Những họa sỹ đường phố Jakarta

ANTĐ - Trong chuyến đi công tác 10 ngày tại Thủ đô Jakarta, Indonesia những ngày đầu tháng 11-2011, tôi và người đồng nghiệp đã may mắn có được khoảng thời gian đáng nhớ sống cùng không khí SEA Games 26 và hòa mình vào một Jakarta lạ… mà quen.

Rời Hà Nội để lên đường tham dự Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 26 tại Indonesia, người đồng nghiệp của tôi tỏ ra rất phấn khích bởi vì đây cũng là lần đầu tiên anh đi công tác nước ngoài. Mọi thứ thật khác biệt đối với anh khi đặt chân lên đất nước Indonesia sau 12 tiếng cả bay lẫn chờ đổi chuyến tại Singapore. Khi chúng tôi lên taxi anh đã chạy về phía phải của xe, quên mất rằng ở Indonesia, họ đi trái đường so với Việt Nam.

Cũng sẽ phải tốn khá nhiều thời gian để có thể kể hết về Thủ đô Jakarta, về đất nước và con người Indonesia mà chúng tôi có dịp được tiếp xúc; nhưng có lẽ để lại cho chúng tôi ấn tượng đáng nhớ nhất đó là những nghệ sỹ vẽ tranh truyền thần ở khu phố cổ Batavia. “Pelukis portret”, đó là ngôn ngữ bản địa dành cho họ - những nghệ sỹ vẽ tranh chân dung, hay chúng tôi tạm gọi là những họa sỹ truyền thần bởi họ gợi nhớ tới hình ảnh những người cặm cụi vẽ tranh truyền thần ở phố Hàng Bông, Hàng Đào. 

Nằm ở phía bắc Thủ đô Jakarta, nơi được coi là khu dành cho những người lao động thu nhập thấp, Batavia còn là nơi lưu giữ nhiều nét lịch sử và văn hóa. Người Hà Lan đã đến đây, xây dựng và để lại không ít những nét đẹp cho khu phố này, và chúng tôi tin rằng vẽ chân dung cũng là một trong những nét văn hóa phương Tây đó. Nghiền ngẫm, tỉa tót từng nét vẽ, những “pelukis portret” ở vỉa hè Batavia có độ tuổi từ 20 đến 70. Chỉ nhìn qua, chúng tôi có thể nhận thấy cuộc sống của họ cũng chẳng dư dả gì. Tôi bắt chuyện với một họa sỹ ở đây và được anh cho biết rằng, mỗi bức tranh hoàn thiện cũng chỉ khoảng 150.000 rupiah (tương đương khoảng 300.000 đồng), thế nhưng không phải lúc nào cũng có người đặt vẽ. Nói đến đây, anh họa sỹ có tên Suwanto liền “gạ” chúng tôi tốc họa.

Đến khu Batavia, trò chuyện cùng những nghệ sỹ đường phố, chúng tôi mới cảm nhận được cuộc sống mưu sinh của họ khó khăn thế nào. Họ có thể làm những việc khác để có một cuộc sống tốt hơn, nhưng chỉ vì tình yêu với nghệ thuật mà họ vẫn gắn bó với cái nghiệp này. Trong phút chốc, ý nghĩ chợt đến với tôi rằng đây có lẽ sẽ là một trong những lớp họa sỹ cuối cùng. Tương lai của hội họa đường phố ở Jakarta xem ra cũng không sáng sủa hơn so với truyền thần ở Hà Nội. Khi công nghệ ngày càng phát triển, thế hệ của những người yêu hội họa dần lùi vào dĩ vãng thì nghề truyền thần cũng sẽ bị mai một. Chỉ có những người thực sự yêu nghề thì mới đủ bản lĩnh để bám trụ!