Hà Nội

Phát hiện "kho" quân trang trà trộn bán cùng đồ bảo hộ lao động

ANTD.VN -Về hành vi mua bán, tàng trữ, sản xuất, trao đổi quân trang của lực lượng vũ trang, Nhà nước đã ban hành lệnh cấm dưới mọi hình thức. Thế nhưng, đội Cảnh sát kinh tế - CAQ Hoàn Kiếm vừa phát hiện, thu giữ “kho” quân trang được trà trộn cùng với các sản phẩm bảo hộ lao động, lén lút “tuồn” ra ngoài thị trường…

Khoảng 9h30 phút ngày 15/11, Đội Cảnh sát kinh tế - CAQ Hoàn Kiếm trong quá trình làm nhiệm vụ đã phát hiện tại cửa hàng số 38 Nguyễn Thiệp, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm có bày bán các loại hàng hóa là quân trang của lực lượng vũ trang.

Toàn bộ số hàng hóa này được trà trộn cùng với đồ bảo hộ lao động nhằm qua mặt cơ quan chức năng, đồng thời “tuồn” ra ngoài khi khách hàng có nhu cầu.

Chủ số hàng hóa này là Chu Chí Hùng, sinh năm 1969, trú tại 101-A15, tập thể Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội không xuất trình được các loại giấy tờ có liên quan đến lô quân trang trên. Chu Chí Hùng khai nhận, mua số hàng hóa này trôi nổi trên thị trường của một số đối tượng không quen biết, sau đó bày bán tại cửa hàng, kiếm lời. Ước tính, số hàng trên trị giá khoảng gần 50 triệu đồng.

Số hàng bị thu giữ gồm 27 chủng loại với tổng số hơn 7000 sản phẩm có kiểu dáng, hình dạng, màu sắc giống với quân trang Quân đội và Công an

Cũng theo lời khai của Chu Chí Hùng, mặc dù biết đây là mặt hàng bị Nhà nước cấm mua bán, tàng trữ, tuy nhiên, do hám lợi nên vẫn mua bán. Cơ quan Công an đã lập biên bản thu giữ toàn bộ số hàng hóa trên.

Qua kiểm đếm, cơ quan Công an xác định, toàn bộ số quân trang trên gồm 27 chủng loại như: mũ, dây lưng, ve hàm, phù hiệu… với tổng số khoảng hơn 7000 sản phẩm. Trong đó, một số chủng loại có kiểu dáng, màu sắc, kích thước giống với quân trang của lực lượng Công an, số còn lại là quân trang của quân đội.

Rất nhiều sản phẩm được bày bán trà trộn giống với quân trang của Quân đội và Công an

Tuy nhiên, cơ quan Công an cho biết, số hàng hóa trên chưa xác định được có phải là hàng “nhái” hay không, và có nguồn gốc từ đâu. Do vậy, ngay sau đó, đơn vị đã phối hợp với Tổng cục Hậu cần - Bộ Công an và Tổng cục Hậu cần - Bộ Quốc Phòng tiến hành lấy mẫu mang đi giám định. Trên cơ sở kết quả giám định cùng với quá trình mở rộng điều tra, nhằm xác định nguồn gốc số quân trang, từ đó có căn cứ để xử lý đúng người đúng tội theo quy định của pháp luật.

Toàn bộ số hàng hóa này ước tính trị giá khoảng gần 50 triệu đồng

Theo điều 155 Bộ luật Hình sự, hành vi kinh doanh quân phục, tư trang nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý về tội “sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm”. Luật là vậy, nhưng có lẽ do hiểu biết của một số cá nhân còn hạn chế, hoặc vì lợi nhuận, họ vẫn “vô tư” vi phạm.

Với những hành vi này, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm để răn đe chung, đồng thời không để phát sinh tội phạm cơ hội hoạt động, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh người chiến sỹ CAND và QĐND Việt Nam.