Những chiêu lừa của kẻ giả danh chuyên nghiệp

(ANTĐ) - Luôn diện quân phục công an, bộ đội tinh tươm; liên tục khoe về vị trí công việc và những mối quan hệ với các VIP, đưa ngay thẻ chứng minh ngành dù là việc cá nhân, từ đó nhận “chạy”, nhận “giúp” tìm việc làm, chuyển công tác...
Giấy tờ giả, đối tượng và tang vật liên quan đến những vụ án lừa đảo giả danh cán bộ vũ trang
Giấy tờ giả, đối tượng và tang vật liên quan đến những vụ án lừa đảo giả danh cán bộ vũ trang

Đánh vào tâm lý người dân

Cho đến khi được CQĐT CATP Hà Nội mời đến đối chất hồi trung tuần tháng 3 vừa rồi, nhiều bị hại vẫn không tin gã thanh niên 31 tuổi, Nguyễn Văn Hào, quê quán Hiệp Hòa, Bắc Giang, lại là kẻ lừa đảo. Những lần gặp họ, Hào luôn mặc bộ quân phục thiếu tá quân đội tươm tất, ăn nói nhẹ nhàng. Thế nhưng, vẻ ngoài ấy trái ngược hoàn toàn với bản chất gian manh của y. Từng thụ án 30 tháng tù giam về tội giả mạo giấy chứng nhận của cơ quan, tổ chức Nhà nước và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sau khi ra tù, Hào sống lang thang ở Hà Nội, tiếp tục gây án.

Với người này, Hào giới thiệu là thiếu tá - giảng viên một trường khối quân đội và nhận “giúp” xin vào trường với chi phí 35 triệu đồng. Với người kia, vị “thiếu tá” ấy xưng tên Trần Tấn Nguyện, khoe có mối quan hệ có thể “xin” một suất đỗ vào Học viện Ngoại giao với chi phí 15 triệu đồng… Cứ thế từ tháng 3-2010 đến tháng 3-2011, “Thiếu tá” Nguyễn Văn Hào đã thực hiện 3 phi vụ lừa đảo, chiếm đoạt số tiền, tài sản lên đến hàng trăm triệu đồng. Điều tra viên thụ lý vụ án kể: “Cái “tài” của Nguyễn Văn Hào là không bị hại nào nghi ngờ đi tìm hiểu cơ quan, đơn vị của y ở đâu. Tất cả bị ngợp bởi bộ sắc phục thiếu tá quân đội…”.

Trong số những vụ đối tượng lừa đảo giả danh cán bộ vũ trang bị phát hiện thời gian gần đây, bi hài nhất là trường hợp Nguyễn Vũ Cường (SN 1987), quê Lý Nhân, Hà Nam. Cường vốn là lao động thời vụ ở Hà Nội và thích đọc sách báo về các vụ án hình sự. Chính vì vậy, y có thể thao thao bất tuyệt hàng giờ về “nghiệp vụ công an”. Thời gian này, y có tình cảm với chị Lệ, một giáo viên người đồng hương. Cường nảy sinh suy nghĩ, nếu “diện” bộ sắc phục công an về quê chắc chắn sẽ dễ “cưa” chị Lệ hơn. Quần áo chưa đủ, Cường còn đi “đặt” làm giả một giấy chứng minh là cán bộ trường Trung học CSND I và một Giấy khen với nội dung "Tặng cho Nguyễn Vũ Cường - Khoa Nghiệp vụ CSHS trường Trung học CSND I".

“Kịch bản” lừa của Nguyễn Vũ Cường đã thành công mỹ mãn. Cường “cưa đổ” và cưới được chị Lệ. Tuy nhiên đến khi chị Lệ sinh con và dọn ra Hà Nội sống cùng Cường thì sự việc vỡ lở. “Chồng mình là công an sao chẳng thấy đi làm, chỉ suốt ngày… vác ống nước ra khỏi nhà”, cô giáo trẻ băn khoăn. Thế rồi trong một lần vợ chồng mâu thuẫn, Cường đã nhờ một người bạn bế con. Chị Lệ lo sợ con bị bắt cóc nên đã đến CAP Tương Mai, quận Hoàng Mai trình báo. Quá trình truy xét, cơ quan công an xác định vai trò của Cường trong việc cháu bé bị đưa ra khỏi nhà. Nhưng với chị Lệ, điều đau đớn hơn là ông chồng mình là “công an” rởm…

Từ lừa đảo đến cưỡng đoạt tài sản

Ngoài hiện tượng giả danh cán bộ vũ trang để thực hiện hành vi lừa đảo, một thủ đoạn khá phổ biến của loại tội phạm này là cưỡng đoạt, thậm chí cướp tài sản của người dân. Để tiến hành thủ đoạn này, đối tượng lúc “đóng vai” CSHS, có khi là CSGT, CSCĐ, hay công an xã. Loại đối tượng này thường hoạt động vào buổi tối, trên các tuyến đường ven đô hoặc ngoại thành. Chúng lợi dụng tâm lý “ngại” va chạm với pháp luật của người bị hại, chỉ muốn “xin xỏ” giải quyết nhanh, từ đó chiếm đoạt tiền của họ. Chỉ huy Trung đoàn CSCĐ dẫn chứng với chúng tôi về vụ việc mà Đại đội 4 của Trung đoàn phát hiện, xử lý mới đây.

Trong khi làm nhiệm vụ, tổ tuần tra của Đại đội 4 đã phát hiện 2 đối tượng mặc sắc phục CSCĐ đang chặn giữ nhằm “vòi” tiền người vi phạm giao thông. Khi đề nghị 2 “CSCĐ” này xuất trình giấy tờ, chúng định ù té chạy. Xác minh, lực lượng công an làm rõ “2 anh công an” đó là 2 học sinh cấp 3. Trước khi bị tóm, 2 đứa đã kịp chặn một đôi nam nữ, lấy của họ 150.000 đồng.

“Chúng cháu thấy CSCĐ "oai" nên đã bàn nhau ra phố Lê Duẩn mua 2 bộ quần áo giống của CSCĐ, buổi tối mặc vào đi kiếm tiền để chơi internet”, lời khai “vô tư” của một trong hai đối tượng bị giữ tại cơ quan công an.

“Trò lừa bằng cách giả danh cán bộ vũ trang chỉ áp dụng được với những trường hợp bị hại nhận thức kém về pháp luật”, một điều tra viên Phòng CSHS - Công an Hà Nội đúc kết điều này. Ái ngại rằng, số bị hại nhận thức kém ấy chưa có dấu hiệu giảm. Còn tội phạm, mỗi kịch bản lừa được chúng thực hiện với những thủ đoạn ngày càng tinh vi.

“Người dân có quyền được xem giấy tờ của lực lượng làm nhiệm vụ”

Thượng tá Lã Ngọc Tỉnh - Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội cho biết như vậy, khi trao đổi với chúng tôi về hiện tượng các đối tượng giả danh công an, bộ đội để lừa đảo.

“Lực lượng công an nói riêng khi làm nhiệm vụ đều xây dựng những kế hoạch và làm việc theo nguyên tắc được pháp luật quy định, đều tuân thủ đúng điều lệnh CAND. Cán bộ đi làm nhiệm vụ, trừ trường hợp đi trinh sát, phải mặc sắc phục và luôn có thẻ CAND. Vì vậy, nếu trường hợp cảm thấy nghi ngờ, người dân có quyền đề nghị cán bộ làm việc với mình cho xem thẻ hoặc chứng minh”, Thượng tá Lã Ngọc Tỉnh nói.