Quận Hà Đông, Hà Nội “đón” tuổi 120:

Phát huy mạch nguồn văn hiến, văn hóa phục vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Quận Hà Đông từng là thành phố Hà Đông, tỉnh Hà Tây. Hiện nay, quận là nơi đặt trụ sở một số cơ quan hành chính cấp thành phố của Hà Nội. Đây vốn là một vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa và nay là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh của Thủ đô.

Những ngày đầu tháng 12-2024 này, quận sẽ trang trọng tổ chức mít tinh, kỷ niệm 120 năm ngày thành lập, xây dựng và trưởng thành.

Bề dày lịch sử, giàu truyền thống văn hóa

Ôn lại dòng thời gian: sau năm 1883, thực dân Pháp đặt ách đô hộ trên phạm vi toàn quốc, chia nước ta thành 3 xứ: Bắc kỳ là xứ thuộc địa, Trung kỳ là xứ bảo hộ và Nam kỳ là xứ tự trị. Lúc đó Pháp lấy trung tâm Hà Nội với 36 phố phường là đất “Nhượng địa”, phần còn lại của Hà Nội sẽ được thành lập đơn vị hành chính mới. Phủ Lý Nhân tách ra thành lập tỉnh Hà Nam; Phủ Thường Tín, Phủ Ứng Thiên, Phủ Hoài Đức thành lập tỉnh Hà Đông. Như vậy, tỉnh Hà Đông trước đây chính là một phần của tỉnh Hà Nội.

Toàn cảnh vùng đất Hà Đông những năm 1920-1929. (ảnh tư liệu)
Toàn cảnh vùng đất Hà Đông những năm 1920-1929. (ảnh tư liệu)

Tại Nghị định ngày 26/12/1896, toàn quyền Đông Dương quyết định: “Trụ sở của tỉnh Hà Nội được chuyển từ Hà Nội đến Cầu Đơ”. Ngày 03/5/1902, toàn quyền Đông Dương ký quyết định thứ 2 “Tỉnh được thành lập tại Bắc Kỳ do Nghị định ký ngày 26/12/1896 sẽ được gọi tên là Tỉnh Cầu Đơ”.

Ngày 06/12/1904, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định ghi: “Tỉnh Cầu Đơ mà trụ sở hành chính do Nghị định ngày 26/12/1896 được xác định tại làng Cầu Đơ, từ nay được gọi là tỉnh Hà Đông”… “Thị Trấn của Tỉnh cũng được mang tên Hà Đông”.

Là vùng đất có bề dày lịch sử, giàu truyền thống văn hóa; nhân dân lao động luôn cần cù, sáng tạo, luôn đoàn kết vượt qua gian nan thử thách... Ngay sau khi Đảng CSVN thành lập, từ những tổ chức quần chúng cách mạng ra đời năm 1930, những chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập vào năm 1938, 1939 ở La Cả, Vạn Phúc, Yên Lộ, La Khê, những “làng đỏ”,an toàn khu” đã nuôi giấu, bảo vệ nhiều cơ quan Trung ương Đảng, Xứ uỷ Bắc Kỳ cùng các cán bộ cao cấp của Đảng như các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt… đến những ngày sục sôi nổi dậy giành chính quyền tháng 8/1945. Đảng bộ và nhân dân Hà Đông đã cùng với cả nước viết lên những trang sử vẻ vang, đập tan ách thống trị của chế độ thực dân - phong kiến, giành lại độc lập tự do cho dân tộc, xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Châu Á.

