- Các kỹ sư thâu đêm "khám bệnh" cầu Chương Dương, chuẩn bị phương án sửa chữa tổng thể
- Kỹ sư xây trường trên những cung đường mây trắng, gieo nụ cười trẻ thơ
1. Tôi may mắn được kỹ sư cầu đường Đào Văn Quang đích thân đưa đi qua những cây cầu, đoạn đường quan trọng của Hà Nội, Hải Phòng... nói về năm tháng dầu dãi công trường mà anh tham gia thiết kế, thi công. Với kỹ sư Đào Văn Quang, anh đã thuộc câu: “Phu đường vất vả lắm ai ơi!” trích từ Trúc lộ phu - bài thơ thất ngôn tứ tuyệt chữ Hán trong tập “Nhật ký trong tù” (1942 - 1943) của Hồ Chí Minh từ gần 40 năm trước, khi còn là học sinh lớp 10 trường cấp III Đống Đa say sưa đọc. Sinh ra (1971) và lớn lên tại phố Hàng Bột, sau đổi thành Tôn Đức Thắng, Đào Văn Quang là con út trong gia đình 3 anh em trai.
|
Kỹ sư Đào Văn Quang tại lễ thông xe đường Vành đai 3 giai đoạn 2, Mai Dịch - Bắc Linh Đàm, tại điểm nút Phạm Hùng - Trần Duy Hưng |
Hết cấp III, mùa đông 1988, Quang 17 tuổi tranh thủ buôn xe máy dịp hè để phụ tiền giúp gia đình. Anh phải phóng xe từ Hà Nội lên cửa khẩu Phục Hòa, Tà Lùng (Cao Bằng), bán cho mối mang qua biên giới. Nhiều đoạn đường đá hộc, chân xoải ống đồng chống làm phanh, một bên là vực mà sảy chân là nguy cơ lao xuống, Quang vẫn dừng để ngắm bạt ngàn lau trắng và nung nấu học để trở thành kỹ sư cầu đường, làm những con đường cho nơi cần có. Với anh, cầu đường tốt, tiện ích không chỉ là hạ tầng vật chất phục vụ dân sinh, tốc độ chuyển vận mà chính là con đường của thay đổi, của kết nối tới tiến bộ, văn minh và phá đi những khoảng cách.
2. Kỹ sư cầu đường Đào Văn Quang đã tham gia thiết kế, thi công cầu Vĩnh Tuy, Phù Đổng, Đông Trù (Hà Nội); cầu Lạch Tray, cầu Thanh An (Hải Phòng) - đồng Giám đốc Đường Vành đai 3 cho Hà Nội (từ Bắc Linh Đàm đến Mai Dịch), đường cao tốc Hà Nội (từ Cổ Linh quận Long Biên) đến Cảng Đình Vũ, Hải Phòng; Trợ lý kỹ sư cầu - đường Hồ Chí Minh; Tư vấn thiết kế nút giao ngã ba Huế từ Đà Nẵng; Tư vấn giám sát cầu Cần Thơ.
Kỹ sư Đào Văn Quang có những đóng góp mang dấu ấn và tình cảm sâu sắc của người tâm huyết cho sự nghiệp cầu đường. Về thơ, kỹ sư Quang sáng tác âm thầm từ khi là sinh viên trường Đại học Xây dựng nhưng cuốn theo nhiều công trình lớn nên không liên tục viết. Kỹ sư khai triển thi mạch trở lại và đều đặn công bố từ mùa thu 2024. Tôi đã đọc kỹ, bất ngờ về một cây bút tay ngang mà tư duy hình ảnh - ngôn ngữ không khác thi sĩ chuyên nghiệp. Liên tài và yêu thi ca, yêu Hà Nội, tôi đã biên tập và gửi một số báo, giới thiệu tác phẩm của kỹ sư Quang.
