"Nụ cười chiến thắng, nụ cười hòa bình" trong các tác phẩm tranh cổ động kỷ niệm 50 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không

ANTD.VN - Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng-Anh hùng Phạm Tuân, cô gái làng hoa Ngọc Hà kéo xác máy bay B52 hay hình ảnh về trận địa pháo phòng không, cánh chim hòa bình đã xuất hiện chủ đạo trong các tác phẩm tranh cổ động xuất sắc tuyên truyền kỷ niệm 50 năm chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không.
Nụ cười chiến thắng của Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân trong một tác phẩm tranh cổ động về 50 năm chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không
Cánh chim hòa bình-biểu tượng cho khát vọng hòa bình được các tác giả sử dụng như đường dẫn hướng người xem tới tính chính nghĩa của cuộc chiến đấu 12 ngày đêm bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác ở miền Bắc
Các tác phẩm được tuyển chọn từ cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không (18/12/1972-18/12/2022).
Cuộc thi do Cục Văn hóa cơ sở tổ chức
Được phát động từ tháng 8/2022, cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại sâu sắc của Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không
Các tác phẩm thể hiện truyền thống vẻ vang, tôn vinh những chiến công của trí tuệ, lòng quả cảm và ý chí quật cường của dân tộc, quân đội ta, của cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không - Không quân, quân dân Thủ đô và các tỉnh, thành phố miền Bắc
Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, của “Thế trận phòng không nhân dân”
Là sự kế thừa và phát triển truyền thống nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại mới.
Đồng thời là kết quả của trí thông minh và lòng dũng cảm của dân tộc ta chống lại cuộc tập kích đường không quy mô lớn của đế quốc Mỹ với vũ khí trang bị hiện đại;
Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không có giá trị lịch sử và thời đại sâu sắc, góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Góp phần khẳng định sự đúng đắn và tất thắng của đường lối chiến tranh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Cuộc thi được tổ chức nhằm xây dựng niềm tin, nêu cao trách nhiệm của cán bộ, Đảng viên và nhân dân trong cả nước đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh đó để tăng cường tuyên truyền về tình đoàn kết và quan hệ hữu nghị với quân đội và nhân dân các nước bạn bè truyền thống, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.
Từ hơn 500 tác phẩm của gần 300 tác giả trên khắp cả nước tham gia, Hội đồng nghệ thuật đã tổ chức chấm chọn được 68 tác phẩm tiêu biểu phục vụ công tác tuyên truyền.
Nhiều tác phẩm được đánh giá đáp ứng tốt về mỹ thuật, tiêu biểu như: “50 năm Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” của tác giả Phạm Ngọc Mạnh (Báo Phụ nữ Việt Nam); “Chẳng bom đạn nào ngăn được Tiếng nói Việt Nam” của tác giả Đỗ Như Điềm (tỉnh Thái Bình); “Kỷ niệm Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” của tác giả Trần Duy Trúc và “Bản hùng ca bất diệt” của tác giả Phạm Bình Định (cùng ở thành phố Hà Nội)...
Các tác phẩm đã phác thảo được ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại sâu sắc của chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không diễn ra cách đây đúng nửa thế kỷ.
Bức ảnh nổi tiếng của nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Bảo luôn được nhắc đến như một hình ảnh đẹp của Hà Nội thời đạn bom
Thông qua các tác phẩm, người xem cảm nhận được lòng quả cảm và ý chí quật cường của dân tộc, quân đội ta, của cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không-Không quân, quân dân Thủ đô, thành phố Hải Phòng và các tỉnh, thành phố miền Bắc trong chiến đấu kiên cường, đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ trên bầu trời Thủ đô Hà Nội-Hải Phòng 50 năm trước đây.
Kết quả, Hội đồng BGK đã tuyển chọn được 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 10 giải khuyến khích và 1 giải Phong trào cho đơn vị đã vận động được nhiều tác giả, tác phẩm có chất lượng tham gia cuộc thi.
Tranh cổ động của họa sĩ Lê Đức Tuấn Định (Hà Nội)
Tác phẩm của họa sĩ Lê Chương (Sơn La)
Tác phẩm của họa sĩ Lâm Tiến Mạnh (Hà Giang)
Cách đây 50 năm, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lẫy lừng: Đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không bằng B-52 mang mật danh “Chiến dịch Linebacker-II” của đế quốc Mỹ vào Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc cuối tháng 12/1972
Chiến thắng đó được ngợi ca là “Trận Điện Biên Phủ trên không”, gây sửng sốt cho nước Mỹ và làm chấn động dư luận thế giới.
Trong cuộc tập kích chiến lược đường không cuối năm 1972, đế quốc Mỹ sử dụng lực lượng lớn máy bay chiến lược B-52, một trong bộ ba vũ khí răn đe chiến lược của chúng, hòng đưa “Hà Nội trở lại thời kỳ đồ đá”, đè bẹp tinh thần, ý chí chiến đấu của nhân dân ta và mưu chiếm lợi thế để ép ta trong đàm phán, song đã thất bại thảm hại.
Lần đầu, trong lịch sử 30 năm chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc (1945 - 1975), Việt Nam can trường tiến hành một chiến dịch phòng không quy mô lớn nhất chống lại một cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 điên cuồng nhất, dã man nhất của đế quốc Mỹ - cuộc tập kích quy mô chưa từng có trong lịch sử chiến tranh hiện đại trên thế giới.
