống địa phương, lễ hội đường phố và sự kiện văn hóa, nghệ thuật đương đại.