Những quan niệm sai lầm về virus Ebola

ANTĐ - Tin đồn, thậm chí cả những chuyện hoang đường về virus Ebola bùng phát ở Tây Phi đang cản trở nhân viên y tế nước này và gây hoảng sợ quá mức đối với nhiều nước trên thế giới. Tờ Huffington Post của Mỹ mới đây đã đưa ra phân tích, làm rõ một số điều còn “ngờ ngợ” và dễ hiểu lầm về dịch bệnh này.

Những quan niệm sai lầm về virus Ebola ảnh 1
Trạm quét virus Ebola tại cổng bệnh viện Kenema, Sierra Leone sáng 9-8 

Virus Ebola lây truyền qua không khí, đường nước hoặc qua tiếp xúc thông thường. Thực tế, virus Ebola chỉ lây lan qua các chất dịch từ cơ thể của người bệnh. Điều đó có nghĩa virus Ebola có trong chất lỏng như máu, mồ hôi và nước tiểu có thể tiếp xúc với mắt, miệng, mũi, tai, bộ phận sinh dục hay vết thương hở để lây nhiễm. Nói cách khác, phải tiếp xúc nhiều, hơn mức thông thường thì khả năng bị nhiễm virus mới cao, đó là lý do tại sao phần lớn nạn nhân ở Tây Phi là nhân viên y tế hoặc các thành viên gia đình chăm sóc người thân bị bệnh. Vì thế, công tác chống dịch trọng tâm ở vùng dịch hiện nay là tuyên truyền trong cộng đồng về tầm quan trọng của việc rửa tay bằng xà phòng và nước, đưa các thành viên trong gia đình có người bị bệnh đi khám và đảm bảo an toàn khi chôn cất thi thể  người chết vì Ebola.

Khỏi Ebola là không thể lây cho người khác. Ông Aaron DeVries, Giám đốc bộ phận bệnh truyền nhiễm của Sở Y tế Minnesota, Mỹ trong một cuộc phỏng vấn với NBC khẳng định rằng những ai có triệu chứng Ebola như sốt, nhức đầu, nôn mửa và tiêu chảy đều có thể truyền virus cho người khác. Mặc dù vậy, Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận được một trường hợp truyền virus Ebola qua tinh dịch dù người đàn ông này đã khỏi bệnh được 7 tuần.

Đây là lần đầu tiên dịch Ebola bùng phát lớn. Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên có dịch Ebola nhưng đợt dịch này có số tử vong lớn nhất trong lịch sử. Virus Ebola lần đầu tiên được ghi nhận ở Cộng hòa Dân chủ Congo năm 1976 với 318 người bị nhiễm, tỷ lệ tử vong 88%. Kể từ đó, bệnh xuất hiện trên khắp lục địa châu Phi với nhiều chủng khác nhau, riêng chủng Zaire trong đợt dịch này có tỷ lệ tử vong lên tới 90%. Tính đến 4-8- 2014, đã có 1.711 người chết vì nhiễm virus Ebola, trong đó 932 người chết ở Liberia, Guinea, Sierra Leone và Nigeria. Đáng chú ý, lần đầu tiên virus này xuất hiện tại Tây Phi và 90% trường hợp bệnh nhân chết do không được tiếp cận y tế. 

Virus Ebola “hóa lỏng” các cơ quan nên gây xuất huyết. Trong những triệu chứng bệnh có hiện tượng chảy máu mắt, tai, mũi và miệng nhưng chỉ 20% số ca có dấu hiệu này. Vậy điều gì xảy ra khi virus xâm nhập vào cơ thể? Đầu tiên nó thâm nhập tế bào, nhân lên nhanh chóng cho đến khi phá vỡ các tế bào và sản sinh ra một loại protein gọi là ebolavirus glycoprotein có sức tàn phá kinh khủng. Protein này gắn với các tế bào di chuyển trong mạch máu sớm làm cho thành mạch suy yếu, gây xuất huyết, đồng thời ngăn cản quá trình đông máu. Virus Ebola cũng có thể ngăn chặn các tế bào bạch cầu truyền tín hiệu báo động cho hệ miễn dịch, “ngang nhiên đi du lịch” đến tất cả các bộ phận khác như gan, thận, lá lách và não đến khi virus này nhân lên nhanh chóng phá vỡ các tế bào khắp cơ thể. Tóm lại, nạn nhân sau một thời gian nhiễm virus sẽ chết vì sốc do mất máu và suy đa phủ tạng.

Ebola có thể điều trị bằng kháng sinh (hoặc các phương pháp dân gian như hành hay sữa đặc ...). Không đúng, tất cả đều vô tác dụng bởi biện pháp được cho là “mạnh nhất” -  thuốc kháng sinh chỉ chữa trị nhiễm trùng do vi khuẩn chứ không phải virus. Hiện cũng chưa có vaccine phòng ngừa virus Ebola. Gần đây các nhà khoa học Mỹ có tạo một loại huyết thanh được gọi là Zmapp trong đó chứa kháng thể giúp ngăn chặn virus nhưng đến nay nó mới chỉ được thử nghiệm trên khỉ và chưa được chấp thuận sử dụng cho con người.