Nóng bỏng cuộc chiến tin giả trong xung đột Israel - Hamas

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cùng với cuộc xung đột khốc liệt giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas đã xuất hiện một cuộc chiến khác cũng đang dần nóng bỏng liên quan, đó là cuộc chiến tin giả trên mạng xã hội với những thông tin sai lệch, có thể gây hiểu nhầm cũng như nguy cơ dẫn tới những hệ lụy khôn lường, đỏi hỏi người dùng phải hết sức cẩn trọng khi tiếp nhận thông tin trên không gian mạng xã hội xuyên biên giới.

“Mặt trận thông tin” không tiếng súng

Trong làn sóng “đối chọi” thông tin kể từ khi cuộc xung đột Israel - Hamas bùng phát ngày 7-10 tới nay, cuộc tấn công Bệnh viện Al-Ahli Arabi tại phía bắc Dải Gaza - nơi không chỉ điều trị cho nạn nhân xung đột mà còn là nơi để hàng trăm thường dân Palestine tới lánh nạn - ngày 17-10 là tâm điểm mới nhất trong “cuộc chiến thông tin” giữa các bên ủng hộ Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas. Bất kỳ một cuộc tấn công vào mục tiêu dân sự nào, đặc biệt là các địa điểm như bệnh viện, là điều không thể chấp nhận và bị lên án mạnh mẽ.

Cảnh báo về những thông tin giả xuất hiện trên các trang mạng xã hội xuyên biên giới

Cảnh báo về những thông tin giả xuất hiện trên các trang mạng xã hội xuyên biên giới

Cuộc tấn công Bệnh viện Al-Ahli Arabi lập tức bị dư luận, cộng đồng quốc lên án mạnh mẽ. Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Volker Turk đã khẳng định, đây là một cuộc thảm sát và “hoàn toàn không thể chấp nhận được”, đồng thời nhấn mạnh: “Chúng tôi vẫn chưa nắm được quy mô đầy đủ của cuộc thảm sát này, nhưng điều rõ ràng là bạo lực và giết chóc cần phải dừng lại ngay lập tức”. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã chia sẻ nỗi đau với người dân ở Dải Gaza về “thảm kịch kinh hoàng” này.

Tuy nhiên, các số liệu, thông tin về vụ tấn công Bệnh viện Al-Ahli Arabi do các bên, trong đó chủ yếu từ lực lượng Hamas và Israel, đưa ra lại khác nhau. Phong trào Hồi giáo Hamas trong thông tin đầu tiên đưa về vụ tấn công tối ngày 17-10 đã thông báo có khoảng 200-300 người chết, sau đó nâng số nạn nhân thiệt mạng lên ít nhất 500 người. Đến ngày 18-10, lực lượng này đưa ra con số là ít nhất 471 người chết, đồng thời cáo buộc quân đội Israel ném bom vào bệnh viện.

Israel lại khẳng định, quân đội nước này không tấn công Bệnh viện Al-Ahli Arabi và cho rằng một quả rocket của tổ chức Jihad Hồi giáo Palestine (PIJ) đã gặp sự cố sau khi phóng và rơi xuống sân bệnh viện. Theo quân đội Israel, đầu đạn của rocket kết hợp với thuốc phóng chưa cháy hết đã tạo ra vụ nổ và đám cháy, nhưng động năng của quả đạn rơi xuống không lớn nên không khoét hố sâu trên mặt đất, trong khi đó bom hoặc tên lửa do Israel sử dụng trong các cuộc không kích thường tạo ra miệng hố có đường kính 7-19m trên mặt đất.

Về số liệu người thương vong trong vụ tấn công Bệnh viện Al-Ahli Arabi, phía Israel cũng cho rằng thấp hơn nhiều số liệu mà lực lượng Hamas đưa ra.

Tổ chức PIJ đã bác bỏ thông tin của Israel, đồng thời cáo buộc Israel “đang cố gắng hết sức để trốn tránh trách nhiệm” về cuộc tấn công bệnh viện. Trong khi đó, Đại sứ Palestine tại Liên hợp quốc Riyad Mansour cũng cáo buộc Israel thực hiện cuộc tấn công và đang nói dối, đổ lỗi cho người Palestine.

