PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Nếu cứ coi Covid-19 là đại dịch, kéo dài thì các bệnh viện sẽ không trụ được

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, nếu không có thêm chính sách đãi ngộ với các y bác sĩ, cũng như không sớm biến Covid-19 thành bệnh lý chuyên khoa thì các bệnh viện sẽ khó trụ được…
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên và Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu tại buổi tọa đàm

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên và Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu tại buổi tọa đàm

Tại tọa đàm "Đại dịch Covid-19 và chính sách đối với nhân viên y tế" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 21-2, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi và một số đại biểu đều đề cập đến vấn đề cần thêm nữa những chính sách đãi ngộ với y bác sĩ.

Cũng tại buổi tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – cũng là đại biểu Quốc hội - một lần nữa nêu quan điểm phải sớm coi Covid-19 thành một bệnh lý chuyên khoa thông thường chứ không phải đại dịch.

PGS. Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ngoài việc chi viện các tỉnh, Bệnh viện Đại học Y được Bộ Y tế giao cho xây dựng bệnh viện điều trị Covid-19 ở Hoàng Mai, có nhiệm vụ rất quan trọng điều trị bệnh nhân nặng nguy kịch với quy mô 500 giường. Với 500 giường thì sẽ cần khoảng gần 1.000 cán bộ nhân viên nữa.

Hiện nay cơ sở điều trị Covid này đang điều trị khoảng 200 bệnh nhân rất nặng của Hà Nội. “Để điều hành 200 giường hồi sức, ECMO, thở máy… chúng tôi cần nhân lực rất lớn. Chúng tôi đành phải kêu gọi sự chia sẻ của cộng đồng. Chỗ chúng tôi hầu như bao giờ cũng có các tình nguyện viên tham gia. Các bác sĩ, điều dưỡng của chúng tôi luôn chuyển xuống cơ sở Hoàng Mai để điều trị.

Khó khăn nhất là nếu chúng ta vẫn duy trì tình trạng này thì chắc là không thể nào trụ được. Nếu chúng ta cứ coi là đại dịch, thực hiện những quy định như điều nhân lực xuống 21 ngày xong thay vòng thì không thể nào duy trì được lực lượng” – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu đề nghị sớm coi Covid-19 thành bệnh lý chuyên khoa

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu đề nghị sớm coi Covid-19 thành bệnh lý chuyên khoa

PGS Nguyễn Lân Hiếu cho biết thêm, tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hiện nay, các bác sĩ đi làm hằng ngày như bình thường và không mặc đồ bảo hộ quá mức như trước đây nữa vì không còn đủ tiền để mua trang thiết bị. Một bộ bảo hộ lên đến 500.000-600.000 đồng.

“Chúng tôi mặc đồ bảo hộ thông thường và cho anh em giữ, kiểm tra sức khỏe định kỳ để làm sao bảo đảm sự lây nhiễm chéo ít nhất. Đấy là những cách chúng tôi làm để dần dần biến COVID trở thành bệnh lý chuyên khoa.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của chúng tôi là duy trì hoạt động, kinh tế vật tư trang thiết bị. Hiện nay, hầu như tất cả các nguồn lực huy động được chúng tôi đã huy động rồi, không thể xin mãi được tiền tài trợ” – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nói thêm.

Từ thực tiễn đó, vị Giám đốc bệnh viện cũng là đại biểu Quốc hội đề nghị, cần coi đại dịch Covid-19 sẽ dần dần hết đi, bệnh Covid-19 thành bệnh lý chuyên khoa.

Nói thêm về việc này tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, dù có nhiều nghị quyết của Quốc hội, nhiều chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành nhằm bảo đảm chế độ cho nhân viên y tế, nhưng vẫn chưa đủ. Hơn 2 năm qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều mặt đến đội ngũ y, bác sĩ, nhất là những người trực tiếp tham gia chống dịch, từ suy giảm sức khỏe thể chất, lo lắng, trầm cảm đến sụt giảm thu nhập, phụ cấp.

Vì vậy, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại các chế độ, chính sách để tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những chính sách kịp thời đối với những người tham gia phòng, chống dịch, điều chỉnh bổ sung mức phụ cấp để bù đắp phần nào sự hy sinh, những tổn thất đối với nhân viên y tế - lực lượng tuyến đầu chống dịch.