Những người đứng phía sau thành công của các kỳ thi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2022 tại Hà Nội đã chính thức khép lại và được đánh giá là thành công. Tuy nhiên, để có một kỳ thi như thế, ngoài sự nỗ lực của ngành giáo dục thì phía sau có đóng góp không nhỏ của các đơn vị CATP Hà Nội.
Cán bộ, chiến sĩ Phòng An ninh chính trị nội bộ (CATP Hà Nội) phối hợp với công an các quận, huyện thị xã kiểm tra các điểm thi, đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn, phòng chống gian lận trong thi cử

Cán bộ, chiến sĩ Phòng An ninh chính trị nội bộ (CATP Hà Nội) phối hợp với công an các quận, huyện thị xã kiểm tra các điểm thi, đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn, phòng chống gian lận trong thi cử

Cuộc huy động tổng lực

Nói đến vai trò chủ công trong bảo vệ các kỳ thi trên địa bàn thành phố, đầu tiên phải nhắc đến Đội An ninh giáo dục thuộc Phòng An ninh chính trị nội bộ (CATP Hà Nội). Chính các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) của đơn vị này là người tham mưu, đề xuất Giám đốc CATP ban hành kế hoạch bảo vệ 2 kỳ thi quan trọng trên địa bàn là Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2022-2023 và Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Đây là năm thứ 2, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo, tổ chức kỳ thi tại địa phương. Việc này đặt lên vai CATP một trách nhiệm nặng nề về bảo vệ bí mật, an ninh, an toàn.

Thượng tá Nguyễn Quốc Hùng - Phó trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ cho hay, theo kế hoạch bảo vệ thi, CATP Hà Nội đã huy động 12 phòng nghiệp vụ và công an 30 quận, huyện, thị xã với hàng nghìn lượt CBCS tham gia làm nhiệm vụ (tăng thêm 3 phòng nghiệp vụ so với Kỳ thi THPT quốc gia năm 2021). Đặc biệt trong Kỳ thi THPT quốc gia, số lượng CBCS tham gia bảo vệ vòng ngoài còn nhiều gấp đôi so với Kỳ thi tuyển sinh THPT.

“Mỗi đơn vị một nhiệm vụ khác nhau như tham gia Ban Chỉ đạo thi và tuyển sinh thành phố Hà Nội, xây dựng kế hoạch bảo vệ và đề xuất phân công lực lượng tham gia bảo vệ kỳ thi trình lãnh đạo CATP phê duyệt và triển khai thực hiện. Sát ngày thi, chủ động kiểm tra các điểm thi trên địa bàn thành phố, nhất là khu vực ngoại thành, điểm thi nằm sát khu dân cư; kiểm tra hệ thống camera trong phòng đề thi, bài thi, công tác phòng chống dịch tại từng điểm thi…” - Thượng tá Nguyễn Quốc Hùng cho hay.

Theo kế hoạch, ngoài Phòng An ninh chính trị nội bộ còn có sự tham gia của Phòng An ninh kinh tế với nhiệm vụ tham mưu, phối hợp Tổng Công ty Điện lực Hà Nội có kế hoạch đảm bảo cung cấp điện ổn định phục vụ các địa điểm thi, ra đề thi, in sao đề thi, chấm thi, chấm phúc khảo; có phương án dự phòng trường hợp sự cố mất điện tại các địa điểm trên. Đồng thời phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, phát hiện, xử lý các cửa hàng buôn bán trái phép thiết bị công nghệ có thể dùng vào việc gian lận thi cử.

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tăng cường công tác trinh sát, xác minh làm rõ và xử lý các hoạt động sử dụng công nghệ cao để tấn công phá hoại, gian lận, tiêu cực trong thi cử và tung tin thất thiệt gây ảnh hưởng đến kỳ thi. Cùng với đó, Phòng Cảnh sát hình sự; Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Phòng Cảnh sát giao thông; Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Trung đoàn Cảnh sát cơ động... theo chức năng nhiệm vụ cũng tham gia bằng nhiều phần việc cụ thể trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

“Trước thời điểm diễn ra kỳ thi, chỉ huy các đơn vị đều phổ biến, quán triệt đến toàn thể CBCS tham gia bảo vệ kỳ thi chấp hành nghiêm Điều lệnh Công an nhân dân. Nắm vững các quy định, quy chế của ngành giáo dục liên quan đến kỳ thi. Nắm vững vai trò, nhiệm vụ khi tham gia bảo vệ tại từng khâu của kỳ thi” - Chỉ huy Phòng An ninh chính trị nội bộ cho hay.

Người ở vòng trong cùng

Tại công an các quận, huyện, thị xã, theo kế hoạch phân công, Đội An ninh có nhiệm vụ chủ động xây dựng phương án bảo vệ thi trên địa bàn mình, đồng thời bố trí cán bộ tham gia bảo vệ tại vòng trong cùng, nơi đựng tủ đề thi, bài thi. Những chiến sỹ nhận nhiệm vụ ở vòng trong cùng thường đùa nhau là “tham gia tour du lịch 3 ngày 2 đêm nhưng không có người thân và không có điện thoại di động kết nối mạng”. Để đảm bảo nguyên tắc bí mật tuyệt đối, tại khu vực lưu giữ đề thi, bài thi, không cho phép có kết nối Internet. Những CBCS làm nhiệm vụ tại đây cũng không được phép sử dụng điện thoại di động. Sau mỗi ngày, họ đều phải báo cáo về đơn vị tình hình ở điểm thi.

