Những chuyện nhỏ trên cung đường du lịch Tây Bắc (2): Du lịch cộng đồng, cần những cái bắt tay thật chặt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong nhiều hoạt động hội nghị, hội thảo, kích cầu du lịch thời gian gần đây, Tây Bắc nổi lên như một điểm sáng trên bản đồ du lịch, không chỉ ở tiềm năng mà còn cả khả năng tự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Những tour săn mây, ngắm đồng lúa chín, ngắm hoa đào, tour hái hồng, hái mận, check in đồi chè… được du khách nhiệt tình đặt lịch. Tuy nhiên, khách đông, tập trung cùng một lúc vào những dịp cao điểm khiến du lịch Tây Bắc bộc lộ không ít hạn chế. Nhiều chuyên gia du lịch nhận định, việc bộc lộ hạn chế tồn tại của du lịch Tây Bắc thời điểm bây giờ có khi lại là “cơ may” bởi đó chính là lúc để các “nhà” ngồi lại với nhau, nhà đầu tư, nhà quản lý và người làm du lịch, bàn bạc thấu đáo từ đó xây dựng những kịch bản hoàn hảo hơn, chi tiết hơn cho du lịch Tây Bắc khởi sắc.

Bản Nà Sự làm du lịch: không thể và có thể

Tôi gặp Chủ tịch Hiệp hội Du lịch cộng đồng Việt Nam Phạm Hải Quỳnh khi ông vừa hoàn tất chuyến công tác dài ngày ở bản Nà Sự, một bản làng vùng sâu, vùng xa thuộc xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, Điện Biên. Chuyến đi ấn tượng, để lại cho ông nhiều cảm xúc về tinh thần đoàn kết và cả cộng đồng cùng chung tay để “giấc mơ thành hiện thực”.

Ông Phạm Hải Quỳnh cho biết, để đưa cộng đồng tham gia làm du lịch cần trải qua rất nhiều giai đoạn. Là một người song hành cùng rất nhiều làng, bản nhưng ông đánh giá cao tính cộng đồng và đoàn kết trong cộng đồng của bản Nà Sự, Chà Nưa, Nậm Pồ, Điện Biên. Ở vùng đất này, 100% là đồng bào người Thái trắng. Với những đánh giá khắt khe để lựa chọn điểm đến cũng như có kế hoạch triển khai, sau khi thống nhất, trực tiếp Bí thư Huyện ủy huyện Nậm Pồ đã song hành và chỉ đạo Bí thư xã Chà Nưa cũng như toàn huyện, toàn xã, các tổ chức trong huyện, bà con đồng bào của các xã, các thôn khác cùng tham gia hỗ trợ Nà Sự xây dựng bản làng Du lịch cộng đồng.

Tây Bắc với những sắc màu rực rỡ luôn gây ấn tượng đặc biệt cho bất kỳ du khách nào từng đến với mảnh đất, con người nơi đây

Tây Bắc với những sắc màu rực rỡ luôn gây ấn tượng đặc biệt cho bất kỳ du khách nào từng đến với mảnh đất, con người nơi đây

Ông Phạm Hải Quỳnh nhấn mạnh, phát triển du lịch cộng đồng để dẫn tới thành công đó chính là sự quan tâm của chính quyền tới việc phát triển du lịch cộng đồng bền vững cũng như đưa cộng đồng vào một cách hào hứng nhất. “Với 7 ngày ngắn ngủi từ khảo sát, từ đánh giá cho đến quyết định làm, bà con nơi này đã cùng chung tay cũng như thể hiện tính cộng đồng gắn kết rất cao, đây là khởi đầu của câu chuyện đưa cộng đồng vào một cách tốt nhất. Có những ngày con số bà con đến hỗ trợ đạt gần 500 người. Chúng ta luôn nói du lịch cộng đồng là cộng đồng hưởng lợi, đưa cộng đồng vào… thì câu chuyện của Nà Sự, Chà Nưa, Nâm Pồ Điện Biên chính là câu chuyện đầu tiên đạt được sự gắn kết cộng đồng tuyệt đến thế. Sau 7 ngày, bà con đã chính thức tập sự đón khách, ngày đầu đón khách đạt con số 35 mâm đạt gần 300 khách”, ông Phạm Hải Quỳnh cho biết.

Từ câu chuyện của Nà Sự cho thấy, muốn phát triển du lịch cộng đồng thì vai trò của lãnh đạo địa phương trong phát triển du lịch cộng đồng là vô cùng quan trọng. Song hành với sự quan tâm đó chính là sự tham gia hỗ trợ của cộng đồng, trong đó có cộng đồng tham gia du lịch và cộng đồng chưa tham gia du lịch. Chúng ta cần làm đúng quy chuẩn của lựa chọn điểm phát triển du lịch cộng đồng và căn cứ vào giá trị văn hóa, giá trị cảnh quan thiên nhiên và cộng đồng con người làm gốc thì du lịch cộng đồng mới phát triển bền vững và thu hút được du khách, tạo công ăn việc làm cũng như phát triển sinh kế bền vững.

Vườn cam - một trong những địa điểm mới ở Sơn La thu hút du khách

Vườn cam - một trong những địa điểm mới ở Sơn La thu hút du khách

Ông Phạm Hải Quỳnh cho biết thêm, nhìn từ Nà Sự có thể thấy, một số vấn đề đặt ra đối với tăng cường sự tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp tư nhân trong phát triển du lịch cộng đồng hiện nay. Đó là, bên cạnh những thành công của rất nhiều mô hình kể trên thì chúng ta cũng gặp rất nhiều những mô hình chưa đạt chuẩn, những làng do thương mại hóa làm mất đi giá trị văn hóa bản địa. Trong đó phải kể tới những hiện trạng như phát triển du lịch cộng đồng tự phát; Chưa thật sự hiểu về du lịch cộng đồng; Phát triển du lịch cộng đồng theo phong trào; Học hỏi nhưng không biết phân tích và áp dụng tại địa phương; Hiểu lầm giữa phát triển homestay là phát triển du lịch cộng đồng; Phát triển du lịch cộng đồng không có sự nghiên cứu, phân tích và lựa chọn; Chính những vấn đề nêu trên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam chúng ta.

Vậy chúng ta cần làm gì? Làm thế nào cho sự phát triển du lịch cộng đồng bền vững? Làm thế nào để bà con bớt vất vả trên vùng đất tiềm năng du lịch? Đó chính là đưa cộng đồng tham gia làm du lịch một cách chuyên nghiệp nhất. Nói thì rất dễ nhưng thực hiện không hề đơn giản, để làm được việc này cần tuân thủ những nguyên tắc lựa chọn cơ bản trước khi tiến hành phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương đó. Trong đó, có những nguyên tắc bắt buộc khi phát triển du lịch cộng đồng: Nghiên cứu đánh giá; Khảo sát cộng đồng tại địa phương; Khảo sát sinh kế hiện tại của địa phương; Khảo sát giá trị văn hóa bản địa; Khảo sát cảnh quan thiên nhiên; Khảo sát giao thông, tiện ích công cộng.

Đánh giá tổng quan, cần nhìn nhận các giá trị khảo sát để phân tích điểm đến một cách khách quan từ đó đưa ra phương án cụ thể với cộng đồng địa phương trước khi đi đến quyết định lựa chọn hay không lựa chọn: Tiềm năng du lịch độc đáo khác biệt; Tiềm năng du lịch tự nhiên; Tiềm năng du lịch văn hóa; Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất du lịch hiện tại; Khả năng tiếp cận và kết nối tuyến; Thị trường du lịch tiềm năng; Các hoạt động và dịch vụ du lịch khả thi; Các chương trình tour du lịch khả thi.

Tổng quan từ khảo sát chi tiết từng hạng mục để có kết luận, kiến nghị cũng như kế hoạch cụ thể để đưa cộng đồng tham gia phát triển du lịch. Từ đó đưa cộng đồng tham gia làm du lịch, phân định rõ ràng quyền lợi, lợi ích và trách nhiệm của từng người, từng hộ tham gia trong xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng địa phương. Liên kết, kết nối với các đơn vị du lịch để từng bước đưa sản phẩm du lịch của từng điểm đến, đến với du khách. Trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng, một phần việc không thể thiếu, đó là đào tạo nguồn nhân lực tham gia trong du lịch, đặc biệt đào tạo về marketing chủ động. Phần tiếp cận khách hàng là phần chia sẻ những giá trị, những sản phẩm đặc trưng, những hoạt động nổi bật của từng bản làng hàng ngày, hàng giờ nên việc phát triển mạnh marketing chủ động song hành với việc hoàn thiện sản phẩm tại nơi đây sẽ là chìa khóa đầu tiên cho sự thay đổi tiếp theo của các bản làng du lịch cộng đồng.

Chung tay làm du lịch cộng đồng ở bản Nà Sự

Chung tay làm du lịch cộng đồng ở bản Nà Sự

Năng lực khai thác thế nào cho hiệu quả?

Tây Bắc với thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng, từ lâu đã trở thành một điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Nhắc đến Tây Bắc, không thể không nhắc đến đỉnh Fansipan được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương, bây giờ, dù cho việc đi lại đã bớt nhiều khó khăn vì có sự hỗ trợ của cáp treo, nhưng ước mơ chinh phục nóc nhà Đông Dương, ước được một lần chạm tay vào đỉnh cao, được đứng ngắm mây bay trên đỉnh Fansipan vẫn được nhiều du khách ấp ủ. Tây Bắc còn ôm trong lòng một Sa Pa trong sương; Ruộng bậc thang Mù Căng Chải nổi tiếng; Hồ Pá Khoang giữa bốn bề núi non hùng vĩ; rừng Mường Phăng là một trong những khu bảo tồn tự nhiên với nhiều loại động thực vật quý hiếm; Thung lũng Mai Châu bình yên thăm thẳm xanh; Cao nguyên Mộc Châu tràn đầy sức sống….

Cùng với cảnh quan thiên nhiên vừa hoang sơ vừa tươi đẹp, sắc màu văn hóa của các dân tộc Tây Bắc cũng là một trong những tài nguyên vô giá. Tây Bắc là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như Tày, Nùng, Thái, Mường, Mông, Dao, Kinh, Hoa, Khơ Mú, Lào, Lự, Hà Nhì, Kháng, La Hủ, Si La, Phù Lá, Bố Y, Mảng, Giáy, Xơ Đăng, Lô Lô, Pà Thẻn, Phù Lá, Cờ Lao, La Chí… Nhiều dân tộc còn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống của mình trong phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, nhạc cụ, các điệu dân ca, dân vũ như lễ hội Lồng Tồng, chợ tình Khâu Vai, múa sạp, múa xòe, hát then, nhạc cụ Pí cặp, pí sên, khèn môi… Ẩm thực Tây Bắc mang những nét đặc trưng, khác biệt hẳn so với các vùng khác với gà mọ, cá suối nướng úp, nộm da trâu, thịt trâu gác bếp, thắng cố…

Tây Bắc còn ẩn chứa cả một hệ giá trị lịch sử như: Quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ với những chiến công hiển hách “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; Khu di tích lịch sử Mường Phăng nơi đặt Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ; Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Căng và Đồn Nghĩa Lộ - nơi đã diễn ra những trận chiến đấu ác liệt và chiến thắng năm 1952 giải phóng Nghĩa Lộ; Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La - nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ… Dù Tây Bắc giàu có là thế, tuy nhiên, việc khai thác, đầu tư du lịch thế nào và khai thác đầu tư đến đâu vẫn còn là câu hỏi lớn.

Ông Nguyễn Tuấn Linh, Giám đốc MrLinh Adventures cho biết, với góc nhìn của một doanh nghiệp du lịch thì hiện tại du lịch Sơn La hay rộng hơn là Tây Bắc mới chỉ tiếp cận được khoảng 30-40% khách du lịch nội địa và khoảng 10% khách quốc tế mà thôi.

Giám đốc Nguyễn Văn Tài của Vietsense Travel đưa ra quan điểm, du lịch cộng đồng hay du lịch nông nghiệp thì rất nhiều tỉnh có tiềm năng, chứ không phải riêng gì Tây Bắc hay Sơn La. Ở đâu trên dải đất hình chữ S cũng có thể làm, vấn đề ở chỗ có năng lực khai thác hiệu quả hay không? CEO của Vietsense Travel khẳng định, cần phải có một chiến lược bài bản, nguồn lực đầu tư và nhân lực có nghề. Quan trọng hơn hết là quyết tâm của lãnh đạo các cấp và sự đồng lòng đoàn kết của người dân mới làm được.

Ông Nguyễn Văn Tài kể thêm, khách của Vietsense Travel mỗi lần đi tour Tây Bắc mua cả tải rau, hàng yến thịt lợn, trâu… vì lương thực, thực phẩm ở đây sạch, rẻ và ngon. Đó là sản phẩm nông nghiệp chứ còn là gì? Ngoài việc ra điểm hút khách “check in” thì những đồi chè, rồi thì đào, lê, mận cũng là nơi giới thiệu các sản phẩm, kinh doanh buôn bán rất tốt… Cũng phải tính đến vấn đề là đầu tư xây dựng bao nhiêu và sản phẩm du lịch cũng phải rõ ràng và đặc trưng hơn chứ không phải tự phát đón khách như hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Tài cũng bày tỏ mong muốn, Tây Bắc cần phải tiếp tục giữ được bản sắc riêng biệt, bảo tồn thiên nhiên, địa hình, văn hoá và sản vật. Cùng với đó là xây dựng thương hiệu điểm đến của sự an toàn, thân thiện và thỏa mãn. Làm sao để Tây Bắc không chỉ là điểm đến của khách tham quan mà còn là điểm đến của nhà đầu tư và người làm du lịch.

Với góc nhìn của một người từng có nhiều năm kinh nghiệm hỗ trợ cộng đồng xây dựng các khu du lịch đạt chuẩn, ông Phạm Hải Quỳnh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch cộng đồng Việt Nam đánh giá, giá trị thực tế khai thác du lịch của Tây Bắc mới chỉ chiếm một phần rất nhỏ trên những giá trị cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc, giá trị khác biệt của mỗi một vùng đất, giá trị lịch sử qua bao mốc thời gian. Ông Phạm Hải Quỳnh hy vọng, thời gian tới, Tây Bắc lựa chọn cho mình một hướng đi bền vững, giữ được văn hóa bản địa, không bê tông hóa quá nhiều, phát triển tốt du lịch xanh và bền vững.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang: Hà Nội cam kết luôn đồng hành cùng các tỉnh, thành phố để cùng phát triển du lịch

- Phóng viên: Thưa bà, bà đánh giá như nào về tiềm năng phát triển chuỗi liên kết sản phẩm du lịch Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc?

- Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang: Tây Bắc là một vùng đất giàu tiềm năng phát triển du lịch với nhiều giá trị tài nguyên nổi bật như thiên nhiên hùng vĩ, địa hình địa chất độc đáo, văn hóa dân tộc thiểu số đặc sắc, các giá trị truyền thống lâu đời và quần thể di tích lịch sử cách mạng quan trọng. Dựa vào những lợi thế đó, du lịch Tây Bắc trong những năm vừa qua đã có bước phát triển đáng kể, tạo dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng, có thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam như du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa dân tộc thiểu số, du lịch sinh thái.

Đặc biệt sau 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các tỉnh Tây Bắc đã rất nhạy bén, năng động, sáng tạo đưa ra các sản phẩm du lịch mới độc đáo phục vụ du khách như Festival dù lượn tại Yên Bái, sản phẩm trải nghiệm cầu kính Bạch Long - Cầu kính đi bộ dài nhất thế giới vào Sách Kỷ lục Guinness tại Mộc Châu cùng hàng loạt các khu homestay độc đáo, các khu nghỉ dưỡng đặc sắc tại các điểm du lịch nổi tiếng đi vào hoạt động như tại Bắc Yên, Mù Cang Chải… Đây đều là những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, trong đó khách du lịch đến từ Hà Nội chiếm tỉ trọng khá lớn.

Bản chất du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng cao, thời gian qua, sự liên kết đã tạo hiệu ứng hai chiều, đưa đón, trao đổi khách giữa Hà Nội với Sơn La và các tỉnh Tây Bắc có hiệu quả rất tích cực. Do vậy, chắc chắn dư địa và tiềm năng phát triển chuỗi liên kết sản phẩm du lịch Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc còn rất lớn, đặc biệt, thời gian sắp tới, khi khách quốc tế vào Việt Nam tăng trưởng và ổn định trở lại, chắc chắn du lịch Tây Bắc sẽ có rất nhiều khởi sắc trong tương lai.

- Thời gian qua, Hà Nội với vai trò là Thủ đô đã có nhiều hoạt động kết hợp quảng bá sản phẩm du lịch, quảng bá điểm đến với nhiều tỉnh, thành phố thuộc vùng Tây Bắc như Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái… Theo bà, việc quảng bá đó đã có những thành công bước đầu như nào và trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục bắt tay vào những đầu việc gì?

- Có thể nói, những năm gần đây, Thủ đô Hà Nội luôn là một trung tâm quảng bá, lan tỏa hình ảnh con người, văn hóa, du lịch hiệu quả được các tỉnh Tây Bắc lựa chọn để trình diễn. Có thể nhắc đến các hoạt động sự kiện thường kỳ đặc sắc như lễ hội Sắc màu Sơn La - Tây Bắc, Tuần văn hóa du lịch Lai Châu tại Hà Nội… thu hút một lượng lớn khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm. Đây là cơ hội tốt để các tỉnh Tây Bắc giới thiệu quảng bá du lịch đặc sắc của địa phương mình đến với nhân dân, du khách trong và ngoài nước. Các sự kiện quảng bá được tổ chức tại Hà Nội đã tạo nên những hiệu ứng truyền thông rất tốt, qua đó định vị được giá trị khác biệt của du lịch Tây Bắc trên bản đồ du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, các địa phương cũng tổ chức rất nhiều chương trình Hội nghị liên kết phát triển du lịch, các buổi tọa đàm nâng cao hiệu quả kết nối phát triển du lịch Hà Nội và các địa phương, qua đó tạo ra sự gắn kết, trao đổi khách hai chiều giữa Hà Nội và các tỉnh.

