- Triển lãm "Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam"
- Thủ môn Đặng Văn Lâm dự triển lãm tranh “Ana – Những sắc màu”
- Triển lãm đầu tay ở tuổi 40 của hoạ sĩ, diễn viên Đỗ Đỗ
Triển lãm đánh dấu sự trở lại của Nguyễn Trần Nam sau 10 năm kể từ lần xuất hiện đầu tiên của anh tại Manzi. "Ở khắp mọi nơi và mãi mãi" cũng đánh dấu lần trở lại thứ tư của Nguyễn Trần Nam tại đây. So với 3 lần trước, đợt mở xưởng này có lẽ là một bước chuyển cả về ý niệm, tính thẩm mỹ và năng lượng sáng tạo.
Theo Manzi, chuỗi tác phẩm mới trong đợt mở xưởng này tiếp diễn một danh mục chi li các cảnh huống, quen thuộc cũng có nhưng phần nhiều lạ lẫm và bất ngờ.
Chúng không chỉ là những phản chiếu riêng tư phần ký ức và ám ảnh cá nhân của nghệ sĩ, mà còn dẫn dụ đến hư cấu mang tính huyền thoại và siêu thực.
Một tác phẩm của Nguyễn Trần Nam tại triển lãm |
Các cá thể mang hình người trong tranh của Nguyễn Trần Nam luôn bị giấu đi diện mạo và danh tính. Tới loạt tranh này, đến động cơ và mục tiêu của chúng cũng không còn rõ ràng nữa.
Cùng với đó là sự có mặt của một loạt vật thể dị biệt trong tranh, như một cái thang, cái cây chết khô, một con mắt rớt tròng, nội tạng bị mổ ra, xác hươu...
Triển lãm diễn ra từ ngày 20/7 đến hết ngày 18/8.
Nguyễn Trần Nam (1979), là thế hệ họa sĩ đương đại thứ 2 ở Hà Nội. Kể từ năm 2003 tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam, anh đã xây dựng một chuỗi tác phẩm đa dạng, được thực hiện dưới nhiều loại hình và chất liệu khác nhau.
Các tác phẩm của anh lấy cảm hứng từ trải nghiệm của bản thân, xuất thân từ một gia đình lao động, lớn lên ở một vùng quê Hưng Yên và sau đó chuyển đến Hà Nội để học tập. Khi tối tăm và nặng nề, khi giễu nại và khôi hài, nghệ thuật của Nguyễn Trần Nam phản ánh các vấn đề của chính trị, xã hội và lịch sử của Việt Nam trong quá khứ cũng như thực tại. Đồng thời làm nổi bật lên câu chuyện của cá nhân cũng như mối quan hệ con người của các nhân vật thuộc các tầng lớp khác nhau trong xã hội, đặc biệt là tầng lớp lao động.