Oanh tạc cơ Mỹ thử nghiệm tên lửa phóng từ thùng hàng

ANTD.VN - Lầu Năm Góc của Mỹ vừa thử nghiệm hệ thống phóng tên lửa hành trình từ thùng hàng Rapid Dragon gần Na Uy, trong lần đầu hoạt động này diễn ra ở châu Âu.
Bộ chỉ huy Các chiến dịch đặc biệt của Mỹ tại châu Âu (SOCEUR) hôm 9/11 công bố video đợt thử nghiệm hệ thống phóng tên lửa từ thùng hàng Rapid Dragon ở thao trường Andoya ở ngoài khơi Na Uy.
Đây là lần đầu hệ thống Rapid Dragon được Mỹ thử nghiệm tại châu Âu và Bắc Cực - nơi được đánh giá sẽ xảy ra cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc.
Trong video, vận tải cơ MC-130J thả thùng hàng chứa bệ phóng tên lửa hành trình AGM-158B JASSM-ER.
Thùng chứa được hãm bằng dù để bảo đảm an toàn cho máy bay, sau đó treo lơ lửng với phần mũi tên lửa hướng xuống dưới.
Quả đạn tách khỏi thùng hàng lao xuống biển và tạo ra cột khói lớn.

Chưa rõ nó nhằm vào mục tiêu cụ thể hay chỉ lao xuống theo tọa độ nạp sẵn.

Hình ảnh cuộc thử nghiệm được ghi lại bằng cảm biến quang - điện tử và hồng ngoại trên trinh sát cơ MC-12W Liberty bay gần đó.

Mô hình Rapid Dragon cho phép triển khai tên lửa hành trình từ vận tải cơ nhờ các thùng hàng theo quy chuẩn, biến vận tải cơ thành "kho vũ khí bay".

Điều này sẽ làm gia tăng đáng kể năng lực tiến công cho Mỹ, nhất là trong xung đột với những đối thủ xứng tầm.

Mặt khác, trang bị các bệ phóng tên lửa cho vận tải cơ sẵn có là giải phải rẻ tiền hơn nhiều so với biên chế thêm oanh tạc cơ, khiến mô hình này rất hấp dẫn trong bối cảnh ngân sách eo hẹp.

Giải pháp này cũng có khả năng tăng cường hoặc thu nhỏ quy mô tùy ý, cho phép vận tải cơ cỡ nhỏ hơn C-130 hoặc lớn hơn C-17 sử dụng trong tương lai.

Tuy nhiên, điều này cũng có thể đẩy phi đội vận tải cơ của Mỹ đến giới hạn khi nổ ra xung đột với các cường quốc, khiến khả năng duy trì chiến đấu trong thời gian dài bị hạn chế.

Được biết AGM-158 JASSM là tên lửa hành trình tầm xa phóng từ máy bay do Lockheed Martin phát triển cho không quân Mỹ.

Chương trình khởi đầu từ 1995, nhưng hàng loạt vấn đề trong quá trình thử nghiệm khiến tên lửa bị chê là "đầy lỗi" và Lầu Năm Góc suýt hủy nó.

Sau khi loại vũ khí này được biên chế năm 2009, Lockheed Martin đã bàn giao tổng cộng 2.000 quả đạn cho không quân Mỹ.
Biến thể AGM-158B JASSM-ER được ứng dụng nhiều công nghệ tàng hình, khiến nó khó bị phát hiện và đánh chặn hơn.
Quả đạn có tầm bắn hơn 900 km, so với 370 km của mẫu AGM-158 nguyên bản.
Loại vũ khí này lần đầu tham gia thực chiến ngày 14/4/2018, khi 19 quả đạn JASSM-ER được phóng từ oanh tạc cơ B-1B Lancer nhằm vào các mục tiêu ở Syria.