Phải xóa “cầu một dây”

ANTĐ - Xem tivi, biết lại có thêm chiếc “cầu” một dây tại Bản U Ra, xã Huổi Luông (Phong Thổ, Lai Châu), nơi người dân hàng ngày vẫn phải đánh đu qua sông trong nguy hiểm, anh Nguyễn Tuấn Long (32 tuổi, kỹ sư xây dựng) rất lo lắng cho an toàn của người dân bản U Ra.

- Anh đã chứng kiến những “cây cầu” kiểu này chưa?

- Tôi chỉ được xem qua tivi, nhưng vì hay phải đi Sơn La, Lai Châu, tôi đã chứng kiến nhiều “cây cầu” đáng sợ như vậy. Cũng trên dòng sông Nậm Na, có nhiều cây cầu đan bằng tre, người dân, phương tiện vẫn hay đi qua. Có lần tôi đi xe máy qua một cây cầu tre như thế: nó rung, lắc, nhìn từ trên cao đến chóng mặt, qua được bên bờ phải ngồi ngay lại để hoàn hồn.

- Đến anh còn khó đi như thế, phụ nữ và các cháu nhỏ thì qua cầu làm sao?

- Sợ thì vẫn phải qua, vì sinh hoạt, mưu sinh, học hành… họ vẫn phải qua sông hàng ngày. Chưa kể những hôm mưa lũ, nước lên cao, qua sông rất nguy hiểm.

- Ngày nào cũng “làm xiếc” như thế mà học sinh bản U Ra vẫn đến trường, đáng khâm phục phải không?

- Tiếc lắm, các em ham học nhưng chính vì đi lại khó khăn như thế nên cả bản mới chỉ có 4 em còn theo học cấp 3 và hiện cả bản chỉ có 2 người học xong cấp 3. Rõ ràng giao thông đi lại khó khăn ảnh hưởng rất nhiều tới các mục tiêu dân sinh cơ bản nơi vùng cao, vùng sâu. Ở những nơi đó cần sự quan tâm của các cấp các ngành hơn

- Ở vùng sâu, vùng xa như thế thì làm sao các ngành các cấp biết tình hình đi lại của dân mà xây cầu?

- Nhờ có thông tin đại chúng mà các cháu ở Kon Tum mới được thoát cảnh đu dây qua dòng Pô Kô cách đây 2 năm. Tôi nghĩ không thể để dân kêu khổ thì mới xây cầu cho người ta, các cấp, các ngành cần rà soát thường xuyên đưa việc xóa loại “cầu một dây” vào kế hoạch làm việc.