Bình chọn doanh nghiệp niêm yết năm 2021

Nỗ lực cải thiện chất lượng, đáp ứng tốt các quy định công bố thông tin

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - 2021 là năm thứ 14 cuộc Bình chọn doanh nghiệp niêm yết (tiền thân là Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên) đồng hành cùng các doanh nghiệp (DN) niêm yết và thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây là sáng kiến của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HSX), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Báo Đầu tư và Công ty quản lý quỹ Dragon Capital. Trong cơ cấu bình chọn năm nay, các hạng mục bình chọn bao gồm: Báo cáo thường niên, Quản trị công ty và Báo cáo phát triển bền vững.

Báo cáo thường niên: Nhiều doanh nghiệp đầu tư kỹ lưỡng

Giải báo cáo thường niên năm 2021 đã đưa vào đánh giá 500 DN trong bộ chỉ số VNX-All share, bao gồm 313 DN niêm yết trên HSX và 187 DN niêm yết trên HNX. So với năm 2020, số lượng DN được đánh giá tăng thêm 30%. Theo Ban Tổ chức, mặc dù tình hình khó khăn do dịch bệnh trực tiếp ảnh hưởng đến DN trong năm 2020 và 2021 ít nhiều ảnh hưởng đến công tác tổng hợp thông tin, đúc kết soạn thảo và công bố Báo cáo thường niên. Tuy vậy, DN vẫn nỗ lực vượt qua các khó khăn để soạn thảo báo cáo thường niên, theo đó, điểm số đánh giá báo cáo thường niên của DN đã có sự cải thiện trong năm 2021, qua đó cho thấy DN đã có sự thích ứng hơn với dịch bệnh trong năm 2021.

Dẫn đầu về điểm số ở cả nội dung lẫn hình thức vẫn là nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt ở khía cạnh nội dụng. Ở nhóm vốn hóa trung bình cũng đã có sự cải thiện điểm so với năm 2020, thậm chí, các DN top 10 của nhóm vốn hóa trung bình chất lượng báo cáo không có sự khác biệt rõ ràng so với nhóm top 10 DN nhóm vốn lớn. Các báo cáo của các DN này có sự nổi bật với nội dung rõ ràng, chi tiết, cụ thể và đa dạng, cho thấy các DN này đã đầu tư kỹ lưỡng cho báo cáo thường niên.

Điểm số Báo cáo thường niên đã có sự cải thiện trong năm 2021

Điểm số Báo cáo thường niên đã có sự cải thiện trong năm 2021

Đối với nhóm vốn hóa nhỏ, theo đánh giá của Ban giám khảo, chất lượng báo cáo vẫn còn yếu, cho thấy DN ở nhóm này chưa đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của báo cáo thường niên. Dù vậy, các doanh nghiệp đoạt giải trong Top 5 của nhóm DN này vẫn được đánh giá cao. Đặc biệt, kết quả trao giải năm nay cũng xuất hiện gương mặt mới trong giải thưởng ở nhóm vốn hóa nhỏ cho thấy Cuộc Bình chọn thật sự đã tác động đến nhận thức của DN trong việc lập báo cáo để ngày càng có nhiều báo cáo chất lượng cung cấp thông tin quan trọng cho cổ đông, nhà đầu tư.

Về nội dung báo cáo thường niên, so với năm 2020, đã có nhiều DN hơn công bố đầy đủ thông tin về công ty, ban lãnh đạo, cơ cấu cổ đông, kết quả kinh doanh trong năm, các chỉ tiêu tài chính, kế hoạch và định hướng kinh doanh, thông tin về quản trị công ty... Đây là những cải thiện thông tin cơ bản đối với một báo cáo thường niên. Tuy nhiên, ngoài những nội dung cơ bản, đa số DN vẫn còn chưa đáp ứng mức độ chi tiết của việc phân tích thông tin. Đặc biệt, việc phân tích chỉ số tài chính là một phần nội dung rất quan trọng, giúp người đọc có thể đánh giá được tình hình hoạt đồng, nhìn ra được xu hướng phát triển cũng như tình hình “sức khỏe” tài chính của doanh nghiệp, do đó, các DN cần chú ý thực hiện tốt các phân tích này.

