Những vụ tai nạn tàu ngầm thảm khốc trên thế giới

ANTD.VN - Việc tìm kiếm tàu ngầm Argentina bị mất tích ở Nam Đại Tây Dương đã bước vào “giai đoạn sống còn” khi tàu có thể đã hết oxy. Tai nạn này cho thấy những nguy hiểm mà thủy thủ tàu ngầm nói chung đang phải đối mặt. Mặc dù tai nạn tàu ngầm hiếm khi xảy ra, nhưng vụ việc đã làm gợi nhớ lại những vụ tai nạn thảm khốc liên quan đến tàu ngầm trên thế giới trong những thập kỷ gần đây. 

Ngày 12-8-2000, tàu ngầm K-141 Kursk được trang bị tên lửa dẫn đường của Nga đã chìm xuống đáy biển Barents sau hai vụ nổ. Toàn bộ 118 người trên chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân này đã tử vong. Sau khi vớt được thi thể các nạn nhân, giới chức Nga xác định 23 thành viên thủy thủ đoàn, bao gồm chỉ huy tàu ngầm Kursk, may mắn sống sót sau sự cố ban đầu nhưng sau đó lại tử vong do ngạt thở

Theo Wikipedia, tàu ngầm mang số hiệu 361 chạy bằng động cơ điện/diesel của Hải quân Trung Quốc đã bị chìm ở Biển Bột Hải tại khu vực giữa tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc và Triều Tiên vào năm 2003. Con tàu đã được ngư dân Trung Quốc phát hiện khoảng 10 ngày sau khi tai nạn. Một giả thiết được đặt ra là tàu ngầm 361 đã không tắt được động cơ diesel sau khi tàu lặn xuống nước, khói do động cơ hoạt động đã khiến thủy thủ đoàn bị ngạt và tàu chìm. Tân Hoa xã cho hay, toàn bộ 70 thủy thủ đã thiệt mạng trong vụ tai nạn trên

Ngày 10-4-1963, tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Thresher của Hải quân Mỹ đã gặp sự cố trong lúc thử nghiệm hoạt động ở phía đông bắc Cape Cod, bang Massachusetts. Vụ tai nạn đã khiến 129 thủy thủ thiệt mạng. Kết quả điều tra của quân đội Mỹ cho thấy, thảm kịch tàu Thresher nhiều khả năng bắt nguồn từ các mối hàn. Giả thuyết khi đó là có ít nhất một mối hàn bị bung khiến nước biển tràn vào tàu, gây chập điện dẫn đến lò phản ứng hạt nhân trên tàu ngừng hoạt động

K-129, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của Liên Xô, đã bị chìm vào ngày 8-3-1968 tại Thái Bình Dương, cùng với toàn bộ 98 thủy thủ trên tàu. Hải quân Liên Xô không xác định được vị trí tàu chìm. Một tàu ngầm của Hải quân Mỹ đã tìm thấy nó ở phía tây bắc đảo Oahu thuộc quần đảo Hawaii, ở độ sâu khoảng 4.900m 

Một vụ cháy đã bùng phát trên chiếc tàu ngầm tấn công K-8 của Liên Xô vào ngày 8-4-1970, làm hư hỏng chiếc tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân này ở Vịnh Biscay, và buộc thủy thủ đoàn phải rời tàu. Sau khi tàu cứu hộ tới hiện trường, 52 thành viên thủy thủ đoàn đã trở lại tàu. Tuy nhiên, trong lúc kéo tàu về căn cứ, tàu ngầm bị mất kiểm soát trong vùng biển động mạnh, và chìm cùng 52 thành viên thủy thủ đoàn

Vào tháng 5-1968, tàu ngầm tấn công Scorpion chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hải quân Mỹ đã mất tích bí ẩn ở Đại Tây Dương cùng 99 thành viên thủy thủ đoàn. Xác tàu được tìm thấy vào tháng 10 năm đó tại khu vực cách đảo Azores khoảng 644km về phía tây nam, ở độ sâu 3.050m. Một số giả thuyết đã được đưa ra về nguyên nhân của thảm kịch trên: ngư lôi của con tàu bất ngờ bị phóng đi và bật trở lại bắn trúng tàu Scorpion; nổ hệ thống ắc quy; hoặc va chạm với một tàu ngầm của Liên Xô

K-19, một trong hai chiếc tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên của Liên Xô, đã gặp sự cố vào ngày 4-7-1961 ở ngoài khơi phía đông nam bờ biển Greenland. Hệ thống làm mát lò phản ứng bị rò rỉ và ngừng hoạt động, khiến nhiệt độ lõi của lò tăng tới ngưỡng nguy hiểm. Dù biết nguy cơ nhiễm xạ, nhóm kỹ sư vẫn nỗ lực khắc phục sự cố tại hệ thống làm mát khẩn cấp. 22 thủy thủ trong số 139 người trên tàu bị tử vong vì nhiễm phóng xạ, trong khi 117 thành viên còn lại cũng gặp các vấn đề về sức khỏe. Vì những tai nạn liên tiếp trong 29 năm hoạt động, K-19 bị coi là chiếc tàu ngầm đen đủi nhất của Hải quân Liên Xô