Chống tiêu cực tại địa phương:

Phải biết lắng nghe người dân

ANTĐ - Câu chuyện về người cựu chiến binh nhiễm chất độc da cam Trần Văn Bính (Thanh Trì, Hà Nội) 3 lần bị đánh vì chống tiêu cực để lại thương tật vĩnh viễn 21% làm nhiều người xúc động. Trao đổi với phóng  viên ANTĐ, ông bày tỏ nhiều trăn trở về công tác chống tiêu cực tại cơ sở…
Phải biết lắng nghe người dân ảnh 1

Cựu chiến binh chống tiêu cực Trần Văn Bính

- PV: Là người chống tiêu cực tại cơ sở đã lâu, theo ông lực cản lớn nhất hiện nay với công tác chống tiêu cực là gì?

- Ông Trần Văn Bính: Các vụ tiêu cực, tham nhũng tại cơ sở hiện nay chưa phát hiện, xử lý được nhiều theo tôi là do một số đảng viên tại địa phương ngại đấu tranh, bản thân gia đình người muốn chống tiêu cực cũng ngại va chạm. Họ lo bị trả thù, điều tiếng… Với tôi, việc gì có lợi cho dân, cho đất nước thì làm, cho dù thế nào tôi cũng làm.

- Bị các đối tượng xấu hành hung đến 3 lần, việc đó ảnh hưởng đến quyết tâm chống tiêu cực của ông thế nào?

- Lần nặng nhất tôi bị nhóm “đầu gấu” đánh hỏng mắt phải. Mới đây năm 2011, có 2 đối tượng nhiễm HIV đến đe dọa hành hung, tôi phải đưa gia đình đi “sơ tán”. Mọi người lúc đầu cũng lo sợ, khuyên tôi dừng lại. Tôi động viên gia đình và khẳng định càng như thế nghĩa là mình đang làm đúng. Là một người lính và cũng là một đảng viên đã chiến đấu khắp các chiến trường, tôi không lo cho bản thân mình, mà chỉ lo cho người thân. Rất may tôi luôn được gia đình ủng hộ.

- Ông thấy chính quyền địa phương hiện nay cần rút ra bài học gì trong công tác chống tham nhũng, tiêu cực?

- Tôi nghĩ bài học quan trọng nhất là phải luôn tôn trọng, lắng nghe người dân. Nếu không lắng nghe, người cán bộ có thể trượt dài trong sai phạm.  Bên cạnh đó, những người chống tiêu cực cũng phải luôn thông tin chính xác, không “bé xé ra to”, không vì hiềm khích cá nhân, không gây mâu thuẫn nội bộ… tất cả phải vì lợi ích chung.

- Xin cảm ơn ông!