Nỗ lực từng ngày để “về đích” kế hoạch số hóa hồ sơ cư trú

ANTD.VN - Theo quy định tại Luật Cư trú 2020, thì từ ngày 01/01/2023, toàn bộ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy sẽ không còn giá trị sử dụng. Mọi thông tin liên quan đến cư trú đều đã được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Để hoàn thành mục tiêu yêu cầu đề ra, CATP Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ cư trú. Ghi nhận tại Công an quận Long Biên.

Theo Luật Cư trú mới, việc quản lý cư trú theo phương thức mới bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, công dân được giảm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký cư trú. Theo đó, bỏ hoàn toàn 7 thủ tục: cấp đổi sổ hộ khẩu; cấp lại sổ hộ khẩu; cấp giấy chuyển hộ khẩu; cấp đổi sổ tạm trú; cấp lại sổ tạm trú; điều chỉnh những thay đổi trong sổ tạm trú; gia hạn tạm trú. Trong các giao dịch dân sự, công dân chỉ cần mang theo CCCD hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện.

Để đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, dữ liệu được số hóa phục vụ kết nối, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CATP Hà Nội đã triển khai Kế hoạch 231 về việc thực hiện số hóa hồ sơ cư trú, hồ sơ cấp chứng minh nhân dân, CCCD. Và hiện nay, lực lượng cảnh sát QLHC về TTXH của CATP Hà Nội đang gấp rút thực hiện nhiệm vụ.

Với 294.860 nhân khẩu trên toàn quận, công việc chuyển hóa hồ sơ tàng thư sang hồ sơ điện tử chỉ trong vòng 45 ngày. Một nhiệm vụ nặng nề và rất vất vả đối với mỗi CBCS CAQ Long Biên... Đơn vị đã phải bố trí 3 phòng lớn để làm kho tàng thư quản lý các hồ sơ cư trú của người dân thường trú trên địa bàn. Khối lượng hồ sơ giấy khổng lồ này đang được các CBCS CAQ Long Biên hàng ngày rà soát, sắp xếp đúng, đủ, sạch, để nhập vào dữ liệu của cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Một quy trình nhập liệu khép kín và thực hiện gấp rút.

CATP Hà Nội cũng tăng cường CBCS về các đội QLHC các đơn vị để hỗ trợ thực hiện kế hoạch số hóa hồ sơ cư trú. Vì CBCS được tăng cường đều từ các đơn vị nghiệp vụ khác nhau nên CA các quận, huyện đều phải tập huấn, hướng dẫn các đồng chí trước khi triển khai nhiệm vụ. Bên cạnh đó trang bị thiết bị, máy móc, đường truyền... đảm bảo về cả con người lẫn phương tiện để thực hiện kế hoạch.

Việc tích hợp các thông tin trong một loại giấy tờ duy nhất được xem là bước tiến lớn trong công tác quản lý hộ tịch. Và tới đây, công tác này sẽ còn đột phá khi các quy định yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú tại 20 nghị định khác nhau sẽ bị bãi bỏ cũng từ 01/01/2023, nếu nghị định mới được ban hành.

Lực lượng Công an đang triển khai quyết liệt tất cả những phần việc được giao cũng như hỗ trợ tối đa các bộ, ngành địa phương trong thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến Đề án 06 và thực hiện Luật Cư trú năm 2020. Sự đồng thuận, quyết tâm vào cuộc với ý thức chính trị cao, nhất là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương sẽ tạo nên và truyền cảm hứng để các sở, ban, ngành, đơn vị chức năng cũng như người dân thực hiện thành công Đề án 06 và dấu mốc “lịch sử” bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy sau 31/12/2022.