- NSND Lan Hương: Hạnh phúc vì cả đời được làm... "em bé"
- Đêm diễn tôn vinh NSND Lan Hương
- NSND Lan Hương: Kéo dài "sự sống" cho "Tâm linh Việt"
Cô bé nhút nhát thuở nào
Từ ngày nhận quyết định nghỉ hưu tại Nhà hát Kịch Việt Nam, cuộc sống của NSND Lan Hương không có sự xáo trộn. Chị vẫn đến cơ quan đều đặn 2 buổi mỗi ngày để tập vở, rồi đi lồng tiếng, đóng phim. Nói chung công việc vẫn khá bận rộn. Lan Hương vẫn giữ được dáng người thanh mảnh cùng nét đẹp nền nã của người phụ nữ Hà Nội.
Nếu gặp chị ngoài đường, ít người tỏ ra bất ngờ, bởi vẫn là Lan Hương với những hình ảnh quen thuộc giống như trên các bộ phim truyền hình, các vở diễn sân khấu, có khác chăng, ngoài đời nhìn chị hiện đại và trẻ hơn. Lan Hương bảo, cuộc sống của chị người ngoài trông vào tưởng là nhàn nhã, nhưng để có được cuộc sống đó, chị buộc phải học cách tranh thủ từng giây từng phút.
38 năn gắn bó với Nhà hát Kịch Việt Nam, NSND Lan Hương đã đi lên từ một cô bé nhút nhát, từng suýt bị loại khỏi khóa học diễn viên trung cấp ngày ấy. Bằng sự cố gắng, chị đã trở thanh 1 trong 6 diễn viên của khóa học và được nhận vào biên chế, trở thành diễn viên chính của Nhà hát Kịch Việt Nam trong suốt nhiều năm.
Điều khá thú vị, ngoài mái tóc bông bồng bềnh còn giữ đến ngày nay thì hình dáng của Lan Hương thời đi học diễn viên khác xa bây giờ. Chị kể, ngày xưa chị béo tròn, mặc quần lụa, áo sơ mi tới trường. Đó là nếp sống đã được mẹ chị dạy cho con gái ngay từ khi còn nhỏ.
Áo bao giờ cũng cài khuy cổ và khuy tay rất cẩn thận mới đi ra khỏi nhà. Chỉ đến khi trở thành diễn viên, cái nhìn đã cởi mở hơn về thời trang, chị mới diện các bộ quần áo kiểu cách và điệu đà. Nhưng có thay đổi gì đi nữa, Lan Hương vẫn luôn kín đáo trong ăn mặc.
Luôn ý thức giữ gìn hình ảnh
Nỗ lực và cố gắng, với nghề diễn, dường như chị được trời cho rất nhiều, đó là một gia đình nhỏ hạnh phúc cho đến những thành công trong nghề nghiệp mà danh hiệu NSND là phần thưởng xứng đáng cho bao năm tần tảo với nghề của Lan Hương. Và cũng từ nghề diễn, chị đã phát triển sang điện ảnh, truyền hình rồi lồng tiếng.
Lan Hương có khả năng “hóa trang giọng nói” ở nhiều độ tuổi, cả người già lẫn trung niên... Sinh ra ở Hà Nội, sở hữu giọng nói chuẩn nhưng để giọng nói có khả năng biến hóa về âm sắc, chị đã học được nhiều từ sân khấu, qua từng vai diễn. Dù gặt hái nhiều thành công nhưng chuyện ít người biết là Lan Hương từng có ý định bỏ nghề ở giai đoạn sân khấu khủng hoảng những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước. Chị nhận làm may, thêu thùa rồi móc, nhưng cũng rất nhanh nhận ra mình không đủ kiên nhẫn để theo đuổi các công việc này.
Những chuyến công tác xa nhà, hai vợ chồng chị (NSƯT Đỗ Kỷ - diễn viên cùng đoàn) phải mang theo con đi diễn, rồi lỉnh kỉnh các thứ đồ cần thiết cho trẻ nhỏ. Có đêm diễn, trời mưa tầm tã, sân khấu chỉ là một gò đất được đắp lên cao hơn mặt đường một chút, không có micro, không có đèn sân khấu, chỉ có hai chiếc đèn cá, thế mà khán giả kéo đến kín cả bãi đất trống.
Diễn viên diễn dưới mưa ướt lướt thướt, khán giả cũng ướt nhẹp, nhưng không thấy ai bỏ về. Những kỷ niệm ấy khiến mỗi lần lên sân khấu là thêm một lần chị trân trọng khán giả. Những đêm trằn trọc không ngủ được vì lo cho vai diễn không còn hiếm gặp đối với một nghệ sĩ nặng tình với sân khấu như Lan Hương.
Đã “đóng đinh” với các vai diễn người phụ nữ nền nã, tần tảo nên Lan Hương luôn cố gắng giữ gìn hình ảnh của mình luôn đẹp trong mắt khán giả. Ngay cả trong lúc bông đùa thì chị cũng giữ ý trong chừng mực có văn hóa. Đặc biệt, những chuyến làm từ thiện, Lan Hương xuất hiện hòa đồng với người dân nghèo.
Chị ăn vận giản dị và nếu không phải là người nổi tiếng, chắc người ta sẽ tưởng chị là một người dân bình thường đến với chương trình. Ngoài đời, chị cũng là người phụ nữ tần tảo giống như trong các vai diễn. Lan Hương đã lên chức bà nội. Nhờ chị truyền “nữ công gia chánh”, cô con dâu đã có thể tự nấu nướng và đan áo cho mình cũng như hòa đồng với cuộc sống gia đình chị. Đúng như Lan Hương nói, đi đâu làm gì thì cuối cùng gia đình vẫn là số một.