Phải nhập khẩu 100.000 tấn thịt?

ANTĐ - Cả năm 2012, ngành chăn nuôi luôn trong cảnh khốn đốn vì giá thực phẩm giảm mạnh, chăn nuôi thua lỗ, nguồn cung dư thừa. Cuối năm, ngành chăn nuôi tiếp tục nhận một “quả đắng” khi dự báo sẽ nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thịt phục vụ nhu cầu Tết?

Theo tính toán, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu thịt trong bối cảnh chăn nuôi vẫn gặp khó khăn

Đàn lợn, gà giảm mạnh vì thua lỗ

Có lẽ chưa năm nào, ngành chăn nuôi lại rơi vào cảnh khó khăn chồng chất như năm 2012. Mặc dù số liệu của Tổng cục Thống kê, cũng như ngành chăn nuôi đưa ra, đàn lợn cả nước chỉ giảm 2-3%, gia cầm giảm 2% song trên thực tế, nhiều nơi người chăn nuôi đã phải giảm đàn đến 40% do không có lãi. Bộ NN&PTNT nhận định, không chỉ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gặp khó khăn, mà hầu hết các doanh nghiệp, trang trại lớn cũng lao đao khi duy trì đàn và không có ý định tăng đàn. Nếu giá lợn hơi vẫn tiếp tục thấp như hiện nay, phần lớn người chăn nuôi sẽ không còn khả năng nuôi tiếp. Bộ NN&PTNT dự báo, sản lượng thịt lợn hơi sẽ giảm trong những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, chăn nuôi gia cầm cũng không sáng sủa hơn, khi giá gia cầm ở mức thấp lại phải cạnh tranh với gia cầm nhập lậu, không ít trang trại chăn nuôi gia cầm lớn đã phải đóng cửa vì không còn khả năng duy trì.

Theo ông Trần Văn Chiến - Chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) dịch vụ Cổ Đông (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), cả lợn và gà của HTX năm nay đều giảm 35-40%. Cụ thể, nếu như năm 2011 với hơn 200 xã viên, tổng đàn lợn của HTX có 170.000 con thì năm nay đã giảm xuống chỉ còn 140.000 con; đàn gia cầm năm 2011 có hơn 1 triệu con, nay còn 700.000 con.

“Chúng tôi buộc phải giảm đàn do chăn nuôi liên tiếp bị lỗ, không thể cạnh tranh được với các tập đoàn nước ngoài. Nếu nhà nước không có cơ chế, chính sách, ngành chăn nuôi của Việt Nam sẽ biến mất, vì tất cả các hộ chăn nuôi sẽ chuyển sang làm gia công cho các tập đoàn nước ngoài” -  ông Chiến bày tỏ. Bản thân gia đình ông năm 2011 chăn nuôi 9.000 con lợn nhưng năm nay đã giảm xuống còn 6.000 con, còn gà vốn luôn duy trì 7.000 con, nhưng hiện tại đành bỏ trống chuồng, vì nuôi không có lãi.

Khảo sát cho thấy, hiện giá lợn trung bình chỉ đạt 38.000-40.000đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất là 44.000 - 46.000 đồng/kg. Trung bình, mỗi kilogam lợn sau khi xuống chuồng, lỗ 4.000-6.000 đồng. Tính toán cho thấy, trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến 9-2012, có tháng ngành chăn nuôi cả nước lỗ hơn 2.000 tỷ đồng và tháng lỗ ít nhất như hiện tại cũng khoảng 1.500 tỷ đồng. Tổng cộng, đến hết tháng 10, ngành chăn nuôi đã lỗ 16.000 tỷ đồng. 

Cuối năm, nhu cầu còn biến động

Phân tích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngành chăn nuôi lâm vào thua lỗ như hiện tại, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, sức mua trong nước giảm do thu nhập của người dân giảm; các nước xung quanh Việt Nam cũng dư thừa thịt lợn, họ bán sang nước ta làm cho thực phẩm càng thừa thêm. Chưa kể do hạn hán ở Mỹ, Ukraine, Brazil… sản xuất ngô bị thiệt hại khiến giá ngô, đỗ tương đắt lên trung bình khoảng 30%, kéo theo giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng thêm 60 - 70%. Một nguyên nhân quan trọng khác là do tình hình nhập lậu thực phẩm không kiểm soát được…

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, do dịch bệnh, giá cả bấp bênh, người chăn nuôi tái đàn ít nên chắc chắn cuối năm nay sẽ có biến động về nhu cầu thực phẩm. Tuy nhiên, dự kiến dịp Tết năm nay sức mua thực phẩm của người dân chỉ tăng 8-10% so với bình thường (trong khi các năm trước tăng 18-20%) nên áp lực cho nguồn cung cũng không lớn.

Cục Chăn nuôi tính toán, trong thời gian tới, mỗi tháng sẽ có 240.000-250.000 tấn thịt xẻ đưa ra thị trường, cộng với một lượng nhập khẩu khoảng 40.000 tấn thịt (chủ yếu là thịt gà) sẽ đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. “Ba tháng cuối năm là thời gian mà các doanh nghiệp nhập khẩu nhiều thịt nhất để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán, chưa kể một lượng lớn gà loại thải nhập lậu từ Trung Quốc vẫn có khả năng vào thị trường Việt Nam”, ông Sơn nói. Theo dự kiến, cuối năm sẽ phải nhập khẩu trên dưới 100.000 tấn thịt các loại. Tuy nhiên, con số nhập khẩu chính xác ông Sơn cho rằng, phải chờ báo cáo của các địa phương. Khi đó, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT sẽ họp để có những quyết định cụ thể nhập khẩu bao nhiêu thực phẩm, nhất là phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán.

Nhập khẩu gà dai Hàn Quốc tăng hơn 11%

Là thông tin được công bố tại cuộc họp BCĐ quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng chiều qua, 13-11. Theo đó, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, sau khi các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về tình trạng nhập khẩu loại gà dai Hàn Quốc (dành cho gia súc) hàm lượng dinh dưỡng thấp, lượng nhập khẩu loại thực phẩm này đã giảm đáng kể. Tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2011, lượng nhập khẩu loại thực phẩm này vẫn tăng cao. Cụ thể, cả năm 2011 lượng gà dai nhập khẩu từ Hàn Quốc vào nước ta là 5.761 tấn, nhưng 8 tháng đầu năm 2012 đã nhập tới 5.396 tấn. Ước tính lượng gà dai nhập khẩu từ Hàn Quốc năm 2012 tăng 11,6% so với năm 2011. Cục Chăn nuôi cũng cho biết, 10 tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu 56.000 tấn thịt, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.