Tham gia thiết kế, giám sát thi công 2 cầu bắc qua sông Đuống, đều bê tông cốt thép dự ứng lực, khi đi qua Đông Trù vận hành được 19 năm (từ 12-2024), kỹ sư Quang cho biết: Cầu Đông Trù vòm thép nhồi bê tông của Trung Quốc, có kỹ sư phía bạn chuyển giao công nghệ thiết kế - thi công; vốn trong nước. Cầu Phù Đổng - công nghệ đúc hẫng bê tông cốt thép - dự ứng lực trong; vốn vay Jica (Nhật Bản), có kỹ sư của Nhật Bản tham gia. Kỹ sư Đào Văn Quang đã đến mở đường cho nơi chưa có đường, mở cửa lán thấy rắn rơi trước mặt. Anh được giao các công trình lớn từ thời thanh niên đến tuổi 40 vẫn xông pha. Nể phục thế hệ mở đường Trường Sơn huyền thoại, anh đã xung phong tham gia dự án làm đường Hồ Chí Minh. Kỹ sư Đào Văn Quang tham gia vai trò tư vấn giám sát cung đường từ ngã ba Láng - Hòa Lạc đến cầu Quảng Công (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa).
Chúng tôi làm “một vòng Hà Nội” từ cầu Đông Trù, Phù Đổng qua cầu Thanh Trì lên Vành đai 3. Trong tiết Chạp trưa nắng hửng, kỹ sư Quang nhớ lại giai đoạn thi công gấp rút hơn 12 năm trước, đúng 1 giáp, kịp thông xe trước Tết Quý Tỵ năm 2013. Dự án Vành đai 3 khánh thành ngày 21-12-2012, nhanh hơn kế hoạch được 15 tháng. Để đạt được chiến công này, nghìn con người đã vượt qua bao thử thách không chỉ nắng mưa ồn bụi nguy hiểm mà gồm việc xa gia đình các dịp lễ trong năm và cả Tết.
Chạy xe trên tuyến Vành đai 3, kỹ sư Quang chỉ từng trụ cầu và kể: “Công nhân dựng lán ngay gầm cầu ấy. Khu lán mái tôn, có ván nằm, có bàn, có khu vệ sinh, có bếp, có đầu bếp. Đoạn Vành đai 3 Mai Dịch - Linh Đàm thi công trước Tết 2013, tôi đồng Giám đốc, là kỹ sư tư vấn giám sát cùng Ban quản lý, thăm hỏi công nhân, kỹ sư làm xuyên Tết. Họ được sắm mứt Tết, rượu, bánh chưng, cành đào, tặng bao lì xì”. Tay lái cự phách kể về thời thanh xuân nhiệt huyết khi đi trên Vành đai 3 tính từ Linh Đàm đến cầu Dậu. Đoạn nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến xây dựng chủ chốt bằng “super T” (dầm hình chữ T).
Trụ đơn là trụ chữ T, xà mũ dự ứng lực. Loại dầm T này làm cả đường giao thông mặt đất lẫn giai đoạn 1 và 2 trên cao. “Ramp” - đường nhánh dẫn lên/xuống cầu. Cây vẩy ốc được dự tính sẽ phủ xanh trụ cầu, song đến nay vẫn không được phủ. Những tấm chắn sáng chắn đèn pha làn đối diện. Theo kỹ sư Quang, luận án cầu lắp ghép của anh được ứng dụng nhiều, khả thi vì thi công nhanh, giảm chi phí do lắp ghép các kết cấu thép nhưng tỷ lệ cầu, công trình bê tông của Thủ đô cao.
|
Kỹ sư Đào Văn Quang cùng đoàn chuyên gia Jica (Nhật Bản) khảo sát tuyến Vành đai 3, ngày 13-1-2012 |
Mỗi dự án xây dựng có thể làm thành phố hiện đại đồ sộ hơn nhưng lại lấy đi nhiều cây xanh, những khoảng nên thơ mà màu xanh là tiêu chí đáng giá đô thị văn minh thời sống xanh vì Trái đất xanh trong mục tiêu phát triển bền vững. Kỹ sư Quang nói về các tuyến: Vành đai 1: Đại học Giao thông vận tải - Công viên Thống Nhất - Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân. Vành đai 2: Nhật Tân - Cầu Giấy - Ngã Tư Sở - Vĩnh Tuy.... Tham gia thiết kế, giám sát thi công Quốc lộ 10 từ Vĩnh Bảo (Hải Phòng) tới phà Tân Đệ (Thái Bình), cầu Thanh An, cầu Lạch Tray nơi thành phố Cảng, song kỹ sư Quang một lòng đau đáu với các công trình cầu - đường Hà Nội.
3. Tôi may mắn sinh trưởng trong đại gia đình trí thức nghệ sĩ và hoạt động chuyên nghiệp đủ lâu để nhận ra: Làm nghệ thuật vất vả còn được công chúng biết, nhớ tác phẩm - tác giả khi đang sống và sau khi mất, thậm chí sau nhiều năm tác giả qua đời. Nhưng một số ngành nghề xứng đáng được tôn vinh thì lại thua thiệt, thậm chí người sử dụng không cần biết ai làm nên nó. Có bao công dân Thủ đô biết kỹ sư của các cây cầu?
Kỹ sư Quang chạnh lòng khi âm nhạc về ngành cầu đường thật ít ỏi. 50 năm ròng chỉ có: “Nhịp cầu nối những bờ vui” (thơ Phan Văn Từ, nhạc Văn An, từ năm 1974), xa hơn là “Ánh đèn sáng trên cầu Việt Trì” (Hoàng Hà, 1955) và thời đương đại chỉ có nhạc sĩ Trần Tiến phổ thơ của một cựu sinh viên Đại học Xây dựng, kỹ sư sinh năm 1947 cùng tuổi nhạc sĩ, “Chị tôi” viết về chuyện thật của chị mình, khi cầu Đông xây ở Trường Yên (Hoa Lư, Ninh Bình) đầy trách móc: “Cầu xây xong đã lâu không thấy người về đưa dâu”...
Hiểu được tình yêu nghệ thuật và nỗi chạnh lòng của kỹ sư Quang, tôi mời kỹ sư dự một số chương trình nghệ thuật. Bên lề sự kiện, tôi đều giới thiệu kỹ sư Đào Văn Quang với các nghệ sĩ, nhắc đến các công trình mà anh đóng góp. Chiều muộn 8-12-2024, sau buổi hòa nhạc ngoài trời (số mùa Đông) tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, kỹ sư Quang gặp lại Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng và giao lưu một số nghệ sĩ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Thật bất ngờ khi kỹ sư Quang nhận được niềm vui. Dù ít người biết tác giả thiết kế, thi công nhưng anh đã không bị quên lãng. Nghệ sĩ trống Phan Nam (sinh năm 1967, thành viên Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam). Hàng ngày đi dạy học sang quận Long Biên, anh Nam đều đi qua cầu Vĩnh Tuy và tỏ vui mừng khi gặp và chụp ảnh kỷ niệm với kỹ sư cầu Vĩnh Tuy...
Say mê nghiệp cầu đường, kỹ sư Quang khát vọng Việt Nam sẽ có những cây cầu đẹp, trường tồn với thời gian. Kỹ sư Đào Văn Quang và đồng nghiệp, cộng sự chân chính của anh đã dâng hiến thanh xuân cho những công trình quốc gia, không chỉ là hành dụng nghề kỹ sư được đào tạo, mà có lý tưởng sống. Lửa nghề vẫn cháy trong anh mỗi khi đi qua các công trường đang thi công cầu đường, khi đưa các chuyên gia trong nước và quốc tế đi khắp các tỉnh phía Bắc, nhất là miền núi dịp cuối năm, kiểm tra các cây cầu.