Quản trị công ty: Nỗ lực nâng cao chất lượng

Ở hạng mục bình chọn Quản trị công ty cũng ghi nhận những nỗ lực đáng kể trong công tác quản trị, kiểm soát rủi ro để có thể thích ứng với điều kiện kinh doanh mới của DN. Cuộc bình chọn đã ghi nhận một số điểm nổi trội ở nhóm các DN đoạt giải năm nay. Cụ thể, hầu hết các công ty đều tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên trong 4 tháng đầu năm và trả cổ tức trong vòng 6 tháng kể từ ngày kết thúc họp.

Trong năm 2020, các DN này đã triển khai bỏ phiếu trực tuyến trong ĐHĐCĐ, đây là một thông lệ tốt cho thấy các DN đã có sự thích ứng hơn với đại dịch, qua đó cho phép các cổ đông thực hiện quyền lợi của mình, đồng thời góp phần tiết kiệm nguồn lực cho xã hội. Bên cạnh đó, tài liệu họp, biên bản và nghị quyết ĐHĐCĐ cũng được công bố chi tiết, đúng hạn và có đính kèm phiên bản tiếng Anh. Hoạt động quan hệ cổ đông cũng được thúc đẩy hơn...

Cải thiện cơ cấu HĐQT là một trong những yêu cầu quan trọng nhất nhằm đáp ứng các thông lệ tốt về vai trò trách nhiệm của HĐQT. Năm 2021 ghi nhận cải thiện về tính độc lập của HĐQT với 28% DN đã có tối thiểu 1/3 thành viên độc lập trong HĐQT, có 56% DN có tối thiểu một thành viên độc lập, và có 95% DN đã tách bạch chức danh Chủ tịch và Tổng giám đốc. Thành viên HĐQT có sự đa dạng giữa các thành viên có kiến thức và kinh nghiệm về pháp luật, tài chính, lĩnh vực hoạt động kinh doanh của công ty, và có sự tham gia nhiều hơn của nữ giới trong HĐQT với 58% DN đã có nữ giới trong HĐQT.

Tuy nhiên, bên cạnh cải thiện tính độc lập, DN cần chú trọng việc xây dựng các uỷ ban chuyên trách trong HĐQT phụ trách các vai trò quan trọng của HĐQT như Ủy ban kiểm toán, Ủy ban bổ nhiệm và Ủy ban lương thưởng. Các DN cũng được đánh giá là chưa công bố rõ cách thức để cổ đông thực hiện việc đóng góp ý kiến, đề xuất nội dung cho chương trình nghị sự trước khi ĐHĐCĐ diễn ra; nhiều DN chưa công bố đầy đủ và đúng hạn sơ yếu lý lịch ứng viên HĐQT... Đáng nói, tới 90% DN đoạt giải vẫn chưa ban hành các chính sách cân bằng giới và đặt ra các tiêu chí tuyển chọn thành viên HĐQT cao hơn mức cơ bản luật định và gắn với chiến lược phát triển của công ty...

Một số doanh nghiệp vẫn còn tình trạng nguyên TGĐ (đã miễn nhiệm trong vòng 2 năm gần đây) đang là thành viên HĐQT dẫn đến nguy cơ mâu thuẫn trong nội bộ HĐQT hay thành viên HĐQT kiêm nhiệm chức vụ tại nhiều hơn 5 doanh nghiệp khác làm giảm mức độ tập trung và hiệu quả hoạt động. Mặc dù các doanh nghiệp đã cởi mở hơn trong việc công bố thù lao của HĐQT, BKS và TGĐ nhưng mức độ chi tiết vẫn còn hạn chế khi đa phần chỉ nêu tổng thu nhập từng thành viên, trong khi thông lệ tốt đòi hỏi các khoản mục chi tiết như lương, thù lao, thưởng và lợi ích khác cần được công bố tách bạch; đồng thời phải thông qua nội dung này tại ĐHĐCĐ...

Theo đánh giá của Ban giám khảo, năm nay chất lượng quản trị DN đã được cải thiện hơn các năm trước nhưng vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Hầu hết các DN ở Việt Nam đáp ứng ở mức độ tuân thủ và đang dần tiệm cận đến các thông lệ quốc tế tốt. Do đó, việc nâng cao năng lực quản trị DN cần thực hiện nhanh và triệt để hơn nữa. Với năng lực quản trị tốt, DN sẽ tối đa hoá được hiệu quả kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh được thị trường, vượt qua và phục hồi sau khủng nhanh hơn, đồng thời giảm xung đột lợi ích giữa các bên có quyền lợi liên quan. Các DN cần nhận thức rằng quản trị tốt trước hết là làm vì lợi ích của DN không phải chỉ là thực thi đúng luật.

