Ô nhiễm tại khu vực nhà nổi hồ Tây

(ANTĐ) - Kể từ sau ngày 30-9-2008, tất cả các du thuyền, nhà nổi, nhà hàng trên mặt hồ Tây đoạn đường Thanh Niên đã bị cưỡng chế phải di dời. Tuy nhiên, trong khi chờ một điểm đỗ mới cố định, thì các du thuyền, nhà nổi này được cấp phép tạm thời hoạt động bến thủy nội địa tại khu vực mặt nước hồ Tây đoạn từ số 2 đến số 10 phố Thụy Khuê, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Ô nhiễm tại khu vực nhà nổi hồ Tây

(ANTĐ) - Kể từ sau ngày 30-9-2008, tất cả các du thuyền, nhà nổi, nhà hàng trên mặt hồ Tây đoạn đường Thanh Niên đã bị cưỡng chế phải di dời. Tuy nhiên, trong khi chờ một điểm đỗ mới cố định, thì các du thuyền, nhà nổi này được cấp phép tạm thời hoạt động bến thủy nội địa tại khu vực mặt nước hồ Tây đoạn từ số 2 đến số 10 phố Thụy Khuê, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Hồ Tây đang đứng trước nguy cơ bị mất cân bằng sinh thái một cách nghiêm trọng. Theo thống kê, mỗi ngày hồ Tây nhận khoảng trên 10.000m3 nước thải sinh hoạt từ các hộ dân sống xung quanh hồ, và một lượng lớn nước thải từ hàng chục nhà hàng, khách sạn kinh doanh trên mặt hồ và xung quanh hồ. Vấn đề ô nhiễm môi trường ở hồ Tây đã được nhắc đến từ lâu.

Chính quyền và các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp để làm giảm nguy cơ gây ô nhiễm, bảo vệ cảnh quan hồ Tây như cưỡng chế tháo dỡ, bắt di dời đối với những nhà hàng, du thuyền đóng trên đoạn đường Thanh Niên. Hành động này đã phần nào giải quyết được tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng trên mặt hồ Tây khu vực đường Thanh Niên.

Nhưng trong lúc vẫn còn đang loay hoay đi tìm một bến đậu cố định để các nhà hàng, du thuyền, nhà nổi kinh doanh thì Sở GTVT đã cấp cho 4 doanh nghiệp Giấy phép tạm thời hoạt động bến thủy nội địa. 4 công ty được cấp Giấy phép đó là: Công ty Cổ phần Nhà nổi Hồ Tây, Công ty Cổ phần Du lịch Thương mại Tây Hồ, Công ty Cổ phần Dịch vụ Hồ Tây và Công ty TNHH Nhuận Mai.

Theo đó, 4 công ty này sẽ được cấp phép tạm thời để xây dựng và kinh doanh hoạt động bến thủy nội địa tại mặt nước hồ Tây đoạn từ khu số 2 đến khu số 10 Thụy Khuê, Hà Nội. Tuy nhiên, theo báo cáo số 69 (ngày 30-5-2009) của UBND phường Thụy Khuê gửi lên quận Tây Hồ cho biết: Kể từ khi hoàn thành việc xây dựng cầu thuyền, các đơn vị kinh doanh ở đây đã phát sinh hàng loạt những vấn đề liên quan đến an toàn của phương tiện và người, hoạt động trông giữ xe, vệ sinh an toàn thực phẩm, cảnh quan môi trường khu vực xung quanh hồ Tây, trật tự an ninh, cháy nổ, đăng kiểm chất lượng phương tiện thủy, trật tự xây dựng và ô nhiễm môi trường.

Trong đó nghiêm trọng nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường trên mặt hồ Tây đoạn từ số 2-10 phố Thụy Khuê.

Người dân khu vực đã nhiều lần kiến nghị về việc ô nhiễm nghiêm trọng tại khu vực này. Anh Nguyễn Phi Hùng ở Thụy Khuê cho biết: “Trước đây, khi các doanh nghiệp này chưa đến kinh doanh, người dân khu số 2 và số 4 Thụy Khuê vẫn thường đi bộ, tập thể dục ở khu vực này nhất là khi chính quyền xây dựng đoạn đường ven hồ. Tuy nhiên, gần đây, rất ít người tập thể dục hoặc đi bách bộ đến khu này vì mùi hôi thối nồng nặc, rất khó chịu”.

Bằng mắt thường cũng có thể nhận ra hồ Tây đang bị “bức tử” như thế nào, cá chết nổi đầy trên mặt hồ đoạn quanh các du thuyền, rác và các chất thải bám quanh các chân cầu cảng dẫn ra du thuyền, nhà nổi. Nước hồ ở khu vực này đã chuyển sang thành màu đen đặc sệt. Chỉ cần đứng cách khu vực này cả chục mét cũng có thể ngửi thấy mùi hôi thối bốc lên.

Tiếp xúc với phóng viên báo An ninh Thủ đô, ông Ngô Đức Thành, Phó Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê cho biết: “Ngay từ khi ký văn bản thỏa thuận vị trí tạm thời cho các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn phường đã không tán thành. Phường đã nhiều lần lập biên bản xử lý các vi phạm liên quan đến xây dựng cũng như ô nhiễm môi trường đối với các đơn vị kinh doanh hoạt động bến thủy nội địa tại đây.

Tuy nhiên, các đơn vị vẫn ngang nhiên vi phạm, gây bức xúc cho nhân dân khu vực sở tại. Đã nhiều lần cử tri phản ánh tình trạng này và phường cũng đã có những báo cáo gửi các ban ngành đề nghị lập đoàn thanh tra, kiểm tra mức độ ô nhiễm ở đây. Tuy nhiên, đến nay tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra theo chiều hướng xấu”.

Ông Thành cũng đề nghị: “Sở GTVT và các ban ngành sớm có quy hoạch cụ thể đối với các doanh nghiệp về nơi ổn định kinh doanh. Phường cũng như nhân dân sống tại khu vực không ủng hộ việc các hộ kinh doanh tại vị trí trên. Bên cạnh đó, thành lập đoàn kiểm tra để phối kết hợp với phường làm rõ các vi phạm liên quan”.

Vấn đề ô nhiễm ở hồ Tây không phải là mới, việc ô nhiễm ở khu vực mặt nước hồ Tây đoạn từ số 2 đến số 10 Thụy Khuê cũng mới chỉ là điển hình. Để có thể làm rõ và đưa ra những biện pháp xử lý còn cần các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để kiểm tra, phân tích. Nhưng nếu cứ tiếp diễn tình trạng này, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, lá phổi xanh của thành phố sẽ dần biến mất.

Gây nguy hại đến môi trường sống không chỉ cho các loại động thực vật mà còn cho cả con người. Đã có những kiến nghị về việc không cho nuôi cá tại hồ Tây để đảm bảo VSATTP, có lẽ cũng từ cùng một mối quan ngại cho vấn đề ô nhiễm ở hồ Tây. Nếu không sớm có các biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, hồ Tây chắc chỉ còn là cái ao tù và những hậu quả của nó với môi trường và sức khỏe con người hẳn khó lường.

Đỗ Nguyễn Đệ