Thượng úy N.B.A - cán bộ CAQ Bắc Từ Liêm không còn nhớ anh đã tham gia bao nhiêu lần “tour du lịch 3 ngày 2 đêm” như thế. Anh kể: “Mỗi năm, tôi nhận nhiệm vụ ở một điểm trường khác nhau. Có năm thì ở lại cùng điểm trưởng, nhưng mấy năm gần đây ở lại cùng điểm phó. Điểm phó phụ trách cơ sở vật chất có năm là thầy, có năm lại là cô. Chúng tôi là cán bộ nam thì dù sao cũng đỡ bất tiện hơn các cán bộ nữ, bởi kể từ lúc nhận bàn giao đề thi đưa vào tủ cất giữ là chúng tôi không được phép rời khỏi căn phòng ấy. Sáng ngày thi đưa đề ra bên ngoài phải đảm bảo còn nguyên dấu niêm phong, hết buổi nhận bài thi lại đóng dấu niêm phong đưa vào tủ cất giữ, chuẩn bị cho môn thi tiếp theo. Trong 3 ngày 2 đêm tuyệt đối không được dùng điện thoại liên lạc ra bên ngoài, cơm cũng được đưa vào tận nơi”.

Trung úy H.T.M - cán bộ CAQ Nam Từ Liêm thì chia sẻ: “Khác với cán bộ nam, do phải ngủ lại điểm thi nên theo quy định nếu Điểm trưởng hay Điểm phó là thầy giáo thì các nữ CBCS tham gia vòng trong cùng đến hết ngày thi sẽ được… thay ca. Do đó, trong phương án phân công CBCS làm nhiệm vụ vòng trong cùng luôn có 1 nam, 1 nữ để đổi người trực cho phù hợp với thực tế”.

Lực lượng công an vừa phân luồng, vừa tham gia bảo vệ vòng ngoài tại các địa điểm thi

Lực lượng công an vừa phân luồng, vừa tham gia bảo vệ vòng ngoài tại các địa điểm thi

Bảo vệ bí mật đề thi, bài thi là nhiệm vụ tối quan trọng

Trước mỗi ngày thi, đề thi luôn là mối quan tâm số 1. Những tin tức về đề thi luôn được lan truyền, điển hình như năm nay, một trang Facebook cá nhân đã 3 năm liên tiếp đoán đúng bài thơ, văn của đề thi môn Văn lại một lần nữa dấy lên nghi án lộ đi thi. Song trên thực tế, đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia được xếp loại bí mật Nhà nước nên việc để lộ là điều không tưởng. Bởi ngay từ khi Ban đề thi được thành lập, địa điểm nơi ban này lưu trú và địa điểm in sao đề thi đều được đảm bảo bí mật tuyệt đối. Những người tham gia làm đề thi còn không biết mình có được chọn hay không, đề thi đóng góp vào ngân hàng câu hỏi có được lựa chọn vào đề chính thức hay không. Tại địa điểm Ban đề thi lưu trú và địa điểm in sao đề, lực lượng công an túc trực vòng trong vòng ngoài, không ai được rời khỏi đó khi kỳ thi chưa kết thúc.

Khoảng 12 giờ trước thời điểm ngày thi chính thức, lực lượng Cảnh sát cơ động sẽ đến địa điểm in sao đề để nhận đề thi đã được niêm phong, sau đó vận chuyển đến các điểm thi. Trung tá Hà Huy Phương - Tổ trưởng Tổ Cảnh vệ thuộc Ban Tham mưu huấn luyện, Trung đoàn Cảnh sát cơ động CATP Hà Nội cho hay: Trước mỗi kỳ thi, chúng tôi đều có phương án lực lượng áp tải đề thi, bài thi. Khi tham gia bảo vệ thi, chúng tôi có trang bị vũ khí cho CBCS thực hiện nhiệm vụ. Kỳ thi năm nay, theo phân công, chúng tôi bố trí 15 CBCS tập trung tại 2 địa điểm cùng cán bộ Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội di chuyển đến các địa điểm thi mang theo đề thi đã niêm phong. Hết nhiệm vụ, chúng tôi trở về đơn vị và sau 2 ngày lại quay trở lại các điểm thi đã phát đề để thu bài”.

Với một quy trình khép kín, tham gia ở tất cả các khâu trong kỳ thi THPT quốc gia, CATP Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ thành công kỳ thi tuyệt đối an ninh, an toàn.

Với một quy trình khép kín, tham gia ở tất cả các khâu trong kỳ thi THPT quốc gia, CATP Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ thành công kỳ thi tuyệt đối an ninh, an toàn.