“Ông bố vợ VFF” và chiếc Huy chương Vàng

(ANTĐ) - Người ta vẫn thường ví việc tìm kiếm HLV trưởng ĐTQG như cuộc tuyển rể và VFF như một ông “bố vợ” vậy. Sau nhiều thử thách, cuối cùng “ông bố vợ VFF” cũng tìm ra được chàng rể môn đăng hộ đối để quyết định giao phó số phận cả “2 cô con gái” khá đỏng đảnh: ĐTVN và Olympic VN.

Sổ tay:

“Ông bố vợ VFF” và chiếc Huy chương Vàng

(ANTĐ) - Người ta vẫn thường ví việc tìm kiếm HLV trưởng ĐTQG như cuộc tuyển rể và VFF như một ông “bố vợ” vậy. Sau nhiều thử thách, cuối cùng “ông bố vợ VFF” cũng tìm ra được chàng rể môn đăng hộ đối để quyết định giao phó số phận cả “2 cô con gái” khá đỏng đảnh: ĐTVN và Olympic VN.

Chàng rể Goetz hiện ra với vẻ điển trai, có cá tính và đặc biệt là rất biết chiều lòng “bố vợ” (chấp thuận cả mớ yêu sách VFF đề ra trước đó: nào là lý lịch phải hoành tráng, phải giành HCV ngay tại SEA Games 26 tới, phải chấp nhận mức lương 22.000 USD/tháng, hay chịu ràng buộc bởi mức bồi thường 3 tháng lương nếu đôi bên cảm thấy không thể tiếp tục “chung sống” được với nhau...).

Tất nhiên, như những “ông bố bà mẹ” Á đông khác, VFF cũng phải chọn ngày đẹp để tiến hành “hôn lễ” cho con mình. Và chiều qua 6-6 nhằm ngày Tết Đoan Ngọ 5-5-Âm lịch và 15h00 - giờ Hoàng Đạo (theo lịch vạn niên) được chọn để tiến hành “việc trăm năm”. Sau lễ “trao dâu, nhận rể”, trước sự chứng kiến của bàn dân thiên hạ, VFF đã có những lời dặn dò và không quên thòng thêm những nhiệm vụ, trước mắt là mục tiêu vàng SEA Games 26.

Tấm áo đội tuyển cùng cờ hoa đã được trao, rượu mừng đã uống… song để đạt được những thành công theo đúng bản hợp đồng hay không thì còn phải chờ đợi rất nhiều vào khả năng của “chàng tân lang” này cho những lần thể hiện sắp tới. Về phần mình, “ông bố vợ VFF” chắc hẳn chưa thể thở phào nhẹ nhõm, ngay cả khi “2 cô con gái” đã được trao thân gửi phận chốn đàng hoàng.

Trước đó, VFF đã từng ký những bản hợp đồng  theo kiểu “giao chỉ tiêu huy chương” đối với người tiền nhiệm của ông Goetz nhưng chính cách làm này đã gây áp lực đối với HLV và kết cục là ĐTVN “xôi hỏng bỏng không”, còn HLV thì phải ra đi. Đành rằng, trong bóng đá chuyên nghiệp, việc thay HLV là chuyện rất bình thường, song cái cách thoả thuận mà VFF đưa ra vẫn là theo kiểu cắt ngọn cây, chứ chưa tính đến việc chăm cây từ gốc.

Ngay đến như vị tân HLV mặc dù đã “gật đầu” với bản hợp đồng của VFF, nhưng cũng không dám chắc về cái mục tiêu: “Sẽ đạt được HCV SEA Games 26”. Cách mà ông sẽ làm đối với bóng đá Việt Nam là áp dụng một lối chơi đẹp, một thứ bóng đá cống hiến để từ đó đi tìm chiến thắng và giành lấy vinh quang. Đó mới là cái gốc!

Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ: “Ông ấy nghiêm túc, chuyên nghiệp nhưng dễ gần”

Điểm dễ dàng nhận thấy ở Falko Goetz là ông ấy nghiêm túc và chuyên nghiệp khi nói chuyện về công việc. Bên cạnh đó, HLV này luôn giữ một thái độ hòa nhã, thân thiện với mọi người. Ông ấy sẵn sàng gặp gỡ, trả lời báo giới, thậm chí có thể chấp nhận lời mời ăn tối nếu điều đó xuất phát từ thiện ý của các bạn. Ngoài khả năng chuyên môn thì đây là HLV cởi mở nhất từ trước đến nay.

HLV Mai Đức Chung: “Có thể đưa bóng đá Việt Nam tiến xa”

Chúng tôi vẫn thường xuyên gặp gỡ và trao đổi với nhau về công việc ở ĐTVN, và có thể nói chúng tôi bước đầu đã tìm thấy tiếng nói chung. Điều mà tôi khá tâm đắc ở vị HLV người Đức này là thông điệp ông muốn truyền đạt cho các học trò của mình: “Ở ĐTVN, không có ai là ngôi sao mà chỉ có một ngôi sao duy nhất là tập thể đại diện cho đất nước Việt Nam. Mọi suy nghĩ, hành động của tôi và các bạn đều phải hướng về ngôi sao đó”. Với những gì đã và đang thể hiện, tôi nghĩ Falko Goetz sẽ đưa bóng đá Việt Nam đi xa hơn.

Thuần Thư