Nợ xấu ngân hàng tiếp tục xấu đi, có ngân hàng tăng gần gấp 3 lần trong 6 tháng đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhưng nợ xấu nhiều ngân hàng vẫn tăng mạnh trong nửa đầu năm nay.

Nợ xấu nhiều ngân hàng tăng mạnh

Đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có một số nhà băng công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023, song bức tranh nợ xấu tiếp tục cho thấy một gam màu xám.

Đơn cử như tại TPBank, nợ xấu hết quý II/2023 của nhà băng này tăng mạnh gần gấp 3 lần so với đầu năm, lên 3.912 tỷ đồng.

Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng gấp hơn 5,5 lần lên 2.146 tỷ đồng; nợ nghi ngờ cũng tăng gần gấp 2,5 lần, lên gần 1.130 tỷ đồng.

Tại ABBank, nợ xấu cũng tăng mạnh 61,5% so với đầu năm, lên mức hơn 3.800 tỷ đồng, chiếm hơn 4,5% dư nợ khách hàng tại ngân hàng này. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng hơn 2,5 lần, từ mức 540 tỷ đồng lên 1.385 tỷ đồng; nợ nghi ngờ cũng tăng hơn gấp 3 lần, từ 420 tỷ đồng lên 1.311 tỷ đồng.

Riêng nợ có khả năng mất vốn giảm nhẹ từ hơn 1.400 tỷ đồng về mức 1.123 tỷ đồng.

Tương tự, BacAbank cũng ghi nhận nợ xấu tăng hơn 32%, lên mức xấp xỉ 679 tỷ đồng. Nợ dưới tiêu chuẩn tăng vọt gấp gần 3,2 lần sau 6 tháng; nợ nghi ngờ tăng 52% và nợ có khả năng mất vốn tăng gần 1,4% so với cuối năm 2022.

PGBank nợ xấu cũng tăng thêm gần 12,7% sau 6 tháng, đưa tỷ lệ nợ xấu tại nhà băng này lên mức 2,77% tính đến giữa năm 2023.

Với khối ngân hàng thương mại nhà nước, đến thời điểm này chưa nhà băng nào công bố báo cáo tài chính, song nợ xấu cũng được dự báo sẽ “xấu thêm”.

Nợ xấu nhiều ngân hàng tiếp tục tăng trong nửa đầu năm nay

Nợ xấu nhiều ngân hàng tiếp tục tăng trong nửa đầu năm nay

Theo tiết lộ của ông Nguyễn Thanh Tùng – Tổng Giám đốc Vietcombank, đến hết tháng 6/2023, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,85%. Con số này mặc dù ở mức thấp nhất hệ thống, song so với thời điểm cuối năm 2022 thì đã có sự nhích lên (cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của Vietcombank khoảng 0,68%).

Tại Agribank, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Ngân hàng cho biết, ngân hàng đã kéo giảm tỷ lệ nợ xấu từ 8,1% xuống chỉ còn 1,86% trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, những năm gần đây, tỷ lệ này đã tăng trở lại khi các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, quy mô sản xuất bị thu hẹp, tồn kho tăng cao, cạn kiệt nguồn thu, khó khăn trong trả nợ ngân hàng.

"Thực tế tỷ lệ nợ xấu của Agribank thời điểm 30/6/2023 đã tăng lên đúng bằng thời điểm kết thúc cơ cấu lại giai đoạn 2016-2020 và áp lực gia tăng trong thời gian tới là rất lớn", Chủ tịch Agribank cho biết.

Gánh nặng bị đẩy về tương lai

Việc nợ xấu nhiều ngân hàng vẫn tăng mạnh trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho thấy thực trạng đầy lo lắng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính tới 30/6/2023, đã có trên 18.800 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Tổng dư nợ gốc lãi được cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ là gần 62.500 tỷ đồng.

Điều này cho thấy nợ xấu tiềm ẩn có thể được đẩy về tương lai sẽ còn cao hơn con số thực tế hiện nay khá nhiều. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú từng thừa nhận, 6 tháng đầu năm, có thể nợ xấu nội bảng chưa cao nhưng nợ có nguy cơ tiềm ẩn ở một số ngân hàng đang nhen nhóm. Điều này luôn đặt ra vấn đề cho an toàn hệ thống.

Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia phân tích Chứng khoán VCBS cho rằng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và mức trích lập dự phòng dự kiến chưa tăng đột biến trong năm 2023 nhờ Nghị định 08/2023/NĐ-CP hỗ trợ gia hạn trái phiếu doanh nghiệp và Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép tái cơ cấu các khoản vay. Tuy nhiên, hoạt động xử lý nợ xấu tiếp tục gặp khó khăn do thị trường bất động sản đóng băng và bất động sản là tài sản bảo đảm chính cho phần lớn các khoản vay.

Các chuyên gia dự báo rủi ro nợ xấu có thể tăng trở lại vào cuối năm 2023, trong năm 2024 và có sự phân hóa. Cụ thể, nhóm ngân hàng chất lượng tài sản tốt sẽ ghi nhận nợ xấu, nợ tái cơ cấu kiểm soát ở mức vừa phải; nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cao, nhưng tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể đối mặt rủi ro nợ xấu, áp lực trích lập tăng cao trong năm 2024.