Nông sản Việt muốn "đi đường dài" với EU, doanh nghiệp cần quan tâm chất lượng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - EU hiện trở thành thị trường lớn thứ ba của nông sản, thực phẩm Việt Nam. Song, thời gian gần đây, các mặt hàng nông sản, thực phẩm Việt xuất khẩu sang thị trường này liên tục bị cảnh báo về ATTP.

EU thắt chặt chất lượng ATTP

Sau gần 2 năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, nông sản, thực phẩm Việt xuất khẩu vào thị trường EU tăng mạnh. EU hiện trở thành thị trường lớn thứ 3 của nông sản, thực phẩm Việt Nam. Song, thời gian gần đây, các mặt hàng nông sản, thực phẩm Việt xuất khẩu sang thị trường này liên tục bị cảnh báo về ATTP.

Thống kê từ Bộ NN&PTNT cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước gần 32,3 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt 13,3 tỷ USD, tăng 8,4%; lâm sản chính đạt trên 10,4 tỷ USD, tăng 1,3%; thủy sản ước đạt gần 6,7 tỷ USD, tăng 34,2%; chăn nuôi ước đạt 225,6 triệu USD, giảm 11,6%; xuất khẩu đầu vào sản xuất gần 1,7 tỷ USD, tăng 66,7%.

Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt gần 8,7 tỷ USD (chiếm 26,8% thị phần); đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc trên 5,7 tỷ USD (chiếm 17,8% thị phần)…

Tuy vậy, thời gian qua, các sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam cũng liên tiếp nhận cảnh báo của một số thị trường liên quan đến an toàn thực phẩm cũng như hồ sơ, bao bì nhãn mác.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản vào EU ngày càng tăng trường mạnh

Xuất khẩu nông lâm thủy sản vào EU ngày càng tăng trường mạnh

Mới đây, Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) đã nhận được cảnh báo của EU, về một số sản phẩm mì ăn liền xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, Đức gửi cảnh báo mì ăn liền hương vị gà, cà ri của Công ty CP Thực phẩm Á Châu vì chứa chất cấm ethylene oxide vượt ngưỡng quy định của EU; Malta gửi cảnh báo sản phẩm bánh phở hiệu Nguyễn Gia do xác định nguyên liệu sản xuất loại bánh phở này từ gạo biến đổi gen.

Không chỉ có các sản phẩm mì ăn liền, trước đó, tháng 9/2021, Văn phòng SPS Việt Nam nhận được cảnh báo từ EU đối với sản phẩm đùi ếch đông lạnh do chứa chất cấm nitrofurans. Nhà sản xuất là Công ty TNHH Thương mại và Chế biến thực phẩm Ngọc Hà (tỉnh Tiền Giang). Pháp đã thu hồi sản phẩm trên thị trường, còn Thụy Sỹ sử dụng biện pháp tiêu hủy.

Đầu tháng 10/2021, Bộ Công Thương thông báo thu hồi lô gạo thơm giống ST25 hiệu Nữ hoàng tại Bỉ. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chủ động thu hồi bởi kết quả kiểm tra phát hiện có dư lượng tricyclazolevượt vượt mức cho phép.

Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Ngô Xuân Nam khuyến cáo, các đơn vị cần lưu ý nắm chắc và tuân thủ nghiêm túc những quy định của thị trường nhập khẩu, đảm bảo không bị thu hồi, cảnh báo vi phạm, tránh ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.

Đối với các sản phẩm thủy sản cần kiểm soát, quản lý và sử dụng đúng quy định về chất lượng thức ăn chăn nuôi trong nuôi trồng thủy sản và kiểm soát chặt chẽ các mối nguy gây mất ATTP trong quá trình sơ chế, chế biến.

Đối với các sản phẩm gạo, rau quả, trái cây cần kiểm soát, quản lý và sử dụng đúng quy định về hóa chất bảo vệ thực vật, kiểm soát chặt chẽ các mối nguy gây mất ATTP trong quá trình sơ chế, đóng gói; tăng cường truy xuất nguồn gốc, quản lý vùng trồng…

Đối với chỉ tiêu ethylene oxide trong các sản phẩm thảo mộc, rau củ khô, hạt vừng (có trong gói gia vị của mì ăn liền), hiện EU quy định ngưỡng cho phép rất thấp, từ 0,01 mg/kg – 0,02mg/kg. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU cần phải điều chỉnh công nghệ, kiểm soát nguyên liệu để phù hợp với yêu cầu thị trường.

Xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động

Nhận định thị trường EU còn nhiều tiềm năng nhưng lại khó tính, có những quy định chặt chẽ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, đã đến lúc các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần phối hợp xây dựng một chiến lược tổng thể và kế hoạch hành động để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường này.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ba trở ngại lớn nhất đối với nông sản Việt Nam khi vươn ra thế giới là: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển trong xu thế tiêu dùng. Trong đó, thế giới đang mạnh mẽ chuyển sang sản xuất và tiêu dùng xanh.

Để nông sản Việt Nam xuất khẩu bền vững sang EU, ông Ngô Xuân Nam cho rằng, muốn xuất khẩu hàng hoá “dài hơi” vào EU thì phải đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn của thị trường này. Khi phía EU đưa ra quy định, nghiên cứu dựa trên cơ sở khoa học thì chúng ta phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu. Doanh nghiệp không nên quá nóng vội, nếu chạy theo xuất khẩu số lượng sẽ không bền vững.

“Thực tế cho thấy, khi tham gia hội nhập sâu rộng, các nước vẫn có những vi phạm, bị cảnh báo. Điều này là bình thường. Điều quan trọng là doanh nghiệp cố gắng tối đa không vi phạm. Vấn đề là sau mỗi cảnh báo, các doanh nghiệp rút ra được bài học gì, lý do từ đâu?” - ông Ngô Xuân Nam nói.

Không chỉ thị trường EU mà các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc ngày càng có yêu cầu cao hơn về chất lượng nông lâm thủy sản nhập khẩu vào. Không những phải đảm bảo về chất lượng sản phầm mà bao bì, nhãn mác cũng được các nước chú trọng, như Trung Quốc với chính sách “Zero Covid” nên cơ quan hữu quan của nước này xét nghiệm cả SARS-CoV-2 trên bao bì.

Bởi vậy, lãnh đạo Bộ NN&PTNT khuyến cáo, để đi đường dài với các thị trường lớn mà “khó tính” như EU hay Mỹ thì điều kiện tiên quyết là các doanh nghiệp phải ưu tiên chất lượng đặt lên hàng đầu. Không những vậy, doanh nghiệp còn phải chú trọng xây dựng thương hiệu cho bản thân doanh nghiệp nói riêng và cho nông sản Việt nói chung.