Phát hoảng vì kiêng kỵ trong ngày cưới

ANTĐ - Yêu nhau đã được 3 năm và dù rất muốn “dọn về ở chung một nhà” với người mình yêu nhưng cứ nghĩ đến chuyện cưới xin là Lê Phương lại cảm thấy… sợ. Nguyên nhân là do vô vàn những điều kiêng kỵ mà mẹ chồng tương lai của cô yêu cầu đôi uyên ương phải thực hiện trong lễ kết hôn.

Các bạn trẻ cần tự tin vào quyết định của mình


Áp lực từ… lễ cưới

Dù đám cưới đã diễn ra cách đây 2 năm nhưng đến thời điểm hiện tại, hễ nghe đến 2 từ này là chị Vũ Hồng Hà ở khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, quận Cầu Giấy, Hà Nội vẫn không giấu nổi bức xúc: “Khi xem tuổi của 2 vợ chồng tôi, một ông thày phán xanh rờn “tuổi của cô dâu rất xấu, xung với tuổi mẹ chồng, có thể khiến gia đình chồng khuynh gia bại sản, nên trong ngày cưới mẹ chồng tôi quyết định đón dâu vào nửa đêm, không cho tôi đi cửa chính mà phải đi vào bằng cửa sau, càng lặng lẽ càng tốt. Trước khi vào nhà tôi phải bước qua một chậu bồ kết đang cháy để “đốt vía”.

Trước yêu cầu này, bố mẹ tôi cực lực phản đối vì cho rằng con gái mình, gia đình mình bị hạ nhục. Vì quá mệt mỏi, căng thẳng nên tôi đã muốn hủy đám cưới. Nhưng do quyết tâm của ông xã nên tôi cũng đành chấp nhận. Vì thế mới có chuyện dở khóc dở cười là về nhà chồng trong đêm khuya hiu hắt, cô dâu phải ra sức ôm váy thật cao bước qua chậu vì… sợ cháy trong trạng thái run bần bật, nước mắt lã chã. Gia đình tôi đến bây giờ vẫn không nguôi giận, không thèm nhìn mặt thông gia. Hai bên lúc nào cũng có khoảng cách, không thể hòa hợp được. Cũng vì chuyện này mà quan hệ giữa tôi và mẹ chồng không suôn sẻ”.

Không đến mức căng thẳng như chị Hà, nhưng những điều phải kiêng kỵ trong đám cưới cũng khiến chị Trần Thanh Thủy ở đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình cảm thấy khó chịu: “Mẹ tôi dặn khi làm lễ thì không nên làm gì mà phải để chồng làm hết, để sau này người chồng sẽ gánh vác mọi cực nhọc. Đến khi về phòng riêng thay váy cưới  phải để váy của mình trùm lên áo vest của chồng, phải ngồi lên gối của chồng… để có thể lãnh đạo chồng… đón dâu một đường thì về phải bằng đường khác, nhẫn cưới phải là nhẫn trơn và không được đeo trước khi cưới, tuyệt đối không được làm đổ vỡ bất cứ thứ gì trong ngày cưới…

Cũng chính vì những điều này mà vợ chồng tôi đã hục hặc ngay trong ngày đầu tiên về sống chung. Trong lúc lễ cưới đang diễn ra, chồng tôi muốn hai vợ chồng cùng cắt bánh rót rượu cho tình cảm. Vì nghe theo lời dặn của mẹ, tôi kiên quyết không làm. Chồng tôi cảm thấy bị bẽ mặt nên rất bực mình. Khi về phòng, tôi lại bị chồng bắt gặp khi đang ngồi chễm chệ trên gối nên anh đùng đùng nổi giận, quy cho tôi là “mới cưới nhưng đã muốn đè đầu cưỡi cổ chồng”. Tôi phải giải thích mãi chồng tôi mới xuôi. Đúng là chẳng có cái dại nào giống cái dại nào”…

Theo phong tục Việt Nam, để tiến hành một đám cưới, chuyện xem ngày giờ cưới hỏi, những vấn đề phải kiêng kỵ có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy vậy ngay cả những người trong cuộc nhiều khi cũng không hiểu được lý do vì sao phải kiêng kỵ điều này hay điều kia. Chỉ cần nghe thầy phán xung khắc, không hợp tuổi, nếu lấy nhau sẽ có chuyện chẳng lành…, các đôi uyên ương sẽ phải trải qua vô vàn khó khăn, thử thách do chính các bậc phụ huynh đặt ra. Và trên thực tế không ít đôi vì không chịu được áp lực và bất đồng quan điểm nên đã ngậm ngùi chia tay.

Hãy tin vào mình

Theo bà Lê Thị Túy - chuyên gia tư vấn tâm lý - Trung tâm Tư vấn tuổi trẻ hạnh phúc Việt Nam, về chuyện cưới hỏi, truyền thống văn hóa ở Việt Nam có những điều kiêng kỵ nhất định. Việc xem tử vi của cô dâu chú rể, chọn ngày, giờ... là những phong tục có từ lâu đời. Với một số đôi được tử vi phán là “xung”, “không hợp”, dân gian cũng có sẵn một số cách “hóa giải” như cưới hai lần, chọn giờ có thể chế được xung khắc, thực hiện một số thủ tục khác... Những việc làm này nhằm giúp hai bên gia đình cảm thấy yên tâm hơn, chứ chưa chắc đã dựa trên cơ  sở nào.

Cũng theo bà Túy, không thể phủ nhận một số điều kiêng kỵ là có cơ sở. Song chúng ta cần có nhận thức đầy đủ để có quyết định sáng suốt khi thực hiện những điều này và khi thực hiện phải căn cứ vào điều kiện thực tế, hoàn cảnh của gia đình mình. Không nên tin và thực hiện theo những điều bất hợp lý và mang tính mê tín. Tuy vậy, đáng buồn là hiện vẫn có khá nhiều người vì quá tin theo bói toán, răm rắp làm theo những điều “thày” phán khiến chính mình và người thân gặp nhiều phiền toái, căng thẳng. Do đó, chỉ nên coi việc xem tử vi, ngày giờ cưới hỏi là một kênh tham khảo, còn người lựa chọn cuối cùng vẫn là những đôi uyên ương.

Chính họ phải tự quyết định và chịu trách nhiệm về hành động của mình. Và khi đã quyết định rồi, dù kết quả ra sao, mỗi cá nhân không nên tự dằn vặt bản thân hay đổ lỗi cho người khác, cho số phận. Sự chân thành và yêu thương thật lòng có thể hóa giải tất cả. Khi hai vợ chồng đồng tâm hiệp lực, biết chia sẻ mọi vấn đề trong cuộc sống thì đương nhiên khả năng bảo vệ gia đình tốt hơn, cuộc sống vợ chồng sẽ hạnh phúc hơn.