Ở đâu có quyền lực, ở đó cần cơ quan giám sát

ANTĐ - Có nên tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) ở cấp quận, phường như hiện nay hay bỏ đi, đó là vấn đề được các ĐBQH tập trung thảo luận sáng 24-11, khi góp ý vào dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Ở đâu có quyền lực, ở đó cần cơ quan giám sát ảnh 1ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) phát biểu trên nghị trường Quốc hội

Bỏ HĐND, ai kiểm soát chính quyền?

Liên quan đến mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương xây dựng 2 phương án. Phương án 1: Không tổ chức HĐND quận, phường trên địa bàn đô thị nhưng đối với địa bàn nông thôn vẫn có đủ các cấp chính quyền ở huyện, xã. Phương án 2: HĐND được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính. Qua thảo luận, đa số ĐBQH cho rằng cần thiết phải tổ chức HĐND ở tất cả các cấp, nếu không sẽ khiến chính quyền càng thêm xa dân, dễ nảy sinh tiêu cực, nhũng nhiễu trong hoạt động của các cơ quan chính quyền vì không có cơ quan giám sát.

Các ĐB Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội), Danh Út (Kiên Giang), Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Phương Thị Thanh (Bắc Kạn)… đều cho rằng: Ở đâu có chính quyền thì nơi đó phải có cơ quan kiểm soát quyền lực. Mặt khác, nếu không tổ chức HĐND ở một cấp nào đó là bỏ mất một thiết chế dân chủ, không đúng với tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Nhân dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của mình thông qua các cơ quan dân cử, đại diện cho dân như Quốc hội, HĐND nên nếu bỏ HĐND thì cũng có nghĩa quyền lực giám sát của dân với cơ quan chính quyền giảm đi, khó kiểm soát.

Phân tích sâu hơn vấn đề này, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng Luật Tổ chức chính quyền địa phương thực chất là luật tổ chức HĐND, UBND hiện hành và có bổ sung. Đã là chính quyền thì phải có cả HĐND, UBND. Trong đó, HĐND có thể coi là thành quả của nền dân chủ. “Tất cả các nước đều làm, nước nào trước đây không có HĐND đều chuẩn bị thành lập, trong khi đó, chúng ta lại tính bỏ đi?” - đại biểu này băn khoăn. 

Phải căn cứ trên hiệu quả hoạt động

Phản biện ý kiến của ĐB Nguyễn Anh Sơn, ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) cho rằng, quan điểm là phải xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới, không phải Luật tổ chức HĐND, UBND (sửa đổi). Về việc có cần tổ chức HĐND cấp quận/ phường hay không, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP HCM nói: “Cử tri hỏi rằng một năm HĐND ở cấp này họp mấy ngày, một lần họp được mấy ngày như vậy thì quyết được cái gì và giám sát được gì. Chúng ta nên thực tế, tập trung giải quyết vấn đề theo hướng phải nâng quyền, nâng hiệu quả hoạt động lên chứ không phải để tồn tại một cách hình thức. Còn nếu như không nâng được hiệu quả hoạt động của HĐND lên thì không nên tổ chức”.

Đồng quan điểm này, ĐBQH Đỗ Thị Hoàng (Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) phân tích, ở đô thị và nông thôn, phong tục tập quán, lối sống, văn hóa khác nhau, trong đó quản lý của chính quyền đô thị chủ yếu là quản lý ngành, lĩnh vực và điều tiết cung ứng dịch vụ công cộng xã hội. Do vậy, nếu phân chia cấp chính quyền quá nhỏ đến cấp phường sẽ dẫn đến vừa cát cứ, vừa chồng chéo, vừa không đảm bảo quyền của người dân. ĐB Đỗ Thị Hoàng cũng lưu ý, nếu chấp nhận phương án bỏ HĐND cấp quận/ phường thì phải tăng số lượng đại biểu HĐND cấp thành phố và thực hiện bầu cử chủ tịch phường theo nguyên tắc bầu cử trực tiếp, phổ thông đầu phiếu.

Ngoài ra, các ĐBQH đề nghị, cần phân định rõ quyền hạn, chức năng nhiệm vụ giữa các cấp chính quyền, tránh sự chồng chéo, không rõ trách nhiệm.

Nhất trí phê chuẩn 2 công ước của Liên hợp quốc 

Chiều 24-11, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người cũng như việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật. Qua thảo luận, đa số ĐBQH nhất trí phê chuẩn 2 công ước quan trọng này nhưng cho rằng cần có sự đánh giá kỹ hơn, cụ thể hơn tính tương thích giữa các quy định của pháp luật Việt Nam với 2 công ước nói trên. 

Theo các đại biểu, việc phê chuẩn 2 công ước này phù hợp với chủ trương, chính sách của nước ta nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người cơ bản ở Việt Nam, đồng thời là một cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển vì lợi ích dành cho người khuyết tật. ĐB Thích Bảo Nghiêm (Quảng Ninh) kết thúc phần thảo luận về công ước này bằng câu nói khiến hội trường QH lắng đọng: “Trời đất đã không ban cho người khuyết tật cuộc sống đầy đủ như người bình thường thì pháp luật phải có tránh nhiệm đảm bảo cho họ quyền lợi đủ đầy”.

Thêm 2 luật được thông qua

Chiều 24-11, Quốc hội đã thông qua Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) với 83,5% ĐBQH tham gia biểu quyết đồng ý và Nghị quyết thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); thông qua Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) với 82,7% ĐBQH tham gia biểu quyết đồng ý và Nghị quyết thi hành Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi).