Phát hành trái phiếu tiếp tục giảm, doanh nghiệp đẩy mạnh mua lại trước hạn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn trong tháng 9 là 28.833 tỷ đồng, tăng 199% so với cùng kỳ năm trước.

Phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 40% trong 9 tháng đầu năm

Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 9/2022, có tổng cộng 25 đợt phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị phát hành là 15.363 tỷ đồng và 1 đợt phát hành ra công chúng của Ngân hàng TMCP Bắc Á trị giá 235,4 tỷ đồng.

Ngân hàng vẫn là nhóm dẫn đầu với tổng giá trị phát hành 9.623 tỷ đồng; trong đó, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) phát hành nhiều nhất với giá trị 3.090 tỷ đồng. Tiếp đến là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với 2.000 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) với 1.800 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) với 750 tỷ đồng.

Nhóm bất động sản đứng thứ hai, trong đó Công ty CP No Va Thảo Điền - thành viên Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland) phát hành 2.300 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 5 năm.

Nhóm hàng tiêu dùng đứng thứ ba với Công ty CP Tập đoàn Masan phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 5 năm và Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 7 năm.

Lũy kế 9 tháng qua, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng là 10.499 tỷ đồng, giảm 9,37% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm khoảng 4,3% tổng giá trị phát hành.

Trong khi giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm mạnh hơn, với 233.692 tỷ đồng, giảm 40% so cùng kỳ và chiếm khoảng 95,7% tổng giá trị phát hành.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục trầm lắng

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục trầm lắng

Doanh nghiệp đẩy mạnh mua lại trái phiếu trước hạn

Đáng nói, trong tháng 9/2022, tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 28.833 tỷ đồng, tăng 199% so với cùng kỳ năm trước.

Luỹ kế trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại là 142.209 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021.

Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng việc doanh nghiệp đẩy mạnh mua lại trái phiếu doanh nghiệp khi Nghị định 65 (sửa đổi Nghị định 153) của Chính phủ được ban hành là những động thái nhằm “chạy trước” để tránh vi phạm những quy định của Nghị định này.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính phủ nhận điều này. Bà Phạm Thị Thanh Tâm, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, cho biết: Tại Nghị định số 153 trước đây và Nghị định số 65 hiện tại, Chính phủ quy định rất rõ 2 khía cạnh liên quan đến mua lại trái phiếu trước hạn.

Một là mua lại trái phiếu trước hạn tự nguyện trên cơ sở thỏa thuận giữa doanh nghiệp phát hành với chủ sở hữu trái phiếu (quy định tại Điều 7 Nghị định số 153).

Theo đó, doanh nghiệp phát hành được mua lại trước hạn, hoặc hoán đổi theo thỏa thuận với chủ sở hữu trái phiếu để giảm nợ, cơ cấu lại nợ trái phiếu.

Riêng đối với mua lại trước hạn trái phiếu chào bán ra thị trường quốc tế, khi thực hiện phải tuân thủ quy định về quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trái phiếu bị hủy bỏ sau khi được mua lại.

Tại Nghị định số 65, Chính phủ quy định doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu bắt buộc khi vi phạm quy định pháp luật về phát hành trái phiếu.

Do đó, bà Tâm cho rằng việc doanh nghiệp phát hành mua lại trái phiếu trước hạn là hoàn toàn căn cứ tình hình tài chính và dòng tiền của doanh nghiệp phát hành, trong trường hợp tự nguyện mua lại trên cơ sở thỏa thuận với chủ sở hữu trái phiếu.

"Ta không nên đánh đồng việc doanh nghiệp phát hành mua lại trái phiếu trước hạn với việc ban hành Nghị định số 65 dẫn đến siết chặt nên doanh nghiệp mới mua lại", bà Tâm nhấn mạnh.

Phía Bộ Tài chính nhiều lần khẳng định Nghị định 65 không siết chặt việc phát hành trái phiếu riêng lẻ.

“Bộ Tài chính cũng như Chính phủ không siết chặt việc phát hành trái phiếu riêng lẻ. Nội dung của Nghị định 65 chỉ quy định rõ và minh bạch các yêu cầu trong quá trình phát hành.

Bên cạnh đó, xác định rõ ràng trách nhiệm của các chủ thể trong quá trình tham gia phát hành. Như vậy, quá trình phát hành sẽ được minh bạch, rõ ràng và cụ thể hóa trách nhiệm.

Ai làm tốt, làm đúng mới dám minh bạch và dám phát hành. Các trường hợp cố tình làm sai sẽ lộ ngay, thậm chí còn không được ra thị trường nếu không đáp ứng yêu cầu minh bạch" - Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết.