Những công việc nào không bị "xáo trộn" bởi đại dịch Covid-19?

ANTD.VN - Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), dịch vụ lưu trú và ăn uống là hai lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 nhưng lĩnh vực thông tin truyền thông, tài chính và bảo hiểm lại tăng.

Trong báo cáo mới nhất của mình, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), một lần nữa khẳng định những tác động nghiêm trọng mà thị trường lao động phải gánh chịu trong năm 2020.

Số liệu mới nhất cho thấy thời giờ làm việc toàn cầu đã sụt giảm 8,8% trong năm vừa qua (so với quý 4 năm 2019), tương đương với 255 triệu việc làm toàn thời gian. Con số này cao gấp khoảng bốn lần mức độ tổn thất về thời giờ làm việc trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.

Mức độ sụt giảm về thời giờ làm việc này bao gồm cả số giờ làm việc bị giảm của những người vẫn có việc làm và những trường hợp bị mất việc. Riêng mức độ mất việc làm đã ở mức “chưa từng có tiền lệ”, với 114 triệu người.

Báo cáo của ILO cho thấy tác động không đồng đều của đại dịch đến các lĩnh vực kinh tế, khu vực địa lý và các lĩnh vực khác nhau trên thị trường lao động. Báo cáo cũng nêu lên quan ngại về một “công cuộc phục hồi hình chữ K”, theo đó những lĩnh vực và người lao động bị ảnh hưởng nặng nề nhất có thể bị bỏ lại phía sau trong công cuộc phục hồi này, gây gia tăng bất bình đẳng nếu không triển khai các biện pháp khắc phục.

Dịch vụ lưu trú và ăn uống là hai lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với số lượng việc làm giảm trung bình hơn 20%, tiếp đến là lĩnh vực bán lẻ và sản xuất. Ngược lại, việc làm trong lĩnh vực thông tin truyền thông, tài chính và bảo hiểm lại tăng trong quý II và quý III năm 2020. Việc làm trong các lĩnh vực khai thác mỏ, khai khoáng và dịch vụ tiện ích cũng tăng nhẹ.

Theo ILO, dù vẫn còn nhiều bất ổn, nhưng số liệu dự báo năm 2021 mới nhất cho thấy hầu hết các nước sẽ phục hồi tương đối mạnh trong nửa cuối năm khi các chương trình tiêm phòng vắc xin bắt đầu được triển khai.

Báo cáo cũng đặt ra ba kịch bản phục hồi: cơ sở, tiêu cực và lạc quan. Kịch bản cơ sở (được xây dựng dựa trên dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế từ tháng 10 năm 2020) ước tính mức sụt giảm thời giờ làm việc trên toàn cầu năm 2021 là 3% (so với quý IV năm 2019), tương đương vơi 90 triệu việc làm toàn thời gian.

Kịch bản tiêu cực giả định tiến độ triển khai vắc xin chậm, do vậy, thời giờ làm việc sẽ giảm 4,6%, trong khi đó kịch bản lạc quan dự báo mức sụt giảm thời giờ làm việc chỉ là 1,3%. Điều này phụ thuộc vào việc đại dịch sẽ được kiểm soát và mức độ tín nhiệm, lòng tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp tăng lên.

Dù là kịch bản nào thì mức sụt giảm về thời giờ làm việc ở châu Mỹ, châu Âu và Trung Á sẽ luôn cao khoảng gấp đôi so với các khu vực khác.