Những cú hạ cánh lỗi đầy tai hại của máy bay ném bom siêu âm B-1B Lancer

ANTD.VN -  B-1B Lancer là chiếc máy bay ném bom phản lực siêu âm cánh cụp cánh xòe giữ vai trò rất quan trọng trong thành phần Không quân chiến lược Mỹ.

Máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 23/12/1974, chính thức được giới thiệu vào ngày 1/10/1986, đã có 100 chiếc B-1B xuất xưởng và hiện tại vẫn còn 66 chiếc đang hoạt động. 

Đơn giá một chiếc B-1B tại thời điểm năm 1998 là 283,1 triệu USD.

Oanh tạc cơ B-1B có chiều dài 44,5 m; sải cánh 41,8/24 m khi xòe/cụp; chiều cao 10,4 m; trọng lượng cất cánh tối đa 216.400 kg; vận tốc lớn nhất 1.340 km/h (Mach 1,25); tầm hoạt động 12.000 km; trần bay 18.000 m.

Khối lượng vũ khí mà B-1B mang theo bao gồm 23.000 kg trên 6 giá treo ngoài và 34.000 kg ở 3 khoang trong thân.

B-1B được trang bị những thiết bị điện tử hàng không cực kỳ tinh vi, cho khả năng thực hiện đa dạng nhiều nhiệm vụ, từ ném bom hạt nhân, ném bom thông thường, cho tới bắn tên lửa hành trình đối đất, đối hải...

Mặc dù rất hiện đại, nhưng cũng như nhiều cỗ máy tối tân khác, B-1B không thể tránh khỏi gặp phải các sự cố khi hoạt động, lỗi này có thể do kỹ thuật hoặc thao tác của con người.

Vào ngày 4/10/1989, một chiếc B-1B phải hạ cánh khẩn cấp xuống Rogers Dry Lake - vùng lòng chảo thuộc sa mạc Mojave, Quận Kern, Bang California. 

Đây là phần trung tâm của Căn cứ không quân Edwards, do bề mặt cứng của nó cung cấp phần mở rộng tự nhiên cho đường băng nhân tạo.

Chiếc B-1B đã gặp trục trặc với bộ phận thủy lực khiến càng đáp trước không thể mở ra, nó quyết định chuyển hướng tới khu vực trên để tiếp đất do đặc tính bề mặt của "đường băng tự nhiên" có tác dụng giảm thiểu thiệt hại cho máy bay.

Vụ tai nạn xảy ra với chiếc B-1B khác (Số đuôi 86132 - có tên gọi "Oh! Hard Luck") diễn ra lúc 10 giờ tối ngày 8/5/2006 tại đường băng số 31 của Căn cứ không quân Diego Garcia thực sự phải dùng từ "khó đỡ". 

Máy bay hạ cánh trong tình trạng càng đáp không mở, nó trượt quãng đường dài 2.286 m rồi mới dừng lại, gây nên những tiếng rít kinh hoàng và bị bắt lửa. Rất may đội cứu hộ đã có mặt kịp thời để làm tốt nhiệm vụ của mình.

Phi hành đoàn 4 người của chiếc B-1B trên thoát khỏi máy bay an toàn qua cửa thoát hiểm. Chiếc Lancer được đưa ra khỏi đường băng 4 ngày sau đó.

Báo cáo điều tra do Không quân Mỹ phát hành ngày 18/9/2006 đã chỉ ra một sự thật tức cười, đó là kíp điều khiển đã quên kích hoạt thiết bị hạ cánh.

 Sai sót của phi công ước tính đã gây thiệt hại 7,9 triệu USD cho máy bay và 14.025 USD cho đường băng.

May mắn là khung thân của loại B-1B rất chắc chắn. Sau đó nhờ những nỗ lực phi thường, công tác khắc phục sự cố đã hoàn thành trong năm, chiếc Lancer số 86132 lại tung cánh trên bầu trời, nó vẫn còn "tại ngũ" cho tới thời điểm hiện nay.