- Linh hoạt, sáng tạo, đưa hoạt động của Hội Cựu Công an nhân dân thiết thực, hiệu quả
- Quan tâm chăm lo lực lượng cựu Công an nhân dân, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương
Nghệ sĩ CAND: Tận tụy, tài năng, uy tín, được đồng nghiệp, nhân dân mến mộ
3 nghệ sĩ được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân gồm: Thượng tá Khương Đức Thuận, nguyên cán bộ Nhà hát Kịch CAND; Thiếu tá Nguyễn Thị Hương Dung, nguyên cán bộ Nhà hát Kịch CAND; Trung tá Vũ Hồng Tuấn, cán bộ Nhà hát kịch CAND. 1 Nghệ sĩ Ưu tú là Thượng tá Trịnh Anh Thông, Phó Trưởng đoàn, Đoàn Nghi lễ CAND, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động. Các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú lần này tiếp tục là sự ghi nhận, trưởng thành về tài năng, uy tín nghệ thuật của đội ngũ nghệ sĩ CAND. Đây không chỉ là vinh dự của cá nhân các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu mà còn là niềm tự hào, vinh dự chung của cán bộ, chiến sĩ CAND. Như vậy tính đến nay, lực lượng CAND đã vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cho 8 nghệ sĩ và Nghệ sĩ Ưu tú cho 26 nghệ sĩ.
|
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an chúc mừng các nghệ sĩ trong lực lượng Công an nhân dân được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú lần thứ 10 - năm 2024 |
Thông tin từ Cục Công tác Đảng và công tác chính trị (Bộ Công an) cho biết, Cơ quan Thường trực Hội đồng cấp Bộ đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị của 3 Hội đồng cấp cơ sở gồm: Hội đồng Cục Công tác đảng và công tác chính trị đề nghị xét danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cho 3 cá nhân; Hội đồng Cục Truyền thông CAND đề nghị xét danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cho 3 cá nhân, danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú cho 3 cá nhân; Hội đồng Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú cho 1 cá nhân.
Trên cơ sở đề nghị của Hội đồng cấp cơ sở, Hội đồng cấp Bộ đã tổ chức các cuộc họp, tiến hành thẩm tra, xác minh, đăng tải thông tin cá nhân nghệ sĩ trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an; thống nhất bỏ phiếu đề nghị Hội đồng cấp Nhà nước phong tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn quy định. Thiếu tướng, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Công Bẩy, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và công tác chính trị khẳng định: “Những nghệ sĩ Công an nhân dân được đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu đều có phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật xuất sắc, có uy tín nghề nghiệp, được đồng nghiệp, nhân dân mến mộ”.
Chúc mừng và biểu dương những thành tích đạt được trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của các nghệ sĩ CAND nói chung và các nghệ sĩ CAND được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú nói riêng, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, quán triệt thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về văn học nghệ thuật, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an luôn quan tâm chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các văn nghệ sĩ phát huy hết tài năng, trí tuệ, đồng hành cùng lực lượng CAND trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, là cầu nối quan trọng, góp phần định hướng dư luận, củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, cấp ủy chính quyền các cấp với lực lượng CAND.
Làm phong phú thêm hình ảnh của lực lượng CAND trong lòng nhân dân
Cũng theo Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, trong những năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ CAND luôn phát huy vai trò quan trọng của mình trong việc truyền bá, phổ biến các tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài Công an nhân dân đến công chúng, bằng nghệ thuật để nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách con người, tạo nên động lực to lớn trong việc xây dựng lý tưởng, phẩm chất, đạo đức cách mạng, phong cách ứng xử văn hóa, định hướng thẩm mỹ, nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong CAND. Qua hoạt động nghệ thuật, các nghệ sĩ CAND đã góp phần phát hiện các nhân tố mới, tích cực, lan tỏa về các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự, tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, góp phần xây dựng, phát triển toàn diện con người về đức, trí, thể, mĩ.
Để phát huy các thành tích đã đạt được, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ đề nghị, các nghệ sĩ CAND và các đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong CAND tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05, ngày 28-9-2021 của Đảng ủy Công an Trung ương về nâng cao chất lượng công tác văn hóa, văn nghệ đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, chiến sĩ CAND. Xây dựng mối quan hệ bền chặt, hiệu quả giữa Bộ Công an với các Hội văn học, nghệ thuật của Trung ương và địa phương. Phát huy vai trò của các văn nghệ sĩ trong việc nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật các tác phẩm; khuyến khích những tìm tòi mới, làm phong phú thêm hình ảnh của lực lượng CAND trong lòng nhân dân.
Tại lễ trao tặng danh hiệu nghệ sĩ năm 2024 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ghi nhận và đánh giá cao tinh thần lao động sáng tạo của các thế hệ nghệ sĩ. Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú là danh hiệu vinh dự, cao quý của Đảng, Nhà nước dành tặng cho những cá nhân có nhiều cống hiến, đóng góp và gắn bó lâu dài trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; có trí tuệ và phẩm giá, hết lòng, hết sức, tận tụy phục vụ nhân dân, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng; là những tài năng nghệ thuật, có tác phẩm xuất sắc có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật được công chúng đón nhận, yêu thích, mến mộ. Các Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú thực sự là vốn quý của đất nước, dù ở lứa tuổi nào, thành phần dân tộc nào cũng đều đã đóng góp quý báu cho nền văn hóa Việt Nam, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước. Theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định: “Tài năng văn học, nghệ thuật là vốn quý của dân tộc”. Chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị.
Trung tá, Nghệ sĩ Nhân dân Vũ Hồng Tuấn (cán bộ Nhà hát kịch Công an nhân dân): Yêu nghề, nghề không phụ
|
Trung tá Vũ Hồng Tuấn (người ngồi) trong vở “Bản danh sách điệp viên” |
“Tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội rồi về đầu quân cho Đoàn Kịch nói CAND (nay là Nhà hát Kịch CAND), đến nay, tôi là một trong những nghệ sĩ có nhiều năm gắn bó nhất với Nhà hát Kịch CAND. Ngày ấy, chọn về đầu quân cho nhà hát, tôi nghĩ rất đơn giản rằng, Đoàn Kịch của lực lượng CAND sẽ có nhiều đất diễn. Nếu quỹ thời gian còn dư dả thì sẽ “chạy sô” bên ngoài. Tuy nhiên, thực tế không hẳn như thế. Cùng với sự hạn chế về cơ sở vật chất tại trụ sở chính, các nghệ sĩ trong Đoàn phải khắc phục nhiều khó khăn, ứng biến linh hoạt cho phù hợp với hoàn cảnh, nhất là những chuyến lưu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, khi biểu diễn trên những sân khấu dựng tạm ngoài trời. Khán phòng được thay thế bằng những khu đất trống, có khi là sân vận động ở địa phương.
Sau gần 2 năm, tôi mới được vào vai chính. Đổi lại, thời điểm ấy, đời sống sân khấu sôi động hơn. Rất nhiều tác phẩm được đầu tư dàn dựng, không chỉ đưa đi phục vụ khán giả mà còn được đưa đi tham gia các liên hoan, hội diễn, nghệ sĩ có dịp giao lưu, học hỏi và cũng là dịp để khẳng định mình với các bạn nghề. Có lẽ vì thế nên mỗi khi có vở mới là các nghệ sĩ hô hào nhau tập. Chưa có sân khấu riêng, các nghệ sĩ tập tạm trong nhà chứa đạo cụ. Đến khi xác định vở diễn khá hoàn thiện, Đoàn mới mượn hội trường của Bộ Công an chạy thử. Khi ấy, nghệ sĩ cũng mới có dịp tự thẩm định tương đối trọn vẹn thành quả lao động của bản thân và tập thể.
Trưởng thành từ thực tế công tác của một người nghệ sĩ CAND, đến nay, tôi đã có một số vai diễn gặt hái được thành công như Huy chương Vàng đầu tiên - vai Thằng Mẫn trong vở kịch “Thằng Mẫn tóc nâu”, rồi đến Đình Mai trong vở “Đường đua trong bóng tối”, giám thị Trung trong vở “Không phải là vụ án”, Nghị Hách trong vở “Giông tố”, ông Điềm trong vở “Tôi là người Việt Nam”, Pol Hách trong vở “Bản danh sách điệp viên”, Ba Tẩu trong vở “Gặp lại người đã chết”… Với điện ảnh, tôi đã tham gia một số bộ phim nổi tiếng như “Của để dành”, “Xin hãy tin em”…
Ước tính, đến nay, về thành tích cá nhân, tôi đã gặt hái 13 -14 Huy chương Vàng, Huy chương Bạc qua các vai diễn trên sân khấu. Yêu nghề, nghề không phụ, tôi rất hạnh phúc và vinh dự là 1 trong số 125 nghệ sĩ được trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân trong đợt phong tặng danh hiệu lần thứ 10 - năm 2024. Đây là động lực để những người nghệ sĩ nói chung, nghệ sĩ trong CAND như tôi nói riêng nỗ lực cống hiến nhiều hơn nữa cho khán giả. Với riêng tôi, đây là thành quả vô cùng ý nghĩa sau một hành trình dài với không ít khó khăn, là kết quả của một quá trình nỗ lực kiên trì, phấn đấu, lao động nghệ thuật với rất nhiều vai diễn được khán giả, bạn bè, lãnh đạo ở trong và ngoài lực lượng CAND ghi nhận trong suốt hơn 30 năm gắn bó với nghề”.
Thanh Xuân (Ghi)