TP.HCM:

Phát hiện và giải cứu gần 500 động vật quý hiếm

ANTĐ - Ngày 29-4, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi – Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã WILDLIFE AT RISK (WAR) vẫn đang phân loại hàng trăm cá thể động vật hoang dã thuộc nhóm IIB trong sách đỏ Việt Nam vừa được giải cứu trước đó ngày 28-4.

Ông Lê Xuân Lâm, quản lý Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi – Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã WILDLIFE AT RISK (WAR) cho biết, số động vật được trung tâm tiếp nhận đều là động vật quý hiếm, nhóm IIB trong sách đỏ Việt Nam. “Gồm có rắn hổ đất, rắn hổ mèo, kỳ đà nước, kỳ đà núi, trăn gấm...”- ông Lâm nói.

Trước mắt trung tâm sẽ phân loại số động vật vừa thu giữ được những con khoẻ mạnh sẽ được theo dõi một thời gian sau đó thả ra môi trường tự nhiên. Những con bị yếu hoặc nghi bị nhiễm bệnh sẽ được trung tâm nuôi nhốt, chữa bệnh đến khi khoẻ mạnh mới thả ra môi trường.

Trước đó, chiều 28-4, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP.HCM đã ập vào kiểm tra  một điểm mua bán động vật hoang dã tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM thì phát hiện gần 500 động vật hoang dã quý hiếm.

Phát hiện và giải cứu gần 500 động vật quý hiếm ảnh 1
Gần 500 động vật quý hiếm được phát hiện

Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản, tịch thu số động vật quý hiếm này và bàn giao cho trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi – Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã WILDLIFE AT RISK (WAR) xử lý, tiếp nhận theo thẩm quyền.

Theo trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi – Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã WILDLIFE AT RISK (WAR), đây là vụ tiếp nhận động vật hoang dã lớn nhất kể từ khi thành lập trung tâm đến nay. Tính từ đầu năm 2014 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận khoảng 1.000 cá thể động vật hoang dã từ cơ quan chức năng để đưa về trung tâm chăm sóc sứa khoẻ và thả ra môi trường tự nhiên.

Được biết, Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã được hình thành sau khi tổ chức môi trường Wildlife at Risk đạt được thỏa thuận với Chi cục kiểm lâm TP.HCM. Hiện trung tâm đặt tại trạm kiểm lâm Củ Chi (xã An Nhơn Tây H. Củ Chi TP.HCM) có diện tích 4000m2 tập trung chủ yếu cứu hộ, chăm sóc và nuôi dưỡng các loài bò sát như rắn, rùa và các loài thú nhỏ bị sắn bắt trái phép.

Ngoài ra, trạm cũng tiếp nhận cứu hộ các loài gấu đã suy yếu do điều kiện nuôi tồi tệ, thiếu kỹ thuật nuôi, hoặc nuôi nhốt bất hợp pháp tại các cơ sở tư nhân. Nguồn vốn đầu tư ban đầu của trung tâm lên đến trên 51.000USD.