Nhạc sĩ Dương Thụ:

Nửa đời người đi tìm chìa khoá

ANTĐ - Trong số những bạn nhạc tiếng tăm cùng thời, Dương Thụ được xem là người đàn ông phong độ nhất với chiều cao 1m80 cùng dáng dấp lịch lãm và sự hào hoa hiếm thấy. Người ta gọi ông là “tay chơi sành điệu” vì có lúc thấy ông “cưỡi” xe phân khối lớn chạy ầm ầm, có lúc lại thấy ông điệu đà trên một chiếc xe cổ từ tốn lượn quanh Hà Nội nhưng lúc nào cũng sẵn sàng sà xuống vỉa hè để nhâm nhi chè chén, thuốc lào. 
“Hồng Nhung đã kéo tôi trở lại với âm nhạc” 

Không có khả năng làm…nghệ sĩ!

- PV: Nếu lần đầu gặp Dương Thụ ở ngoài đời với cách đóng bộ chỉn chu, tác phong đạo mạo thế này, hẳn sẽ có người nghĩ ông không phải là…nghệ sĩ vì trông chẳng “vương” chút phong trần bụi bặm gì?

- Nhạc sỹ Dương Thụ: Tôi không phải lúc nào cũng tác phong đạo mạo chỉn chu như bạn nói, nhưng dáng vẻ phong trần bụi bặm thường thấy ở một nghệ sĩ thì chắc cũng không. Tôi là một người bình thường, thích sự khỏe mạnh và ăn mặc đơn giản. Có lẽ tôi có khả năng làm nghệ thuật nhưng không có khả năng làm… nghệ sĩ. Làm nghệ sĩ như các bạn thấy, khó lắm. Mà mình diễn cái mình không có, với tôi cũng có thể làm được, nhưng mà khó coi.

- Ngày trẻ có bao giờ ông nghĩ mình sẽ trở thành nhạc sĩ không? Sở dĩ hỏi vậy vì nghe đồn thời đi học, Dương Thụ có tiếng là văn hay, vẽ đẹp chứ chưa mấy ai biết đến tài viết nhạc của ông?

- Tôi không có cái chí lớn như bạn bè cùng lứa và các bạn trẻ bây giờ. Danh hiệu nhạc sĩ thời ấy với tôi quá cao xa. Nhưng tôi yêu âm nhạc, thích sống với âm nhạc từ thuở bé. Một sự yêu thích tự nhiên, không phải do truyền thống gia đình hoặc do được sự dẫn dắt chỉ bảo. Khả năng văn chương và hội họa với tôi chỉ là bề nổi. Âm nhạc do tôi giấu giếm nên mọi người không biết. Mà cái biết của mọi người về âm nhạc chỉ là ca hát hoặc chơi những cây đàn phổ thông như guitar, mandoline. Những cái này tôi lại không để ý, nên không thể nổi tiếng được. 

Từng bị coi là “thằng ngố”…

- Một người bạn của ông từng nói nhược điểm lớn nhất của Dương Thụ là “không biết đùa”. Nghệ sĩ mà không biết đùa thì nghe chừng có khó tin và… khó tính quá không?

- Thuở nhỏ tôi thường bị coi là một “thằng ngố” vì ai nói cái gì cũng tin. Thấy xấu hổ lắm. Lớn lên và cho đến bây giờ cái “ngố” ấy vẫn không sửa được. Biết làm thế nào, “giời sinh tính” mà. Cái nhược điểm cố hữu này khiến tôi rất ngại những cuộc trò chuyện bông lơn. Khi phát hiện ra, tôi thường viện lý do để “chuồn”. Bạn nên rộng lượng với tôi một chút, đừng nghĩ là tôi khó tính.

- Thế còn tật hay quên đến mức cho điện thoại “uống nước” thường xuyên trong bồn rửa, rồi thường xuyên mất ví, mất kính, đến nhà Bảo Chấn 100 lần thì cả trăm lần đều nhầm đường…, đó có gọi là “bệnh của tuổi 70” không hay bệnh đãng trí kinh niên của một người nghệ sĩ? 

- Đấy lại là một nhược điểm nữa mà đến bây giờ tôi vẫn không sửa được. Tôi biết tính đãng trí chẳng những làm khổ mình mà còn làm khổ vợ và những người liên quan. Tôi đã từ lâu được bạn bè gọi là “kẻ bỏ một nửa đời người để đi tìm chìa khóa”. Bây giờ tật  hay quên kinh khủng của tôi có điểm tựa mới là tuổi già nên dễ được mọi người tha thứ. Nhưng nói thế, đôi khi cái “quên” này cũng không hoàn toàn là dở. Tôi hay quên, nên quên luôn cái vật mình để quên hoặc đánh mất, quên luôn cả những chuyện người ta… “ném đá” mình, thành thử sống thoải mái. Giả sử tôi nhớ tất cả những gì mình đã quên, đã mất chắc là không thể sống nổi. 

