Phải mạnh tay trấn áp

ANTĐ - Năm nay Tết Âm lịch và Dương lịch cách nhau chưa đầy 1 tháng. Trong cái “tháng củ mật đúp”’ này tình hình tội phạm đang diễn biến phức tạp, vẫn nổi lên nhiều hoạt động của nhiều băng nhóm côn đồ, lưu manh chuyên nghiệp, tội phạm sử dụng vũ khí nóng hoạt động lưu động, tập trung ở các tuyến, địa bàn trọng điểm.

Bộ Công an đã phát lệnh ra quân tấn công trấn áp tội phạm trên quy mô toàn quốc nhằm giải quyết dứt điểm về các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm hình sự, tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu xã hội đen, các băng, nhóm đâm thuê, chém mướn, đòi nợ thuê; tổ chức cờ bạc, cá độ bóng đá, sử dụng vũ khí nóng, trộm cắp tài sản... Việc mở đợt cao điểm tấn công tội phạm vào thời điểm này là cần thiết.

Cách đây không lâu, Công an Hà Nội thành lập lực lượng đặc nhiệm 141 gồm lực lượng cảnh sát hình sự, cảnh sát giao thông và cảnh sát cơ động cùng phối hợp trong trấn áp các loại tội phạm. Lực lượng 141 của Hà Nội đã nỗ lực mang lại sự bình yên trong cuộc sống của nhân dân. Hơn 4 tháng hoạt động, Đội đặc nhiệm 141 đã phát hiện xử lý gần 5.000 trường hợp vi phạm pháp luật và vi phạm trật tự, thu giữ nhiều súng, đạn cùng dao kiếm và các loại ma túy tổng hợp... Điều này không chỉ ngăn chặn được nhiều cuộc đổ máu có thể diễn ra, nhưng gần đây tình hình trật tự xã hội trong cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng chưa được như mong muốn của người dân khi vẫn có nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức theo kiểu xã hội đen, nhất là các băng nhóm đòi nợ thuê, đâm thuê chém mướn, tổ chức cờ bạc sẵn sàng dùng vũ lực với người khác. Điều đáng lo ngại là ngày càng nhiều thanh thiếu niên sẵn sàng rút dao “nói chuyện” khi xảy ra va chạm, mâu thuẫn cá nhân. Bên cạnh đó là số vụ chống người thi hành công vụ có chiều hướng gia tăng.

Theo thống kê của Văn phòng Công an thành phố, trong năm 2011, Hà Nội xảy ra 186 vụ chống người thi hành công vụ. Ban Giám đốc Công an thành phố chủ trương xử lý kiên quyết, triệt để, tuy nhiên, các trường hợp này khi xét xử tại tòa án thì mức án còn nhẹ, hầu hết là án treo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù thì mức án rất thấp nên chưa đủ sức tác động răn đe phòng ngừa.

Vì thế cần có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn tình trạng này. Tất cả mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không thể để bất cứ một trường hợp ngoại lệ nào. Để chấm dứt tình trạng đã vi phạm lại còn có thái độ nhơn nhơn, coi thường pháp luật, đang có nguy cơ trở thành một căn bệnh “nhờn thuốc” đã đến lúc chúng ta cần phải có một “bàn tay sắt”. Cứ triệt để, nghiêm khắc rồi đâu sẽ vào đấy hết - đúng như ý kiến của Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh. Thời gian qua, Hà Nội xảy ra một số vụ đua xe trái phép, đặc biệt vào các ngày lễ Tết khiến lực lượng chức năng khá vất vả. Ví von việc lực lượng chức năng bắt thanh niên đua xe trái phép hiện nay như “ném đá ao bèo”, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho rằng nếu có quy định tịch thu xe đua, kể cả ôtô và xe máy, bất kể nguồn gốc ở đâu, của ai thì Hà Nội sẽ không còn tệ nạn này.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đề nghị với những trường hợp đua xe cần tịch thu và tiêu hủy. Theo chúng tôi với diễn biến của tình trạng đua xe như hiện nay thì tịch thu xe là cần thiết. Sau khi tịch thu, đưa phương tiên vi phạm ra bán đấu giá để lấy tiền sung công quỹ, nhằm hỗ trợ người nghèo, thiên tai, chất độc da cam… và rất nhiều việc khác.

Phải mạnh tay trấn áp, xử lý  mới kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, giữ vững sự bình yên cho xã hội.