NSND Đặng Thái Sơn: "Tôi chỉ có một lựa chọn làm con ngoan của bố"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Trong buổi ra mắt tập thơ "Bến lạ" của nhà thơ Đặng Đình Hưng nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của ông, con trai của cố nhà thơ-NSND Đặng Thái Sơn chia sẻ: "Tôi chỉ có một lựa chọn là làm con ngoan của bố". 

NSND Đặng Thái Sơn đã trở về nước trong chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ Canada với sự giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada. Ông đã thực hiện cách ly 14 ngày trong một khách sạn với 2 cây đàn. Vào tối ngày 20-1, nhân dịp ra mắt tập thơ "Bến lạ" của cố nhà thơ Đặng Đình Hưng, ông đã có buổi chia sẻ những kỷ niệm ấu thơ về người cha của mình và biểu diễn song tấu piano với một bản etude cho piano được lấy cảm hứng từ thơ Đặng Đình Hưng, do nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc soạn.

Với tối đa 10 phút trình bày, NSND Đặng Thái Sơn nói rất ngắn về gia đình nhưng toát lên được sức ảnh hưởng từ người cha Đặng Đình Hưng tới nhân cách và sự nghiệp âm nhạc của ông sau này.

NSND Đặng Thái Sơn cho biết, ngay từ khi chưa lọt lòng, cha ông đã đặt tên cho cậu con trai út là Đặng Thái Sơn. Nhiều người sẽ nghĩ ngay đến 2 câu thơ "Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra" có thể là điều Đặng Đình Hưng đã nghĩ đến khi đặt tên cho cậu con trai. Nhưng ở đây còn có một nghĩa khác, chữ "Thái" là họ của mẹ ông, Thái Thị Liên một cách rất bình đẳng trong cái tên "Đặng Thái Sơn".

Lúc lọt lòng, gia đình sống rất êm ả tại số 28 Tống Duy Tân, thuê của một cụ ký, một cửa hàng tư nhân. Nhà rất đông, 5 anh em, "con anh con em con chúng ta" và anh chị của ông ai cũng học đàn nên nhà rất ầm ĩ. Đặng Thái Sơn là út nên cha mẹ ông tính thôi không cho học đàn. Mà sự đời, khi bố mẹ nói không thì con cứ ứ ừ. Thế là các cụ theo dõi thấy nó có vẻ quan tâm tới cây đàn nên mới đè thằng bé ra xem có lỗ tai hay không.

Theo NSND Đặng Thái Sơn, học đàn phải có năng khiếu chứ không phải tay đẹp mới cho học đàn. Thực ra tay pianist như tay nhà nông, phải đánh có cơ bắp nên không có đẹp nhưng quan trọng là phải có "lỗ tai". Sau khi thử năng khiếu cho con trai, ông thấy các cụ cứ thì thầm nhưng không biết nói gì. Sau đó, ông cũng được học đàn như anh chị mình. Cha là người kẻ những dòng nhạc đầu tiên. Má là người đặt tay ông lên phím đàn ở những bước đầu tiên.

Sau khi đi sơ tán, thời gian ông gần bố nhất là những năm đầu 70. Nhà có 2 phòng. Phòng lớn 22 m, ông ở với mẹ ông. Phòng 4m là phòng bố ông. Căn phòng này là nơi bố ông làm việc, dịch, và những giờ phút ngâm thơ thăng hoa thì thằng bé cứ nép ngoài cửa xem bên trong là cái gì. Những người hay lui tới thì có cùng cảnh như nhạc sĩ Văn Cao, Đỗ Nhuận, Trần Dần. Và NSND Đặng Thái Sơn cho rằng, bố ông hợp với các nhạc sĩ hơn vì cái tôi cá nhân không đụng tới nhau. Về văn thơ, mấy ông rất thân nhau, ngày nào cũng gặp nhưng bẵng đi mấy tuần không thấy đâu, y như rằng lại giận nhau.

Khi ông vào tuổi niên thiếu, lúc hình thành nhân cách, bố ông không chỉ về định hướng nghệ thuật, cách sống mà ông còn dạy cả dáng ngồi chơi đàn, cân bằng như thế nào, thẳng lưng ra sao... Thằng bé cứ răm rắp nghe theo. Bây giờ ngồi điểm lại, NSND Đặng Thái Sơn nhận thấy, ông mới đạt 90 mấy phần trăm, có mỗi một cái bố chỉnh mãi mà ông không làm được và ông cũng rất ngại đụng đến là dáng đi.

"Cái quan trọng trong nghệ thuật là phải chân thật, không quỵ lụy, khuất phục và bên trong có cái kiêu hãnh. Cái kiêu hãnh ngầm bên trong ấy chính là cái đã giúp tôi chiến thắng cuộc thi Chopin. Lúc ấy tôi chỉ có "đơn thương độc mã", NSND Đặng Thái Sơn nói.