Cẩn trọng trước “ma trận” thông tin sai lệch và gây hiểu nhầm

Sự “nhiễu” thông tin trong vụ tấn công Bệnh viện Al-Ahli Arabi là một phần trong cuộc chiến khác giữa lực lượng Hamas và Israel cũng như các bên liên quan trong cuộc xung đột đẫm máu hiện nay ở Trung Đông. Trong đó, nhiều “ông lớn” nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đã bị “điểm mặt, chỉ tên” về những thông tin, hình ảnh sai lệch, thất thiệt về cuộc xung đột. Trên mạng xã hội X (Twitter trước đây) lan truyền một đoạn video cắt ra từ cảnh quay bộ phim “Nơi trống rỗng” của người Palestine, bị lợi dụng để kích động những thông tin sai sự thật. Đoạn phim thu hút hơn 2 triệu lượt xem, được một tài khoản đã được xác minh chú thích: “Cách Israel giả mạo các cảnh quay người chết”. Nhưng trên thực tế, đoạn băng ghi hình này là cảnh hậu trường của một bộ phim ngắn, dường như bắt nguồn từ TikTok trước khi được đăng tải trên nền tảng X.

Dù thông tin đăng ban đầu trên TikTok dường như đã bị vô hiệu hóa nhưng sau đó vẫn tiếp tục lưu hành trên X và thu hút nhiều sự quan tâm, chú ý. Người dùng đăng tải đoạn video thừa nhận những gì đăng tải có thể đã được sử dụng không đúng ngữ cảnh. Trên đây không phải là trường hợp tin giả duy nhất xuất hiện trên “ông lớn” X về cuộc xung đột giữa lực lượng Hamas - Israel. Kể từ khi Hamas phát động cuộc tấn công Israel rạng sáng 7-10, trên nền tảng X đã tràn ngập thông tin sai lệch cả cố ý và vô tình, kích động những căng thẳng gia tăng trên toàn cầu. Trong đó có một video khác, bắt nguồn từ TikTok hiện đã bị vô hiệu hóa nhưng vẫn thu hút tới 2 triệu lượt xem trên X chiếu cảnh cho là “các tướng lĩnh cấp cao của Israel bị các chiến binh Hamas bắt giữ”. Trên thực tế, đoạn video này ban đầu được kênh YouTube chính thức của cơ quan an ninh nhà nước một quốc gia Trung Á đăng tải vào tuần trước, ghi lại cảnh bắt giữ các cựu lãnh đạo của chính phủ ly khai Nagorny-Karabakh.

Ngày 19-10, Liên minh châu Âu (EU) thông báo mở cuộc điều tra đối với mạng xã hội Facebook và TikTok để làm rõ các biện pháp mà các mạng này thực hiện để ngăn chặn việc lan truyền các nội dung bất hợp pháp và thông tin sai lệch liên quan cuộc xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel. Ủy ban châu Âu (EC - cơ quan hành pháp của EU) thông báo đã gửi yêu cầu chính thức tới các công ty chủ quản của Facebook (là Meta) và TikTok, theo thủ tục được quy định trong luật mới của EU về các Nội dung Số. EC yêu cầu Meta làm rõ việc đăng tải và lan truyền nội dung bất hợp pháp và thông tin sai lệch liên quan cuộc xung đột giữa Hamas - Israel.

Kể từ khi xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel bùng phát, trên các nền tảng trực tuyến lớn xuất hiện nhiều video về các vụ bắt giữ con tin và đánh bom. Trên mạng xã hội X còn xuất hiện một số bài đăng lấy hình ảnh không liên quan nhưng lại gắn với xung đột hiện nay giữa lực lượng Hamas và Israel. Trong khi đó, rất khó để xác thực tính chính xác của các thông tin đăng tải do mạng xã hội X hiện đã thương mại hóa tích xanh. Ký hiệu này trước đó chỉ cấp cho tài khoản đã được xác minh và thường là những người nổi tiếng, công ty và chính trị gia, nhưng nay có thể bỏ tiền để mua.

Tạp chí Time (Mỹ) dẫn các phát hiện từ NewsGuard - một tổ chức chuyên theo dõi các thông tin sai lệch - cho biết, đã có ít nhất 14 tuyên bố sai sự thật liên quan đến xung đột Israel - Hamas thu hút được 22 triệu lượt xem trên X, TikTok và Instagram chỉ trong 3 ngày đầu tiên kể từ khi xung đột xảy ra. Mạng xã hội X sau đó cho biết, đã có khoảng 50 triệu bài đăng liên quan đến cuộc chiến giữa Israel và Hamas được chia sẻ trên nền tảng. Mạng xã hội này đồng thời đã xóa nhiều tài khoản mới tạo có liên quan đến Hamas với “hàng chục nghìn bài đăng” có nội dung thù địch.

Tạp chí Time cảnh báo, trong thời điểm hỗn loạn và xung đột, sẽ còn thấy có nhiều thông tin sai lệch và thông tin gây hiểu nhầm. Đọc, đón nhận những thông tin trên mạng xã hội về xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel vì thế cần hết sức cẩn trọng, tỉnh táo, kiểm chứng qua các thông tin chính thức, có trách nhiệm.