Các tiêu chí đánh giá có sự cải thiện qua các kỳ bình chọn

Các tiêu chí đánh giá có sự cải thiện qua các kỳ bình chọn

Báo cáo phát triển bền vững: Cần cải thiện hơn về công bố thông tin

DN được coi là mắt xích quan trọng trong phát triển bền vững và đạt được điều này cần có vai trò định hướng và giám sát quan trọng của ban lãnh đạo DN để đạt được các chuẩn mực ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị). Có thể nói mặc dù có nhiều khó khăn, DN Việt Nam cũng đã có tiến bộ nhất định trong việc cung cấp thông tin về phát triển bền vững trong các báo cáo thường niên và báo cáo phát triển bền vững, với 50 công ty thực hiện và công bố báo cáo phát triển bền vững theo các chuẩn mực được quốc tế công nhận (theo tiêu chuẩn GRI, Báo cáo Tích hợp, SASB).

Ở khía cạnh trách nhiệm xã hội, hầu hết các DN đều công bố đầy đủ chính sách và hoạt động thực tiễn liên quan đến bảo vệ quyền lợi khách hàng, đảm bảo sức khỏe, an toàn, phúc lợi, chính sách khen thưởng gắn với hiệu quả hoạt động dài hạn của công ty cho nhân viên, bảo vệ môi trường, giúp đỡ cộng đồng và đặc biệt là việc xem trách nhiệm xã hội như một tiêu chí quan trọng trong việc lựa chọn nhà cung cấp.

Năm 2021 đã ghi nhận sự tăng điểm về các nội dung này, với mức điểm đạt được là 11.59 so với 9.46 năm 2020. Tuy nhiên so với mức điểm tối đa của nội dung này là 30 điểm, có thể nói DN vẫn cần cải thiện hơn về công bố thông tin về các hoạt động trách nhiệm xã hội và môi trường. Cụ thể, có đến 25% DN chưa công bố các mục tiêu phát triển bền vững và chương trình chính liên quan đến ngắn hạn và trung hạn của Công ty, 42% DN công bố còn sơ sài, chỉ 33% là công bố chi tiết, cụ thể với diễn giải chi tiết.

Theo đánh giá của Ban giám khảo, chất lượng thông tin của nội dung Báo cáo phát triển bền vững năm nay được cho là kém hơn so với 2019. Nếu như năm 2019 có rất nhiều DN công bố riêng Báo cáo phát triển bền vững với nội dung được đầu tư chỉn chu thì trong năm tài chính 2020, đa phần các DN chỉ công bố nội dung này như một phần của Báo cáo thường niên với những thông tin được rút gọn hơn...

Đặc biệt, năm 2021, lần đầu tiên Ban Tổ chức giải đưa vào 2 nội dung đánh giá, liên quan đến việc công ty có công bố thông tin về tổng lượng phát thải khí nhà kính trực tiếp và gián tiếp hay không, và liệu công ty có nêu các biện pháp và giải pháp để giảm thiểu phát thải khí nhà kính hay không. Trên thực tế, Thông tư 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 đã đưa nội dung báo cáo về phát thải khí nhà kính trong mẫu lập Báo cáo thường niên áp dụng cho công ty đại chúng. Tuy nhiên, Cuộc bình chọn năm nay thực hiện đánh giá Báo cáo thường niên của năm 2020, được lập theo quy định tại Thông tư 155/2015/TT-BTC, do vậy, Ban tổ chức chỉ đưa nội dung này vào bộ tiêu chí chấm báo cáo thường niên theo hình thức điểm thưởng.

Kết quả đánh giá cho thấy có 5,4% DN công bố tổng lượng phát thải khí nhà kính trực tiếp và gián tiếp và 12,8% DN công bố các biện pháp và giải pháp để giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Theo Ban tổ chức, đây là nội dung nhằm khuyến khích các công ty niêm yết đi đầu trong thực hiện cam kết trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp niêm yết ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, tăng trưởng kinh tế gắn liền với bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Điều này bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất thể hiện ở việc trình bày trên Báo cáo thường niên.