Luôn thấy mình lạc lõng...

- Trở lại câu chuyện cách đây gần 20 năm, sau thời gian dài bôn ba làm thầy giáo miền núi Tuyên Quang rồi dừng chân lập nghiệp ở Sài Gòn, ông quyết định quay lại Hà Nội làm chương trình ca nhạc đầu tiên của đời mình. Nghe đâu sau lần ấy ông đã định rút lui khỏi làng nhạc Việt, đã mua một mảnh đất ở núi Chè (Bắc Ninh) để về ở ẩn? 

- Đúng thế. Tôi luôn cảm thấy mình lạc lõng, cả trong đời thường lẫn trong đời sống nghệ thuật. So với người khác, tôi không đủ tự tin như họ để nhìn nhận mình. Hòa nhập vào đời sống nghệ thuật ở Việt Nam thời ấy với tôi là cực kỳ khó khăn. Đó là cái dẫn bạn đến khủng hoảng tinh thần, nếu yếu đuối có thể dẫn đến tự hủy. Tôi không phải là người quá yếu đuối, nên tôi về Núi Chè sống, muốn trốn tránh tất cả. 

- Và rồi điều gì đã kéo ông trở lại với mối duyên âm nhạc?

- Hồng Nhung. Cô ấy hát rất thành công tác phẩm của tôi, cô ấy nói rằng “nhiều người hiểu và thích nhạc của chú đấy. Khi không còn hát được  nữa, cháu sẽ chuyển sang sản xuất nhạc của chú. Nhạc của chú hay mà!”. Cô ấy mời tôi vào TP.HCM để nghe cô ấy hát “Cho em một ngày”, để thấy công chúng thích bài hát ấy thế nào. Rồi “Vẫn hát lời tình yêu”, “Bài hát ru cho anh” mà Hồng Nhung hát cũng trở thành những bài “hit” thời đó.  Tôi biết cuộc sống đã thay đổi, mình không phải là một kẻ hoàn toàn lạc lõng nữa. Tôi trở về tiếp tục hoạt động âm nhạc. 

Tôi đã yêu Hà Nội thế nào…

- Ông từng thổ lộ yêu vỉa hè Hà Nội đến mức mỗi lần đặt chân xuống máy bay là phải tìm đến một quán nước vỉa hè để “thưởng” trà đá với thuốc lào. Thói quen ấy giờ ông còn giữ không, thưa nhạc sĩ?

- Vẫn còn chứ. Muốn biết bạn cứ đến hỏi mấy ông bà hàng nước vỉa hè ở phố Hàng Trống, ngõ Thọ Xương, hay đầu ngõ Tràng Tiền phía Nhà Hát Lớn là biết ngay. Bây giờ tôi có nhiều địa điểm thuốc lào chè chén mới rồi. Mê nhất là mấy hàng nước ở đường bao quanh Hồ Tây, tuyệt vời luôn. Nhả khói thuốc lào mà ngắm cảnh Hồ Tây lúc chiều tà mờ sương thì còn gì bằng.

- Thế còn tình yêu mà ông dành cho Hà Nội - nơi ông đã đi xa nhiều chục năm qua thì sao?

- Vẫn thế, vẫn là những gì tôi bộc lộ trong “Mong về Hà Nội”, “Bay vào ngày xanh”, “Phố Mùa đông”. Bạn hãy nghe nó lúc tĩnh tâm, sẽ biết, sẽ cảm nhận được tôi yêu Hà Nội như thế nào.

- Ông có thể chia sẻ về “Hồi ức âm nhạc bộ tứ Hà Nội” - dự án âm nhạc mà ông định thực hiện cùng ba người bạn nhạc Nguyễn Cường, Trần Tiến, Phó Đức Phương trong năm 2013. Hẳn ông có lý do riêng khi quyết định trở lại Hà Nội và tìm lại những người bạn cũ ấy phải không, thưa nhạc sĩ?

- Ba ông bạn ấy thì không phải tìm. Gặp nhau luôn mà. Ba ông bạn ấy thành công hơn tôi nhiều. Họ là những chân dung âm nhạc của cả một thế hệ mà tôi muốn phác họa bằng cách nhìn của mình. Tất nhiên câu chuyện kể về bộ tứ cũng có nhiều điều thú vị và có nhiều điều chắc là công chúng chưa biết. Tôi có dự án về chuyện này từ lâu, cũng đã biên tập một cuốn sách nhạc dày về bộ tứ và đã ký hợp đồng với nhà sách Phương Nam nhưng họ vẫn chưa chịu in. Không ai chịu làm thì mình tự làm vậy. Đây cũng là một quyết định liều lĩnh nữa, nhưng lần này không đến nỗi phải băn khoăn nhiều.

- Xin cảm ơn nhạc sĩ và chúc ông sức khỏe, thành công!