Những thay đổi trong chính sách hưu trí từ năm 2025

ANTD.VN - Năm 2025, tuổi nghỉ hưu của người lao động tiếp tục tăng theo lộ trình 4 tháng đối với lao động nữ, 3 tháng đối với lao động nam; số năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để hưởng lương hưu giảm từ 20 năm xuống 15 năm khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực…

Tuổi nghỉ hưu điều chỉnh theo lộ trình

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được quy định tại khoản 2, Điều 169 Bộ luật Lao động, cụ thể như sau: Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035. Theo đó, từ năm 2025, tuổi nghỉ hưu của lao động nữ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 56 tuổi 8 tháng; lao động nam là đủ 61 tuổi 3 tháng.

Lương hưu đã được điều chỉnh 23 lần từ năm 1995

Khoảng 65% người cao tuổi ở Việt Nam chưa được hưởng chính sách trợ giúp xã hội của Nhà nước. Vì thế, họ phải sống dựa vào nguồn tiết kiệm (nếu có), hoặc dựa vào con cái, người thân, hoặc tiếp tục làm việc với mức thu nhập thấp. Việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800 nghìn đến 1 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế.

Người nghỉ hưu trong giai đoạn trước ngày 1-7-2025 thì mức lương hưu hàng tháng sẽ được tính toán theo quy định tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Theo đó, mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng với 20 năm đóng bảo hiểm xã hội đối với lao động nam và 15 năm đóng bảo hiểm xã hội đối với lao động nữ. Sau đó, cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Đối với người nghỉ hưu từ ngày 1-7-2025 trở đi, mức lương hưu hàng tháng sẽ được tính toán theo quy định tại Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024. Cụ thể, đối với lao động nữ, mức lương hưu hàng tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, cho đến khi đạt mức tối đa bằng 75%. Đối với lao động nam, mức lương hưu hàng tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa cũng là 75%. Trường hợp lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hàng tháng bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.

Tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội giảm 5 năm

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, trợ cấp hưu trí xã hội là một chính sách bổ sung lớn của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng. Hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng bao gồm: Trợ cấp hưu trí xã hội; bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện; bảo hiểm hưu trí bổ sung để hướng tới bao phủ toàn dân. Trong đó, trợ cấp hưu trí xã hội theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 (Điều 21, Điều 22) là loại hình bảo hiểm xã hội do ngân sách Nhà nước bảo đảm, được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển một phần từ quy định về trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi.

Hiện cả nước mới có khoảng 5,4 triệu người cao tuổi được hưởng chính sách xã hội, bao gồm 2,7 triệu người cao tuổi hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; hơn 1,2 triệu người có công hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng (phần lớn là người cao tuổi); hơn 1,5 triệu người hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng. Để bảo đảm đời sống cho người nghỉ hưu, từ năm 1995 đến hết năm 2023, Quốc hội, Chính phủ đã 23 lần điều chỉnh lương hưu. Sau nhiều lần điều chỉnh, mức lương của người nghỉ hưu hiện nay đã tăng từ 21 đến 26 lần so với mức lương hưu năm 1995.

Cụ thể, quy định độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thấp hơn 5 tuổi so với tuổi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi hiện hành (80 tuổi). Căn cứ Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2025), công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi có đủ các điều kiện sau đây: Từ đủ 75 tuổi trở lên; không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trừ trường hợp khác theo quy định của chính phủ; có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng đủ điều kiện thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng do chính phủ quy định, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, và khả năng của ngân sách Nhà nước từng thời kỳ. Định kỳ 3 năm, Chính phủ thực hiện rà soát, xem xét việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội. Tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu

Đáng chú ý, người vừa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, vừa thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, thì được hưởng chế độ trợ cấp cao hơn. Trong thời gian hưởng trợ cấp hưu trí, họ được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế. Khi chết thì tổ chức, cá nhân lo mai táng được nhận hỗ trợ chi phí mai táng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi. Luật cũng quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội trên cơ sở đề nghị của chính phủ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, và khả năng của ngân sách Nhà nước từng thời kỳ.

Theo ông Phạm Trường Giang - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), tư tưởng xuyên suốt của chính phủ khi xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội 2024 là tăng mức hưởng, quyền lợi của người lao động nhưng không tăng mức đóng, trách nhiệm đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động. Việc tăng mức hưởng, quyền lợi cho người dân chủ yếu từ sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước. Đơn cử như về chính sách trợ cấp hưu trí xã hội và quyền lợi về bảo hiểm y tế dành cho người từ 75 tuổi trở lên và người từ 70 tuổi trở lên thuộc hộ nghèo, cận nghèo.