Bộ đội tiến vào tiếp quản thị xã Hà Đông ngày 6/10/1954. (ảnh tư liệu)
Bộ đội tiến vào tiếp quản thị xã Hà Đông ngày 6/10/1954. (ảnh tư liệu)

Cách mạng tháng Tám vừa thành công, thực dân Pháp dã tâm xâm lược nước ta lần nữa. Ngày 20/12/1946, lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” do chủ tịch Hồ Chí Minh viết tại quê hương cách mạng Vạn Phúc, Hà Đông được phát thanh trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam đã thúc giục quân dân cả nước đứng dậy chiến đấu vì hòa bình. Hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng của Bác, Đảng bộ và quân dân Hà Đông đã nhất tề đứng lên cầm vũ khí cùng với cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ với quyết tâm và niềm tin vững chắc vào thắng lợi. Thực hiện lời thề “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, các lực lượng tự vệ Hà Đông đã phối hợp cùng bộ đội chủ lực cản phá nhiều đợt tấn công của kẻ thù, phá hủy nhiều phương tiện và tiêu hao sinh lực địch. Trước thất bại nặng nề của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ, ngày 20/7/1954, Hiệp định đình chiến được ký kết tại Giơ-ne-vơ, Hà Đông nằm trong vùng tập kết quân đội của địch.

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Đảng bộ, quân dân Hà Đông đã đẩy mạnh các hoạt động chuẩn bị tiếp quản; thực hiện công tác địch vận, đấu tranh làm thất bại âm mưu dụ dỗ, cưỡng ép binh lính, viên chức, đồng bào di cư vào Nam, bảo vệ công sở, nhà máy không cho địch phá hoại, tháo dỡ. Đúng 9 giờ ngày 06/10/1954, những tên lính viễn chinh Pháp cuối cùng rời khỏi Hà Đông, nhân dân xuống đường, tay cầm cờ hoa, chào mừng Ủy ban quân chính và cán bộ, bộ đội vào tiếp quản, Hà Đông được hoàn toàn giải phóng.

Trong kháng chiến chống Mỹ, hàng ngàn thanh niên Hà Đông đã tòng quân cứu nước; Nhân dân Hà Đông đã “Vững tay cày, tay búa; chắc tay súng”lao động với tinh thần“Mỗi người làm việc bằng hai”vì miền Nam ruột thịt. Đảng bộ và nhân dân Hà Đông đã góp phần cùng nhân dân cả nước đập tan âm mưu xâm lược của Đế quốc, mở ra một thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng đất nước tiến lên CNXH.

Hà Đông hôm nay (ảnh: TTXVN)

Hà Đông hôm nay (ảnh: TTXVN)

Sau năm 1975, đất nước hoàn toàn được giải phóng, Hà Đông lại cùng với các địa phương khác tiếp tục đóng góp sức người, sức của phục vụ chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam, tiếp tục thi đua lao động sản xuất, góp phần xây dựng xã hội XHCN trên phạm vi cả nước. Từ năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, Hà Đông đã phát huy được các thế mạnh, có nhiều tiến bộ vượt bậc trong mọi lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước, đời sống người dân được cải thiện, Hà Đông ngày càng mang dáng vóc của đô thị hiện đại, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh Hà Sơn Bình, tỉnh Hà Tây.

Năm 2003, thực hiện Nghị định 107 của Chính Phủ, địa giới hành chính được mở rộng, Hà Đông sáp nhập thêm 3 xã: Phú Lương, Phú Lãm (thuộc huyện Thanh Oai) và Yên Nghĩa (thuộc Hoài Đức).

Năm 2006, thực hiện Nghị định số 01 của Chính Phủ, Hà Đông tiếp tục sáp nhập thêm xã Dương Nội (huyện Hoài Đức), xã Biên Giang và Đồng Mai (Thanh Oai).

Ngày 27/12/2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 155 thành lập Thành phố Hà Đông trực thuộc tỉnh Hà Tây.

Từ ngày 01/8/2008 thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc Hội, Thành phố Hà Đông trở thành Quận, là đơn vị hành chính trực thuộc Thành phố Hà Nội, với tổng diện tích 47,91 km2, dân số trên 26 vạn người.

Từng bước kiến tạo, vươn mình…

Từ một vùng đất nhỏ bé ngày đầu thành lập, Hà Đông có diện tích khoảng 0,5 km2, dân số khoảng 1.500 người; sau 8 lần sáp nhập, Hà Đông hôm nay là một quận thuộc thành phố Hà Nội với diện tích 49,64 km2, dân số trên 460.000 người, 17 đơn vị hành chính trực thuộc.

