Những sơ hở tạo cơ hội cho tội phạm trộm cắp tài sản trong đêm người dân cần chú ý

ANTD.VN - Tình hình hoạt động tội phạm đột nhập nhà dân trộm cắp tài sản vào ban đêm dịp cuối năm thường gia tăng với diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi.

Đối tượng Vượng và tang vật trong vụ trộm đột nhập nơi ở của du khách nước ngoài tại phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội

Nhận diện những "bóng ma" đêm

Theo chỉ huy Công an quận Tây Hồ, Hà Nội, địa bàn có nhiều khu nhà cho người nước ngoài thuê cư trú, nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh, nên tội phạm thường hay nhòm ngó. Để phòng ngừa trộm cắp tài sản, cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền cách thức bảo vệ tài sản như phải đóng cửa sổ, ban công vào ban đêm, để phương tiện nơi có người trông giữ… Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chủ quan, đặc biệt là du khách nước ngoài theo sở thích mở cửa sổ, ban công khi ngủ dễ bị tội phạm trộm cắp lợi dụng sơ hở đột nhập...

Ngày 27-1-2024, một du khách quốc tịch Italia đến Công an phường Quảng An trình báo về việc bị kẻ gian đột nhập vào nhà riêng ở phố Tô Ngọc Vân lấy trộm một số đồ trang sức có giá trị khoảng 50.000 Euro.

Quá trình điều tra, căn cứ tài liệu thu thập được cơ quan công an đã tiến hành khởi tố vụ án, bắt giữ và khởi tố bị can đối với Nguyễn Ngọc Vượng, sinh năm 1973, ở phường Kim Mã, quận Ba Đình về tội trộm cắp tài sản.

Tại cơ quan công an, Nguyễn Ngọc Vượng khai nhận ngoài vụ việc trên còn thực hiện 1 vụ trộm khác tại nhà của người nước ngoài ở phố Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ. Tài sản Vượng đã lấy trộm gồm đôi bông tai và dây chuyền, lắc tay bằng vàng.

Đối tượng khai nhận đã nhiều lần qua lại khu vực nhà bị hại để “tăm tia” tìm sơ hở của gia chủ. Khi nắm chắc thông tin, Vượng chờ thời cơ gây án vào đêm muộn và rạng sáng...

Phân tích về phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này, cơ quan công an cho biết trước khi gây án các đối tượng thường tiếp cận hiện trường để nắm tình hình, nghiên cứu phát hiện những sơ hở, thiếu sót, mất cảnh giác của người dân để gây án. Đối tượng trộm đêm cũng nhằm vào những hộ gia đình thường xuyên vắng nhà, không có người trông coi, nhà ở khu vực ít dân cư, hộ gia đình sống biệt lập, người nước ngoài... không trang bị hệ thống chống trộm để bẻ, cắt khóa đột nhập trộm cắp tài sản ban đêm.

Dịp cuối năm, ngoài hoạt động của trộm đột nhập nhà dân ban đêm, thì tội phạm trộm cắp tài sản mang tính truyền thống luôn tiềm ẩn và có nguy cơ gia tăng. Thủ đoạn chủ yếu vẫn là lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của người dân trong việc quản lý tài sản như xe máy dựng xe ở nơi vắng vẻ ít người qua lại, dựng xe ngoài đường, trước cửa nhà, trong sân khuất tầm quan sát, không sử dụng khóa chống trộm, không khóa cổ, khóa càng hoặc để chìa khóa ở xe tạo sơ hở cho đối tượng dễ dàng lấy trộm tài sản.

Cơ quan công an tuyên truyền, khuyến cáo người dân nâng cao ý thức cảnh giác bảo vệ tài sản

Ngoài ra, loại tội phạm khác cũng rất manh động, đập kính xe ô tô để trộm cắp tài sản phía trong ca bin. Về loại tội phạm này, kẻ gian thường lợi dụng sơ hở của người dân để xe ô tô ở khu vực vắng, không có người trông coi, khuất tầm nhìn, quan sát phía trong xe có tài sản giá trị như điện thoại, túi xách, tiền mặt... đập kính, phá cửa để trộm tài sản. Địa điểm các đối tượng thường chọn để ra tay chủ yếu là ở các trung tâm thương mại, nhà hàng, quán ăn, trường học, các trường hợp dừng đỗ xe ô tô qua đêm trên vỉa hè, lòng đường không có người trông giữ.

Mất cảnh giác từ việc “khoe” tài sản, hoạt động cá nhân trên mạng

Từ những vụ án đã điều tra, khám phá, cơ quan chức năng đánh giá ý thức tự bảo quản tài sản của người dân còn hạn chế, mặc dù đã được công an tuyên truyền phòng ngừa các thủ đoạn của tội phạm trộm cắp tài sản, nhưng vẫn chủ quan, chưa có ý thức cảnh giác, nhất là đối với số đối tượng lạ mặt xuất hiện quanh khu vực sinh sống của gia đình.

“Ngoài ra, do thời đại công nghệ thông tin bùng nổ hiện nay nhiều gia đình thường xuyên quảng bá hình ảnh, tài sản có giá trị chia sẻ hành trình du lịch, đi chơi của gia đình trên mạng xã hội cũng một phần tạo điều kiện cho tội phạm trộm cắp tài sản lợi dụng phạm tội”- cán bộ Đội Cảnh sát hình sự - Công an quận Tây Hồ khuyến cáo.

Quyết liệt truển khai các biện pháp đảm bảo ANTT địa bàn, CATP Hà Nội nói chung và Công an quận Tây Hồ đã quan tâm chỉ đạo thực hiện kế hoạch đấu tranh phòng chống các loại tội phạm trong đó đặc biệt chú trọng loại tội phạm trộm cắp tài sản trộm cắp tài sản, nhất là trộm đột nhập nhà dân ban đêm trên địa bàn. Thường xuyên kiểm tra kết quả của các đội nghiệp vụ và công an các phường, kịp thời đánh giá, rút ra những bài học kinh nghiệm, khắc phục ngay tồn tại, thiếu sót trong quá trình thực hiện kế hoạch nhằm nâng cao hiệu quả công tác. Tăng cường tuần tra kiểm soát ban đêm trên các tuyến phố, khu dân cư...

Lực lượng công an và bảo vệ dân phòng tuần tra đêm, tuyên truyền nhắc nhở người dân nâng cao ý thức cảnh giác, khóa cửa trước khi đi ngủ

Cùng với đó, thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh phường các biện pháp phòng ngừa và chủ động xây dựng các phương án, phối hợp giữa công an phường với lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố tuần tra kiểm soát, kiểm tra hành chính vào ban đêm ở các địa bàn, tuyến phức tạp vào giờ cao điểm.

Trao đổi với phóng viên ANTĐ về tình hình tội phạm trộm cắp tài sản trong thời điểm cuối năm và cách phòng ngừa, Thượng tá Nguyễn Hữu Khánh, Trưởng Công an quận Tây Hồ cho biết: “Theo dự báo, trong thời gian tới, nhất là thời điểm gần Tết Nguyên đán, tình hình tội phạm trên địa bàn có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là loại tội phạm trộm cắp tài sản ban đêm và ở địa bàn công cộng. Do đó, chúng tôi khuyến cáo người dân cảnh giác, có biện pháp trông coi, quản lý chặt chẽ tài sản của mình; khi ngủ hay vắng nhà khóa cửa cẩn thận. Phát hiện bị mất trộm phải nhanh chóng trình báo cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời điều tra, xác minh, truy cét làm rõ đối tượng gây án".