Phân luồng từ trong đầu

ANTĐ - Có những việc, người trong cuộc bàn ra tính vào, chê bai đủ kiểu, thế mà người ngoài lại thấy hay làm theo.

- Chuyện đó còn tùy “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Hay với nơi này, người này nhưng chưa chắc đã hay cho nơi khác, người khác.

- Chẳng hạn như việc phân luồng, phân làn phương tiện giao thông ở Hà Nội. Chỉ mới thí điểm ở một số tuyến phố, thế mà người nói này, người nói nọ. Vậy mà có nơi làm theo đấy.

- Đã bảo tùy hoàn cảnh mà “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Thế nơi nào phân luồng theo Hà Nội?

- Một tỉnh ở ngay sát nách Hà Nội đã thực hiện phân luồng học sinh trung học phổ thông để giảm áp lực học và giảm rủi ro thi cử.

- Từ ùn tắc giao thông mà lại lái sang chuyện “quá tải” đèn sách, ùn tắc thi cử thì quả thật là đầu óc sáng láng thật. Họ phân luồng học sinh có giống như phân luồng ô tô, xe máy không?

- Cũng gần như thế. Các trường không nhận hồ sơ đăng ký thi đại học của những em có kết quả kém trong kỳ thi khảo sát. Thầy cô bảo thi đại học làm gì, lo mà thi tốt nghiệp cho tốt rồi đi học nghề.

- Đúng quá rồi học lực yếu mà cứ thích chen chân vào cổng trường đại học vừa hẹp, vừa cao. Trông chờ vào may rủi vừa tốn tiền, tốn sức, tốn thời gian gây “ùn tắc” đại học lại vỡ cả ước mơ và hy vọng.

- Cũng phải thương lấy con cháu mình, nhiều khi chúng cũng tự biết sức mình nhưng nào gia đình, nào xã hội cứ xô đẩy phải đi vào “làn” tốc độ cao. Không vào nổi đại học thì tương lai, tiền đồ, thu nhập khó mà sáng sủa.

- Có lẽ chuyện phân luồng giao thông, phân luồng học sinh hay phân luồng gì đi nữa thì trước hết phải phân luồng ngay từ trong đầu. Phân luồng vĩ mô là khó nhất.