Nét văn hóa đặc sắc ở làng nghề Hà Đông

Nét văn hóa đặc sắc ở làng nghề Hà Đông

“Nhìn lại 120 năm thành lập, trong quá trình cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng XHCN, Đảng bộ và nhân dân Hà Đông luôn vượt qua khó khăn, thách thức, tự hào về những thành tựu đã đạt được tạo tiền đề thực hiện tốt nhiệm vụ trong những năm tiếp theo”, đồng chí Cấn Thị Việt Hà – Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hà Đông khẳng định.

Năm 1954, Hà Đông chỉ có 5 làng và khu nội thị, đến nay diện mạo, vị thế của Hà Đông đã thay đổi từng ngày với 17 phường, 257 tổ dân phố, trên 100 chung cư, đô thị, trung tâm thương mại, hệ thống hạ tầng đô thị xây dựng theo hướng văn minh, hiện đại...

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, Đại hội Đảng bộ Quận lần thứ XXI; 10 chương trình công tác của Thành ủy, 6 chương trình, đề án của Quận ủy. Hà Đông đã và đang đạt được nhiều kết quả tích cực:

Lãnh đạo quận Hà Đông quan tâm, hỗ trợ các hộ nghèo

Lãnh đạo quận Hà Đông quan tâm, hỗ trợ các hộ nghèo

Kinh tế Quận tiếp tục phát triển và đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng; tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất của một số ngành chủ yếu (giá so sánh năm 2010) giai đoạn 2020 - 2025 đạt 12,98% (chỉ tiêu Nghị quyết là 12,72%). Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng khá, ổn định; năm 2025, giá trị sản xuất ngành công nghiệp ước đạt 45.058 tỷ đồng (giá cố định năm 2010), bình quân giai đoạn 2021-2025 tăng 9,97%. Thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước và cao hơn mức bình quân chung của Thành phố: năm 2020, đạt 82,7 triệu đồng/người, cao hơn thu nhập bình quân của Thành phố 8,3 triệu đồng; năm 2024, ước đạt 87,3 triệu đồng/người, cao hơn mức thu nhập bình quân của Thành phố 8,1 triệu đồng.

Tình hình thực hiện thu ngân sách giai đoạn 2020 – 2025 thực hiện 30.655 tỷ đồng, đạt 105% so với dự toán giao, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn bình quân hàng năm là 5.108 tỷ đồng.

Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị được tập trung chỉ đạo quyết liệt, một số lĩnh vực có chuyển biến rõ nét, diện mạo đô thị thay đổi. Giai đoạn 2020 - 2025, toàn Quận đã triển khai lập và phê duyệt đầu tư 188 dự án với tổng mức đầu tư 2.262,175 tỷ đồng, góp phần tạo ra diện mạo đô thị ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại.

Công tác đăng ký đất đai, cấp GCN quyền sử dụng đất được tập trung thực hiện; đến nay, tổng số GCNQSD đất ở đã cấp là 52.712/52.920 thửa đủ điều kiện (đạt 99,61%); số GCNQSD đất nông nghiệp trên địa bàn phường Kiến Hưng đã cấp là 4.019/4.931 thửa; có 48/52 cơ sở tôn giáo và 119/147 cơ sở tín ngưỡng đã được cấp giấy xác nhận đăng ký đất đai, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Sẵn sàng cho hành trình vươn mình, kiến tạo

Sẵn sàng cho hành trình vươn mình, kiến tạo

Hệ thống thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư, công tác quản lý được nâng cao, hoạt động hiệu quả; giai đoạn 2021 - 2025, đầu tư cải tạo, nâng cấp nhà thi đấu Hà Đông với tổng mức đầu tư gần 37 tỷ đồng, đầu tư 15 dự án xây dựng, cải tạo, sữa chữa, các công trình văn hóa với tổng kinh phí 1.317 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao của nhân dân trên địa bàn. Chất lượng tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa được nâng lên, đến nay có 93% hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” và 88,7% tổ dân phố đạt danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”. Công tác y tế, dân số, chăm sóc sức khoẻ nhân dân tiếp tục được chú trọng; năm 2023 đã hoàn thành chỉ tiêu xây dựng 17/17 phường (100%) đạt các tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn đến năm 2030. Đến tháng 11/2024 quận Hà Đông không còn hộ cận nghèo.

Chất lượng Giáo dục và đào tạo có bước phát triển mạnh về quy mô, theo hướng chuẩn hóa, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mạng lưới trường học được phân bố tương đối phù hợp, đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư: giai đoạn 2021 - 2024, Quận đã bố trí 615,47 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho ngành giáo dục và đào tạo; tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia 82,6%; hoàn thành xây dựng 02 trường công lập đạt tiêu chí trường chất lượng cao.

Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh. Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hàng năm đều đạt 100% chỉ tiêu, chất lượng chính trị được nâng lên, nhiều thanh niên viết đơn tình nguyện sẵn sàng nhập ngũ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Nhiệm kỳ qua, trên địa bàn Quận không xảy ra tình huống đột xuất, bất ngờ, không phát sinh “điểm nóng” về an ninh trật tự.

Hệ thống chính quyền các cấp được củng cố, kiện toàn; năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành được nâng lên; đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng “kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu; lựa chọn nội dung, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, còn khó khăn, vướng mắc để tập trung lãnh đạo.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm chống lãng phí được tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt.Từ 2020 đến nay đã tiến hành 39 cuộc kiểm tra, giám sát, 30 cuộc thanh tra; cơ quan tố tụng Quận đã thực hiện điều tra, truy tố, xét xử 6 vụ án về tham nhũng, tiêu cực, kinh tế, chức vụ, thực hiện thu hồi hơn 1 tỷ 836 triệu đồng về ngân sách nhà nước.

Những kết quả đạt được luôn gắn liền với sự trưởng thành và không ngừng lớn mạnh của hệ thống chính trị từ quận đến cơ sở. Từ một chi bộ chỉ có trên 10 đảng viên sau ngày giải phóng, đến nay, Đảng bộ Quận đã có 86 tổ chức cơ sở Đảng với gần 23 ngàn đảng viên. Chất lượng sinh hoạt cấp uỷ, chi bộ từng bước được cải tiến và nâng cao. Số cơ sở đạt trong sạch vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ năm sau cao hơn năm trước.

Xác định công tác cán bộ là khâu trọng yếu nên Đảng bộ quận đề ra nhiều giải pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có chất lượng, quan tâm đến cán bộ trẻ, cán bộ nữ… Việc thực hiện tốt Chỉ thị 05; Kết luận 01, Quy định 144 của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”của Quận ủy đã góp phần củng cố, nâng caođội ngũ cán bộ, công chức quận giỏi về chuyên môn, vững vàng về tư tưởng chính trị, có phẩm chất đạo đức tốt. Bộ máy chính quyền không ngừng được củng cố, kiện toàn. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND; năng lực quản lý, điều hành của UBND quận và các phường từng bước được nâng cao; quyền làm chủ của Nhân dân trên các lĩnh vực được phát huy. UBMTTQ và các đoàn thể nhân dân từ Quận đến cơ sở không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, động viên đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ trong các thời kỳ cách mạng.

Trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, Hà Đông đã có trên 5.527 lượt tập thể và cá nhân được Nhà nước tặng thưởng huân, huy chương các loại:

Nhân dân, LLVT nhân dân các phường Vạn Phúc, Dương Nội, Yên Nghĩa được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ,

Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Công ty Dược phẩm Hà Tây được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới

91 Bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng”, có 1.252 thương binh, 327 bệnh binh, 1.800 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.

Ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, năm 2002, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho nhân dân và lực lượng vũ trang Hà Đông.

Đảng bộ và Nhân dân Hà Đông đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng Huân chương lao động hạng Ba, hạng Hai, hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Kỷ niệm 120 năm ngày thành lập, nhìn lại chặng đường lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Đông phấn khởi, tự hào kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương cách mạng, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, gian khổ, đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, quyết tâm xây dựng Hà Đông ngày càng văn minh giàu đẹp.

Tin cùng chuyên mục