Nóng nạn xe khách bỏ bến ra ngoài "chạy dù"

ANTD.VN - Đến nay là tròn 1 năm, vận tải khách liên tỉnh tại Hà Nội được phép hoạt động trở lại sau dịch bệnh. Tuy nhiên, những con số thống kê mới đây đang cho thấy thảm cảnh của xe khách tuyến cố định vẫn chưa chấm dứt, khi mà tất cả các bến xe khách lớn trên địa bàn TP Hà Nội đều ghi nhận tình trạng sụt giảm từ 30 – 50% lượng xe khách liên tỉnh. Trong số đó, không ít xe đã bỏ bến ra ngoài chạy dù, gây mất TTATGT tại các tuyến vành đai và trục hướng tâm TP.   

Bến xe Nước Ngầm … một trong số những bến xe lớn nhất của Hà Nội … phục vụ các tuyến phía Nam TP. Chỉ tính riêng bến này đã có đến 85 đơn vị với khoảng 100 lốt xe tại các tuyến như: Thanh Hóa, Bình Định, Nghệ An, TP HCM, Vũng Tàu.. bỏ bến. Cách đó không xa, đó là bến Giáp Bát … cũng là 1 trong những bến lớn nhất … Và không ít lốt xe cũng được bỏ trống như thế này.

Cá biệt nhiều tuyến, người dân phải đợi rất lâu … thậm chí có những thời điểm phải bỏ bến ra ngoài bắt xe… tình trạng này càng khiến người dân thay đổi thói quen vào bến mua vé mà ra thẳng ngoài đường bắt xe. Nạn xe dù bến cóc vì thế cũng diễn biến ngày một phức tạp. Đây cũng là cơ hội để nạn xe kinh doanh vận tải khách trá hình … hoạt động tấp nập khắp các tuyến phố nội đô… đâu đâu cũng có thể trở thành điểm đón trả khách của những xe này.

Thực trạng này đang kéo theo hàng loạt doanh nghiệp vận tải hoạt động nghiêm chỉnh trong bến trong thời gian qua cũng bỏ lốt ra ngoài chạy dù. Đẩy mô hình vận tải khách liên tỉnh theo kiểu bến xe đến bờ vực của sự sụp đổ. Cùng với đó là sự thiếu chặt chẽ và quyết liệt của các đơn vị quản lý ở các điểm đầu và cuối tuyến, dẫn đến tình trạng 1 đầu thu hồi phù hiệu, 1 đầu còn lại vẫn cấp phù hiệu cho xe chạy.

Trước diễn biến ngày một phức tạp của tình trạng xe dù bến cóc, và sự sụt giảm nghiêm trọng số lượng phương tiện trong bến thời gian qua, mới đây Sở GTVT Tp Hà Nội đã có văn bản đề nghị Sở GTVT của các tỉnh thành đối lưu của các tuyến xe khách, phối hợp cập nhật, rà soát các phương tiện không vào bến đón khách để tiến hành thu hồi phù hiệu ở cả điểm đầu và điểm cuối tuyến. Không để duy trì tình trạng, xe dù vi phạm nhưng chỉ xử phạt được tài xế, mà doanh nghiệp vận tải vẫn nhởn nhơ vì không thuộc thẩm quyền quản lý nơi phát sinh vi phạm.