Giống như một bản nhạc, sau những êm ả, sẽ có những cao trào, cuộc sống của gia đình ông cũng vậy. Đó là vào giữa những năm 70, bố mẹ chia tay. Lúc ý, ông sửa soạn chuẩn bị sang Liên Xô. Lại nói chuyện bố mẹ, NSND Đặng Thái Sơn không hiểu tại sao ông bà lấy nhau? Hai cá tính cực mạnh, văn hóa khác nhau, má ông theo phương Tây hơn, bố ông theo truyền thống. Nhưng ngẫm lại, có thể lại vì cái chân thật trong cuộc sống và trong nghệ thuật mà 2 người đã đến với nhau.

Khi bố mẹ chia tay, cũng là một cách để hợp thức hóa để ông được sang nước ngoài học tập. Đây là khoảng thời gian suy sụp, bố cần mẹ, mẹ cần bố. Sáng tác như bố ông cần hậu phương vững chắc. Má ông có thể đảm bảo cơm nước, chăm sóc cho chồng. Lúc mất hậu phương ấy, cụ sụp, sụp đến mức gần như một người vô gia cư, tiến tới là bệnh tật. Còn má ông cần "cái đầu" như bố ông. Phần cư xử, ngoại giao, má ông là "zero". Khi chia tay, má ông về miền Nam một mình nhưng "mất cái đầu".

Ngày bố ông nhập viện lao phổi vì phát hiện một cái u trong phổi cũng là ngày ông ngồi Chung kết Chopin. Giải Nhất Chopin năm ý đã cứu cả nhà. Bố ông từ nằm chờ chết, không có tiền, không nằm trong danh sách ưu tiên đã được phẫu thuật bởi 2 bác sĩ đầu ngành là bác sĩ Tôn Thất Tùng, Hoàng Đình Cầu. Sau ca mỗ, bố ông đã sống thêm 10 năm và một hậu vận tương đối là thoải mái. Còn má ông đã được sang Canada sống cùng con trai.

Và để kết phần chia sẻ của mình, NSND Đặng Thái Sơn đã dừng lại một lát và nói tiếp, "tôi chỉ có một lựa chọn là làm con ngoan của bố. Xin hết" trong tiếng vỗ tay của những người tham dự.

Sau đó, buổi ra mắt tập thơ đã tiếp nối với những lời nhận xét về thơ Đặng Đình Hưng của nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy, nhà thơ Hoàng Hưng ... Theo đó, thơ ca thường có 2 lớp ngôn từ, đó là ngôn từ đọc thấy ngay và lớp nghĩa thứ 2. Thơ Đặng Đình Hưng là thơ có lớp nghĩa thứ 2. Hơn thế, về hoàn cảnh sáng tác, Đặng Đình Hưng tham gia nhóm Nhân văn giai phẩm nên có đời sống cô đơn, không được tham gia vào ngày hội quần chúng. Chính vì thế, ông đi tìm ngôn ngữ thi ca của riêng mình và được sáng tác thời hậu Nhân văn giai phẩm.

Nếu như các nhà thơ sáng tác đi từ ý tưởng đến ngôn từ thì Đặng Đình Hưng đã làm ngược lại. Hơn thế, vốn là một nhạc sĩ nên ông dễ dàng đi đến ngôn từ đích thực, không còn là ngôn từ dễ thấy. Thơ ông có sự ảnh hưởng rõ ràng của âm nhạc với những nhịp điệu nhấp nhô trong tác phẩm. Nói như nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy, âm nhạc làm cho Đặng Đình Hưng có ngôn ngữ thơ trong trẻo.

Màn biểu diễn được mong chờ nhất đã đến. Đặng Thái Sơn và Đặng Hữu Phúc đã có màn song tấu piano với một tác phẩm được lấy cảm hứng từ thơ của Đặng Đình Hưng. Sau những tràng pháo tay của khán giả dành cho 2 nghệ sĩ, NSND Đặng Thái Sơn cho biết, ông sẽ biểu diễn một bản nhạc dành tặng bố. Và như thế vừa quên một điều gì quan trọng, ông lại yêu cầu chuyển micro để nói "tôi có một đề nghị, sau bản nhạc này, không ai vỗ tay".

Với một bản nhạc êm dịu của Bach, Đặng Thái Sơn đã thể hiện tiếng lòng của một người con với cha, một sự tưởng nhớ và tri ân rất... nghệ sĩ. Sau bản nhạc này, ông hướng gương mặt mình về phía màn hình chiếu trên sân khấu và cúi đầu bái lạy cha. Cả khán phòng im phăng phắc và tất cả các khán giả đều đứng dậy, dành 1 phút tưởng nhớ nhà thơ Đặng Đình Hưng.