Phải cứu các doanh nghiệp

ANTĐ - Tình trạng nhiều doanh nghiệp (DN) ngừng hoạt động và tuyên bố phá sản, đã đẩy hàng vạn người lao động (NLĐ) lâm vào tình cảnh thất nghiệp. Với tư cách là ĐBQH tỉnh Hưng Yên, bà Cù Thị Hậu (nguyên Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) bày tỏ mối lo ngại…

- PV: Hiện nay có tình trạng NLĐ ở một số khu vực và trong những điều kiện khác nhau, nhưng không có cơ chế đặc thù riêng biệt. Vậy, trong Bộ luật Lao động (LLĐ) sửa đổi cần có sự phân chia khu vực lao động không, thưa bà?

- Bà Cù Thị Hậu: Nhiều năm gắn bó với NLĐ, tôi rất hiểu chúng ta đang thiếu cái gì. Xin đơn cử trong quy định về độ tuổi nghỉ hưu, tôi thấy cần phân chia theo các nhóm: Thứ nhất là nhóm lao động khu vực thành phố, miền xuôi và những công việc hành chính, văn phòng thì nên giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu như hiện nay (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi); Thứ hai là nhóm của những người làm việc tại các vùng miền núi xa xôi hẻo lánh, biên giới hải đảo, lao động chân tay thì cần giảm độ tuổi nghỉ hưu thấp xuống, vì họ sớm bị mất sức khỏe hơn. Một nhóm nữa tôi muốn nhắc đến là những nhà khoa học, bác sỹ, giáo sư, tiến sĩ… những người có trình độ và tay nghề cao, thì cần tăng độ tuổi nghỉ hưu vì năng lực của họ vẫn còn và cần có sự cống hiến, đóng góp cho đất nước. 

Quy định nghỉ thai sản trong Dự thảo Bộ LLĐ (sửa đổi) cũng vậy, chúng ta phải hiểu NLĐ nữ ở khu vực hành chính, văn phòng khác lao động nữ ở các khu công nghiệp, chế xuất… Bởi lẽ, những người làm văn phòng có thể bớt thời gian để chăm con, nhưng lao động tại khu công nghiệp không dám bớt thời gian vì như vậy sẽ mất việc ngay. 

- PV: Hiện nay, đã có gần 18 nghìn DN ngừng hoạt động và tuyên bố giải thể. Tuy nhiên, con số này có dấu hiệu gia tăng, bà đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Bà Cù Thị Hậu: Thử làm phép tính đơn giản là trung bình mỗi DN phá sản và đẩy 10 người vào cảnh thất nghiệp, chúng ta sẽ thấy con số NLĐ bị thất nghiệp trong 4 tháng qua “khổng lồ” như thế nào. Bên cạnh đó, DN đang tồn tại thì hoạt động cầm chừng, thu hẹp lượng công việc nên NLĐ muốn tìm cách kiếm thêm thu nhập cũng rất khó khăn. 

Nhiều người thất nghiệp thì quỹ bảo hiểm thất nghiệp sẽ khó khăn, làm sao có thể chi trả hết được theo quy định của pháp luật. Ví dụ: Năm 2010 cả nước có 190.000 người đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì đến năm 2011, con số này đã lên tới 336 nghìn (mức tăng 77%). Trong khi 4 tháng đầu năm 2012, số người thất nghiệp đã lên tới gần 172 nghìn. Theo tôi, năm nay quỹ bảo hiểm thất nghiệp sẽ phải “còng lưng” gánh vấn đề nan giải này.

- PV: Bà đánh giá như thế nào về thị trường lao động cuối năm 2012? 

- Bà Cù Thị Hậu: Không thể nói trước được điều gì, vì còn phụ thuộc vào việc có kịp triển khai các gói hỗ trợ DN của Chính phủ và hiệu quả ra sao? Theo cảm nhận của tôi, thị trường lao động vẫn gặp nhiều khó khăn, bởi số lượng DN ngừng hoạt động và phá sản vẫn chưa dừng lại.   

- PV: Vậy cần làm gì để vượt qua những khó khăn, thưa bà?

- Bà Cù Thị Hậu: Chính phủ đưa ra các đề xuất hỗ trợ DN là rất cần thiết. Phải cứu các DN, vì như vậy sẽ tạo được công ăn việc làm cho NLĐ. Đồng thời, phải đưa được gói hỗ trợ cho sản xuất và cần có chính sách đồng bộ. Bên cạnh hỗ trợ DN, Chính phủ cần có những gói giải pháp cho sản xuất phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân, thì đồng tiền hỗ trợ mới phát huy hết tác dụng.