Cùng với những kết quả to lớn trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên chiến trường miền Nam, thắng lợi của Chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng tháng 12 năm 1972 trên bầu trời miền Bắc là sự bất ngờ, nỗi kinh hoàng cho đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn.
Đồng thời cổ vũ, động viên nhân dân Việt Nam và làm nức lòng bạn bè quốc tế, đã góp phần tạo bước ngoặt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, buộc chính quyền Richard Nixon phải xuống thang chiến tranh, trở lại bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Thực tế là, không phải đến cuối năm 1972, mà ngay từ 7 năm trước đó - năm 1965, đế quốc Mỹ đã đưa quân vào miền Nam, tiến hành "chiến tranh cục bộ” và bắt đầu sử dụng lực lượng ném bom chiến lược B52 trên chiến trường.
Cuối năm 1967, khi làm việc với Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: "Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống, càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội”(2).
Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đầu năm 1968, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân bắt tay vào xây dựng kế hoạch đánh trả cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội trong vòng 5 năm tới.
Cuốn sách cẩm nang bìa đỏ mang tên "Cách đánh B52” của bộ đội tên lửa, tuy chỉ có 30 trang đánh máy, nhưng đó là sự tổng hợp, đúc kết kinh nghiệm trong quá trình gần 7 năm chiến đấu với B52 và các thủ đoạn của không quân Mỹ, nhất là những kinh nghiệm và phương pháp mới nhất, được rút ra sau trận tập kích ngày 16-4-1972 bằng B52 của địch vào Hà Nội và Hải Phòng.
Phương pháp đánh B52 trong cuốn cẩm nang đó đã được quân chủng phổ biến tỉ mỉ cho từng kíp chiến đấu. Bởi thế, sau này bước vào chiến dịch, bộ đội tên lửa của ta đã bình tĩnh, tự tin, bẻ gãy các đợt tiến công của không quân Mỹ.
Thậm chí, có những đơn vị chưa từng chạm trán với máy bay B52, như trung đoàn tên lửa 257 và trung đoàn tên lửa 261, nhưng từ kinh nghiệm và phương cách trong cuốn sách "Cách đánh B52”, các trung đoàn đó đã bắn rơi 24 máy bay B52, trong đó có 16 chiếc rơi tại chỗ.
Đúng như ta phán đoán, ngày 17-12-1972, Tổng thống Mỹ Nixon đã ra lệnh mở cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B52, mang tên Linebacker II vào Hà Nội và Hải Phòng.
Với thái độ ngạo mạn và coi thường, chính quyền Mỹ cho rằng, cùng với tàu ngầm nguyên tử, tên lửa vượt đại châu mang đầu đạn hạt nhân và những loại vũ khí chiến lược như siêu pháo đài bay B52, có thể ép được Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Hiệp định Paris theo những điều khoản có lợi cho Mỹ.
Nhưng trái lại, chỉ sau ba ngày Mỹ mở cuộc tập kích đường không chiến lược, đã có tới 12 máy bay B52 bị bắn rơi.
Và "nếu B52 cứ rơi với tốc độ này thì sau hai tuần lễ sẽ không còn máy bay ở Đông Nam Á để chiến đấu nữa” (Tạp chí Air Force, số 7-1977).
Ta đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B52 và 5 máy bay F111, giáng đòn quyết định vào cố gắng cuối cùng - đồng thời là cố gắng cao nhất của Mỹ trong năm 1972, và cũng là trong toàn bộ cuộc chiến tranh xâm lược, buộc chính quyền Nixon phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Với lý do thất bại nặng nề như vậy, đúng 7 giờ ngày 30-12-1972, Chính phủ Hoa Kỳ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ Bắc vĩ tuyến 20 trở ra và ngồi vào bàn đàm phán.
Chiến thắng oanh liệt của trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời này đã góp phần kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược lâu dài, hao người tốn của của một đạo quân viễn chinh
Âm hưởng của nó đã vượt ra khỏi phạm vi của một chiến dịch, góp phần quyết định "đánh cho Mỹ cút” sau khi Hiệp định Paris được .ký kết, tạo tiền đề "đánh cho ngụy nhào” vào mùa Xuân năm 1975.
"Điện Biên Phủ trên không” là sự kế thừa và phát triển truyền thống nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh lịch sử; xứng đáng là một đỉnh cao chiến thắng của văn hóa quân sự Việt Nam hiện đại.
Tranh chữ cổ động ra đời khá lâu trên thế giới và đã du nhập, xuất hiện tại Việt Nam vào những ngày tiền khởi nghĩa tháng 8 năm 1945
Thể loại này đã đi theo suốt chặng đường chiến đấu giành độc lập, tự do đầy gian khổ của quân và dân ta. Tới nay, dòng tranh này lại gắn bó mật thiết với cuộc sống con người Việt trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tranh cổ động hay còn được gọi với nhiều cái tên khác như tranh văn phòng, tranh áp phích, tranh quảng cáo…
Đây là dòng tranh có nội dung dùng để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hay sử dụng nhằm tuyên truyền cho các hoạt động xã hội
Với mục đích tuyên truyền, cổ động hoặc quảng cáo nên tranh có đặc điểm phải tập trung, khái quát được hình tượng nghệ thuật cụ thể. Bên cạnh đó, thông tin đem lại cho người xem thông qua phần chữ và phần ảnh đều vô cùng rõ ràng dễ hiểu, dễ nhớ.

Tin cùng chuyên mục