Nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu chống biến đổi khí hậu

ANTD.VN - Trong nỗ lực hiện thức hóa các mục tiêu chống biến đổi khí hậu, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đã công bố phiên bản cuối cùng của 9 tuyên bố và cam kết quan trọng trước thềm Hội nghị thượng đỉnh tại Baku, Azerbaijan, dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới.

Hiện thực hóa các cam kết cắt giảm khí thải nhà kính là một trong những mục tiêu của COP29

Tăng công suất lưu trữ năng lượng toàn cầu lên 1.500GW

COP thường niên là nơi các chính phủ cùng họp bàn và đánh giá những nỗ lực toàn cầu trong việc thúc đẩy Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 và Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu, với mục tiêu then chốt là giới hạn sự tăng nhiệt độ toàn cầu dưới mức 1,5 độ C. COP29 dự kiến sẽ thu hút khoảng 80.000 đại biểu tham gia, biến đây thành một trong những sự kiện quốc tế lớn nhất mà Azerbaijan từng đăng cai.

Các tuyên bố và cam kết của COP29 được cho là phù hợp với chiến lược hai trụ cột của năm nay, tập trung vào việc nâng cao tham vọng về khí hậu và cho phép hành động theo ngành. Trong số các tài liệu vừa được Chủ tịch COP29 công bố, có các sáng kiến quan trọng như phiên bản cuối cùng của Lời kêu gọi đình chiến COP29, Cam kết về lưới điện và lưu trữ năng lượng toàn cầu, cùng một loạt tuyên bố tập trung vào nhiều lĩnh vực từ du lịch đến năng lượng hydro và quản lý nước.

Đáng chú ý, Lời kêu gọi đình chiến COP29 đã nhận được sự ủng hộ từ 127 quốc gia và hơn 1.100 tác nhân phi nhà nước. Lời kêu gọi này nhằm ngừng xung đột trong thời gian diễn ra COP29, với mục đích giảm khí thải quân sự và thúc đẩy hòa bình toàn cầu cùng với hành động vì khí hậu. Một trong những sáng kiến trọng tâm là cam kết về lưới điện và lưu trữ năng lượng toàn cầu với mục tiêu tăng gấp 6 lần công suất lưu trữ năng lượng toàn cầu, lên 1.500GW. Đây là bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo vì cơ sở hạ tầng lưu trữ và lưới điện được cải thiện là cần thiết để quản lý các nguồn năng lượng không liên tục như năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Các tài liệu này là một phần của Chương trình hành động COP29, vạch ra lộ trình cho các bên liên quan thuộc chính phủ và phi chính phủ nhằm tăng cường các cam kết về khí hậu của họ, bằng cách kêu gọi sự ủng hộ từ nhiều bên liên quan, đặt mục tiêu thúc đẩy hành động có ý nghĩa vượt ra ngoài các cuộc đàm phán chính thức của Công ước khung LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Mặc dù không phải là một phần trong khuôn khổ chính thức của UNFCCC, những tuyên bố và cam kết trên nhằm mục đích truyền cảm hứng cho hành động tập thể trên nhiều lĩnh vực xã hội, củng cố mục tiêu bao trùm của hội nghị thượng đỉnh về nâng cao tham vọng về khí hậu.

COP29 còn có một nhiệm vụ quan trọng khác là đạt được sự đồng thuận giữa các quốc gia về một mục tiêu tài trợ hàng năm mà các nước giàu sẽ cung cấp, nhằm giúp các quốc gia nghèo hơn ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy việc đạt được thỏa thuận nói trên sẽ là một quá trình đầy khó khăn. Theo Giáo sư Julie Zimmerman, Phó Hiệu trưởng phụ trách các giải pháp toàn cầu tại Đại học Yale, Mỹ, tài chính khí hậu là một trong những vấn đề gây chia rẽ nhất trong 3 thập kỷ đàm phán về khí hậu của LHQ.

Vấn đề tài chính khí hậu nảy sinh bởi chi phí cho các tác động của biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục tăng và nhiều quốc gia nghèo hơn đang chìm trong nợ nần. Trong một báo cáo độc lập từ năm 2023 được LHQ đưa ra, ước tính rằng cần có 2,4 nghìn tỷ USD đầu tư vào các nước đang phát triển mỗi năm cho đến năm 2030, không bao gồm Trung Quốc. Ấn Độ, các nước châu Phi và các quốc đảo nhỏ thì cho rằng cần huy động hơn 1 nghìn tỷ USD mỗi năm.

Các quốc gia kém phát triển vốn dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu cho rằng, các quốc gia phát triển nên cung cấp các gói tài trợ để giúp họ thích ứng với các tác động, nhất là trong bối cảnh xanh hóa nền kinh tế vẫn đang phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.Trong khi đó, các quốc gia giàu có từ chối cam kết chi trả các chi phí khí hậu lớn và ngày càng tăng. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) muốn có thêm các nhà tài trợ mới, bao gồm Trung Quốc và các quốc gia có tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người cao, chẳng hạn như Qatar, Singapore và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất. Tuy nhiên, vấn đề này chưa đạt được sự đồng thuận.

Những đóng góp thiết thực, hiệu quả của Việt Nam

Việt Nam là một trong 10 quốc gia được đánh giá bị tổn thương lớn nhất do tác động của biến đổi khí hậu với biểu hiện rõ rệt là nước biển dâng và xâm nhập mặn. Trong những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, tính chất cực đoan và tính dị thường của các hình thái thiên tai ngày càng phổ biến. Việt Nam thường xuyên phải chống chịu với nhiều loại thiên tai, nhất là bão, lũ, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, với những diễn biến hết sức bất thường. Suốt hơn 30 năm qua, trung bình mỗi năm, thiên tai làm thiệt hại về kinh tế khoảng 1-1,5% GDP.

Theo tính toán kịch bản biến đổi khí hậu, đến cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ tăng khoảng 3,4 độ C, mực nước biển tăng thêm 1m, sẽ có khoảng 40% diện tích đất Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập vĩnh viễn, khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp do mất đất. Đồng bằng sông Hồng sẽ có 240.000ha đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Đối với vùng ven biển, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lớn nhất là bão, áp thấp nhiệt đới và tình trạng hạn hán, lũ lụt, sạt lở đất diễn ra mạnh mẽ hơn. Chính vì thế, Việt Nam nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện các giải pháp kìm hãm tốc độ nóng lên của Trái đất và có những đóng góp thiết thực, hiệu quả cho mục tiêu này. Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt và các nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh. Chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Việt Nam là quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thân thiện với môi trường. Việt Nam đã sớm tham gia các cơ chế, thỏa thuận liên quan, như: Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch… liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội theo hướng phát triển bền vững, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng. Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên đề cập tới nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu trong Hiến pháp. Quốc hội các khóa gần đây cũng đã thông qua nhiều luật liên quan, như Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010, Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013…

Đặc biệt, tại Hội nghị COP26, đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đã tham gia hội nghị, đạt kết quả thành công tốt đẹp. Việt Nam đưa ra cam kết xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Sự tham gia tích cực của Việt Nam tại Hội nghị COP26 và cam kết mạnh mẽ ứng phó với biến đổi khí hậu đã nhận được sự hoan nghênh của cộng đồng quốc tế, thể hiện tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam về định hướng phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn mới gắn với các cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm cao của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế, cùng đóng góp vào các mục tiêu chung của nhân loại, phù hợp xu thế phát triển chung của thế giới.