"Nóng" tranh luận về phương án xử lý tài sản không rõ nguồn gốc

ANTD.VN -Thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sáng 25-10, việc lựa chọn phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc tiếp tục làm “nóng” nghị trường.

Phát biểu thảo luận, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) tán thành với việc phải có quy định thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Bởi thực tế tình hình tham nhũng ở khu vực này đã và đang ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng. Hơn nữa, việc mở rộng phạm vi phù hợp với công ước quốc tế, thực tiễn xã hội nước ta và đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.

“Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ngoài Nhà nước đã bị thanh tra, kỷ luật do liên quan đến đấu thầu, nhận thầu, bán tài sản từ các dự án của Nhà nước. Tuy nhiên, để tránh tình trạng lạm dụng quy định này cần cụ thể, chi tiết hơn về phạm vi phòng chống tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước” – Đại biểu Phương nói.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) phát biểu thảo luận

Về phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc, Đại biểu Phương không đồng tình với phương án tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ chuyển Kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan để yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình.

 Theo vị Đại biểu này, nếu các cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan điều tra không chứng minh được tài sản thu nhập do vi phạm pháp luật mà có thì không thể có chứng cứ, cơ sở pháp lý để quy tội nên không thể chuyển cho Tòa án giải quyết. Bên cạnh đó, tài sản thực tế của cá nhân nếu cơ quan có thẩm quyền không chứng minh được nhưng lại giao cho tòa án xử lý thu hồi là vi phạm Hiến pháp.

Ngoài ra, nếu không chứng minh được vi phạm mà tiến hành thu hồi tài sản là khó khả thi, nếu cố tình thi hành án hoặc cưỡng chế sẽ phát sinh nhiều hệ lụy khó lường, gây bất an trong xã hội. Hơn nữa, việc làm này chẳng khác nào làm khó cho tòa án, rất dễ phát sinh tiêu cực, làm mất cán bộ và suy giảm niềm tin của người dân, làm tăng số lượng vụ án, thời gian xét xử.

Do vậy, Đại biểu Phương đồng tình với phương án, nếu Nhà nước không chứng minh được tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có thì tạm coi đây là một khoản thu nhập phải chịu thuế, người kê khai phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Không đồng tình với ý kiến trên, Đại biểu Phạm Hồng Phong (đoàn Hậu Giang) giơ biển tranh luận, “Tòa án là công cụ của Nhà nước, là cơ quan xét xử, phán quyết phải đảm bảo dân chủ, khách quan nên người dân luôn tin tưởng. Tòa án hiện nay tuy khối lượng công việc quá tải nhưng nếu được giao thêm nhiệm vụ sẽ  phải  huy động nhân lực, vật lực để hoàn thành” .

Nhất trí với quan điểm này, Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng, tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ chuyển Kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan để yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định là phương án có nhiều ưu điểm. Tuy vậy, để phương án này khả thi cần làm rõ 2 vấn đề: Người kê khai có nghĩa vụ giải trình nhưng cơ quan quản lý thu nhập không đồng ý nên chuyển ra tòa, lúc này nghĩa vụ chứng minh thuộc về tòa án; Cần tăng thêm nguồn lực cho Tòa án để thực thi nhiệm vụ.

Còn theo Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre), “tôi không đồng tình với cả 2 phương án chuyển Tòa án hay chuyển cơ quan thuế xem xét. Đây  đều là phương án nửa chừng. Tôi đề xuất theo phương án cũ”.