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ giải pháp cơ bản nhằm tằng cường tính kết nối, tăng cường hỗ trợ các tỉnh Tây Bắc trong phát triển du lịch như: Tiếp tục hỗ trợ trong công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, xúc tiến du lịch cho các tỉnh Tây Bắc trên các phương tiện như: trên kênh CNN, các chương trình của đài truyền hình Việt Nam, phối hợp quảng bá tại các sự kiện, hội chợ du lịch trong nước và quốc tế. Tăng cường sự gắn kết giữa cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch của Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc từ đó có sự giao lưu, học tập kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phát triển bền vững. Tăng cường hơn nữa sự kết nối giữa các doanh nghiệp du lịch Hà Nội với doanh nghiệp du lịch các tỉnh Tây Bắc nhằm chuyên nghiệp hóa, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch từ đó tạo ra chuỗi giá trị của các sản phẩm du lịch đáp ứng tối đa nhu cầu của du khách. Bên cạnh đó, còn tạo ra sự thu hút, hấp dẫn và tăng trưởng khách du lịch từ Hà Nội và các vùng phụ cận đến với du lịch Tây Bắc.

- Hà Nội hiện đang đóng vai trò quan trọng gì cho sự phát triển của du lịch của Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc nói riêng và các tỉnh phía Bắc nói chung.

- Thứ nhất là vai trò trung chuyển đưa đón khách. Hà Nội là Thủ đô, trung tâm du lịch lớn nhất của miền Bắc luôn là nguồn cung cấp khách du lịch lớn đến với các tỉnh Tây Bắc, đặc biệt với việc sở hữu cảng hàng không quốc tế Nội Bài và hệ thống giao thông thuận lợi, Hà Nội còn là một trung tâm trung chuyển, phân phối khách du lịch đến các địa phương trong cả nước, và đến khu vực phía Bắc, trong đó có các tỉnh Tây Bắc.

Thứ hai là vai trò kết nối - liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp. Ngay trong giai đoạn dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ngày 17-12-2021, UBND TP Hà Nội đã chủ trì tổ chức Hội nghị kết nối du lịch giữa Hà Nội và các địa phương với chủ đề “Thiết lập hành lang du lịch an toàn Hà Nội và các địa phương”. Tại Hội nghị, TP Hà Nội đã ký kết biên bản hợp tác phát triển du lịch giữa của 12 địa phương, gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang và Hà Nội với vai trò Thủ đô, là trung tâm du lịch lớn của cả nước đã đưa ra rất nhiều ý tưởng, nội dung, giải pháp mới nhằm từng bước khôi phục sự phát triển du lịch trong tình hình mới trong đó có “bong bóng du lịch” và “hàng lang du lịch an toàn”.

Đồng thời, Sở du lịch Hà Nội chủ trì và phối hợp với các hội, câu lạc bộ du lịch tổ chức đưa, đón các đoàn Famtrip khảo sát các sản phẩm, dịch vụ của Hà Nội, cũng như của các tỉnh thành trong cả nước nói chung (trong đó có Sơn La và các tỉnh Tây Bắc) nhằm xây dựng những sản phẩm, tour, tuyến liên kết phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách Hà Nội và các địa phương.

Thứ ba, vai trò quảng bá, xúc tiến hình ảnh điểm đến, đến nay, khi dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, TP Hà Nội tiếp tục thực hiện vai trò là trung tâm quảng bá, xúc tiến điểm đến du lịch. Thời gian qua, Hà Nội tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội mới lạ, đặc sắc như Chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2022” với chủ đề “Get on Hanoi 2022”, Lễ hội Du lịch Hà Nội 2022, Lễ hội Ẩm thực và Du lịch làng nghề Hà Nội năm 2022, đăng cai chính tổ chức SEA Games 31, Lễ hội Áo dài du lịch…; mặt khác, Hà Nội cũng hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch tại Hà Nội như: Cần Thơ, Bình Định, Ninh Thuận, Sơn La, Lai Châu, Hà Giang… Đây chính là những hoạt động chất lượng nhằm hỗ trợ quảng bá hình ảnh điểm đến của các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung, cũng như của du lịch Tây Bắc nói riêng đến với nhân dân, du khách trong và ngoài nước.

Hà Nội cam kết luôn đồng hành cùng các tỉnh, thành phố để cùng phát triển du lịch, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành Du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

- Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!