Nở rộ cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe không phép

ANTĐ - Các điểm nhận hồ sơ dạy học lái xe, các điểm tập lái tự phát không phép cùng hàng loạt sai phạm đã được phát hiện. Điều này một lần nữa cho thấy, công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe (GPLX) vẫn còn quá lỏng lẻo. 

Nở rộ cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe không phép ảnh 1

Tự mở văn phòng nhận hồ sơ 
Từ ngày 22 đến 29-3, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), Sở GTVT Hà Nội và Công an TP đã phát hiện hàng loạt cơ sở đào tạo lái xe để cho giáo viên dạy học viên lái xe tại khu vực Nam Trung Yên gây mất trật tự an toàn giao thông. Đoàn kiểm tra đánh giá, các điểm tập lái tự phát không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Trong khi đó, một số trung tâm còn thiếu giáo trình, hệ thống sổ sách không đảm bảo và sử dụng xe tải cũ để đào tạo… Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã lập 7 biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch lái xe đối với một số giáo viên đang dạy thực hành lái xe thuộc trường Trung cấp nghề số 10; các trung tâm Ngọc Hà, Hùng Vương, Thanh Xuân. Kiểm tra việc đào tạo lái xe tại khu đất của Công ty CP Đầu tư và thương mại Toàn Hiền ở phường Nhật Tân (quận Tây Hồ), cơ quan chức năng phát hiện cơ sở này cho thuê sân bãi làm nơi dạy thực hành lái xe và thu 50.000 đồng/giờ. Tuy nhiên, “điểm tập lái này là tự phát, không đảm bảo các tiêu chuẩn về sân tập theo quy định của Bộ GTVT, không được cơ quan chức năng cấp phép, không thuộc cơ sở đào tạo lái xe nào”, đại diện Sở GTVT cho biết. Lực lượng chức năng đã lập biên bản và yêu cầu công ty dừng ngay hoạt động cho thuê sân tập lái, đồng thời yêu cầu các cơ sở đào tạo không tiếp tục tổ chức dạy thực hành lái xe tại khu vực trên.  Ngoài ra, đoàn kiểm tra phát hiện một số văn phòng tự mở của cá nhân để nhận hồ sơ, tư vấn học lái xe sai quy định. Cụ thể, khi kiểm tra văn phòng đào tạo lái xe tại 53 Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy do ông Trần Văn Hùng phụ trách, lực lượng chức năng phát hiện văn phòng này hoạt động không phép.  Để xoá bỏ các địa điểm tiếp nhận hồ sơ mang danh cơ sở đào tạo lái xe trái phép như trên, Tổng cục ĐBVN đã đề nghị Sở GTVT phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát để xử lý các văn phòng, cá nhân, tổ chức thu gom hồ sơ trái quy định.Siết chặt lái xe mô tô hạng A1
Theo đại diện Phòng Quản lý phương tiện (Sở GTVT Hà Nội), từ thực tế trên, Sở GTVT đã yêu cầu tất cả các cơ sở không được tổ chức đào tạo lái xe tại các địa điểm không phép. “Các trường hợp vi phạm sẽ bị thu hồi giấy phép đào tạo theo quy định”. Bên cạnh đó, Sở GTVT Hà Nội sẽ tiến hành kiện toàn đoàn kiểm tra gồm Thanh tra Sở, Phòng Quản lý phương tiện giao thông và các đơn vị liên quan của Công an thành phố… kiểm tra toàn diện đối với các cơ sở đào tạo lái xe có liên quan khác. Qua kiểm tra, trường hợp nào vi phạm nếu phát hiện sẽ bị xử lý theo quy định. Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN, để tăng cường quản lý, hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, Tổng cục và Sở GTVT các địa phương đã yêu cầu cơ sở đào tạo báo cáo danh sách người học sau khi khai giảng khoá học, và danh sách người dự sát hạch sau khi kết thúc khoá học. “Các báo cáo này đều phải gửi qua đường công văn và qua hệ thống mạng về Sở GTVT để quản lý, nên sẽ không có hiện tượng làm thay đổi danh sách học viên khi đăng ký vào học”, ông Quyền khẳng định. Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, công khai, minh bạch trong tổ chức sát hạch lái xe môtô hạng A1, ông Quyền cho biết, Tổng cục ĐBVN đã có văn bản yêu cầu, việc sát hạch lái xe môtô hạng A1 ở các đô thị từ loại 2 trở lên phải được thực hiện tại các trung tâm sát hạch lái xe có đủ điều kiện hoạt động; có trang bị máy tính, camera, màn hình theo dõi và công khai quá trình sát hạch; giám sát tất cả các kỳ sát hạch; khuyến khích sát hạch lý thuyết trên máy tính.
Không phải trò đùa 

Mới nhận bằng lái xe hạng A1 cách đây chưa lâu, Phạm Văn Thành, 20 tuổi, sinh viên một trường cao đẳng ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, hiện có rất nhiều nơi quảng cáo, mời mọc người học lái xe và việc thi lấy bằng lái xe cũng khá đơn giản.  
- Sao em lại cho rằng thi lái xe khá đơn giản?

- Quanh khuôn viên trường em dán nhan nhản các tờ rơi quảng cáo, chào mời thi bằng lái xe máy. Thậm chí có một số bạn sinh viên, người dân cũng trực tiếp đứng ra thu tiền, hồ sơ để làm dịch vụ đào tạo lái xe, với lời cam kết mạnh mẽ như “nhận làm bằng lái xe A1 cho sinh viên trọn gói chỉ với giá 220.000 đồng, đảm bảo đỗ lý thuyết”… Không mất thời gian làm hồ sơ thủ tục, không phải lo lắng thi trượt, rất nhiều bạn sinh viên đã lựa chọn học lái xe theo con đường này. Thế nên có những bạn đến lúc đi thi còn không nhớ rõ mình học lái xe ở cơ sở đào tạo nào.

- Vậy thì chất lượng của những tấm bằng lái xe đó thật đáng nghi ngại. 

- Không chỉ với đào tạo lái xe máy mà cả lái xe ô tô cũng có tình trạng như vậy. Nhiều chỗ nhận hồ sơ còn hứa hẹn người học không cần phải đi học vẫn được đi thi. Theo em, đa số mọi người đi học lái xe cũng chỉ là để cho đúng luật, cho có bằng, nhưng nếu không đi học, không được đào tạo tử tế thì người lái xe sẽ không nắm được các quy định về Luật Giao thông, khi ra thực tế sẽ vi phạm Luật Giao thông, gây tai nạn cho mình và người khác. 

- Việc đào tạo lái xe dù là lái ô tô hay xe máy cũng đều không thể lơi lỏng?

- Nguyên nhân của thực trạng này do sự lỏng lẻo trong công tác quản lý, sát hạch của một số trung tâm đào tạo lái xe. Mặt khác, em nghĩ bản thân mỗi người lái xe cần có ý thức, cần xác định việc mình đi học lái xe là để đảm bảo an toàn cho chính mình và cộng đồng, chứ không phải để chống đối. Đấy là chưa kể có không ít trường hợp nhẹ dạ, cả tin vào những đầu mối nhận "đào tạo lái xe” trái phép như vậy mà bị lừa đảo, thiệt hại không nhỏ.
            
Nguyễn Phan (Thực hiện)