Phải chỉ đích danh địa chỉ gây lãng phí

ANTĐ - Chiều qua, 19-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo của Chính phủ về thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong năm 2013. Theo đó, tình trạng lãng phí vẫn tồn tại trên nhiều lĩnh vực với mức độ khác nhau.
Những dự án, công trình chậm trễ, kéo dài cũng gây ra lãng phí lớn

Có tiết kiệm nhưng chưa hết lãng phí

Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho biết, năm 2013, nhìn chung kỷ cương, kỷ luật tài chính, minh bạch hoá chi tiêu của ngân sách nhà nước (NSNN) và đầu tư công được nâng lên. Trong sử dụng NSNN đã thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm. Ngoài tiết kiệm 10% chi thường xuyên tạo nguồn cải cách tiền lương, các bộ, ngành, địa phương còn thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên còn lại của 7 tháng cuối năm 2013, với số tiền khoảng 3.080 tỷ đồng... 

Tuy nhiên, qua thanh tra việc quản lý, sử dụng NSNN trong 6 tháng đầu năm 2013, cơ quan chức năng đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính trên 1.290 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 94 tập thể, 376 cá nhân có vi phạm. Chi NSNN còn biểu hiện chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm. Trong 7 tháng đầu năm 2013, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã phát hiện 36.450 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định của 16.200 lượt đơn vị, từ chối thanh toán các khoản chi chưa đủ điều kiện chi theo quy định với số tiền 663 tỷ đồng.

Đánh giá những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nói: “Tình hình thực tế vẫn khá phức tạp. Lãng phí đi liền với tham nhũng nên nếu tham nhũng được nhìn nhận là còn tinh vi, phức tạp thì việc đánh giá công tác chống lãng phí cần phải chừng mực, khách quan”. Dẫn ra nhiều dự án đầu tư dang dở, trong đó có nguyên nhân chủ yếu là sự trì trệ trong GPMB, như dự án cầu Nhật Tân, dự án đường cao tốc Lào Cai – Hà Nội gây lãng phí lớn, ông Huỳnh Ngọc Sơn bình luận: “Thực trạng còn rất khó khăn. Với những dự án như thế thì chưa thể nói là đã đặc biệt quan tâm, quyết liệt chỉ đạo hay đã đạt được kết quả quan trọng”! 

Trụ sở rộng như... công viên

Góp ý vào báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, cách làm vẫn theo kiểu chung chung và ý nghĩa cảnh báo, nhắc nhở không cao. Ông đặt câu hỏi: “Phải làm rõ được tình hình năm nay so với năm trước có gì khác? Các dự án dàn trải đã chỉ ra những năm trước nay xử lý đến đâu? Cơ quan địa phương nào yếu kém vẫn chưa rõ?” Một số ý kiến khác cũng ghi nhận con số tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng Chính phủ đã nêu song những tổn thất, lãng phí cụ thể như thế nào lại chưa được lượng hóa và đánh giá đúng mức. Đó là chưa kể những lãng phí vô hình, không thể đo đếm được về nhân lực, tài nguyên...  

Bức xúc khi nạn sử dụng lãng phí đất đai chưa giảm, ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phản ánh: “Tôi đi một số tỉnh, thấy có nơi trụ sở rộng mênh mông như... công viên. Có nơi xây dựng trụ sở như cung điện hay điểm du lịch. Trụ sở là địa chỉ phục vụ nhân dân chứ không phải nơi tham quan, du lịch. Xây dựng lộng lẫy, xa hoa như thế rất phản cảm, không thể chấp nhận được.”

Đánh giá tình trạng lạm dụng xe công còn lãng phí, ông Ksor Phước nói: “Cấp dưới bộ trưởng cũng đi xe rất sang. Bộ Tài chính phải tuýt còi ngay việc này vì thuộc thẩm quyền của Bộ”. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị, “Bộ Tài chính làm sòng phẳng kiên quyết”. “Bộ Tài chính có vai trò là người gác cổng cho Chính phủ trong phòng chống lãng phí, mà không dám nói thì phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Nếu cứ tình cảm, du di, cuối cùng sẽ hỏng việc chung.” Ông Ksor Phước cũng đề nghị: “Phải chỉ đích danh ngành nào, địa phương nào, cơ quan, đơn vị nào còn lãng phí trong quản lý sử dụng đất đai. Phải cảnh báo, nhắc nhở những người đứng đầu các nơi đó để họ phải xử lý, giải quyết”.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu: “Phải chỉ ra cụ thể địa phương nào, bộ ngành nào, cơ quan, tổ chức nào để lãng phí đất đai để đại biểu quốc hội, nhân dân giám sát...”