Những câu chuyện cổ tích tình yêu cho ngày 8-3

ANTĐ - Người 30 năm, người 40 năm sống chăm sóc chồng bị liệt hoàn toàn vì vết thương chiến tranh. Tình yêu của họ trải qua sự khốc liệt của chiến tranh, sự vất vả của cuộc sống thường nhật, vẫn vẹn nguyên như ngày mới yêu. Giờ đây họ đã đều 60-70 tuổi nhưng vẫn ngày đêm bón từng thìa cơm, tắm rửa, thay quần áo, chăm lo bữa ăn giấc  ngủ cho người chồng thương binh nặng. Nơi tụ hội rất nhiều tình yêu, đức hi sinh, lòng kiên nhẫn ấy chính là khu điều dưỡng thương binh nặng Thuận Thành, Bắc Ninh.

1. Một chiều đầu năm, trong cái giá rét tê tái, chúng tôi có mặt tại khu điều dưỡng thương binh nặng. Đến thăm gia đình anh thương binh hạng ¼ Phạm Văn Tư và chị Nguyễn Thị Thanh Phương, anh đang ngồi sửa đồ điện tử cho khách, còn chị nấu cơm dưới bếp. Anh Tư năm nay đã 60 tuổi bị liệt cả hai chân do vướng mìn ở chiến trường Tây Nam. Năm 1980 anh được chuyển về Trung tâm Thuận Thành. Chị Phương khi đó là hộ lý được cử chăm sóc anh. Tình yêu giữa hai người nảy nở, họ quyết tâm đến với nhau dù bị gia đình chị Phương phản đối quyết liệt. Để thuyết phục gia đình, anh Tư một mình đẩy xe lăn 40km từ Thuận Thành về Khoái Châu, Hưng Yên. Chị đạp xe theo sau. Đi nửa ngày đường mới về đến nhà người yêu.

Cảm động trước tình yêu của anh chị, bố mẹ chị Phương đã đồng ý dẫu biết rằng con gái sẽ vất vả khi chồng bị liệt cả hai chân. Lấy nhau, sinh con trong những năm tháng khó khăn, anh thì ngồi một chỗ, chỉ có chị chạy đi chạy lại, vừa chăm chồng vừa chăm con không tránh khỏi muôn vàn gian khổ. Chị đổi đủ nghề, nuôi lợn, rồi nuôi gà cũng không mang lại kết quả. Anh Tư thương vợ nhưng chẳng biết phải làm thế nào. Nghĩ đến nghề sửa ắc quy học được trong quân ngũ, anh quyết định mua linh kiện ắc quy về sửa, lắp lại rồi đem bán. Mỗi chiều đi làm về, chị Phương đạp xe cả chục km đi mua vỏ ắc quy, axít, cực kẽm... mang về cho chồng. Để có tiền phụ giúp cho vợ nuôi con, anh Tư ngày đêm miệt mài ngồi sửa để kịp tiến độ giao hàng. Nhiều đêm tỉnh giấc, chị vẫn thấy anh ngồi bên đống linh kiện điện tử. Đài, quạt, máy bơm, máy biến thế… cái gì anh cũng sửa được hết. Anh còn dạy nghề cho nhiều đồng đội tại trung tâm. Vì vậy hiện nay dù là thầy của tất cả các học trò tại trung tâm nhưng anh bảo cũng ít việc vì có nhiều người làm. Tiếp nối nghề cha, con trai anh chị đã theo học khoa Điện tử - Cơ khí, Cao đẳng Bách khoa, giờ công tác tại Viettel Bắc Ninh.

Câu chuyện giữa anh thương binh và cô hộ lý không phải chỉ có một ở Trung tâm này. Ban đầu chỉ là chăm sóc như nghĩa vụ của một hộ lý, nhưng rồi tình cảm nảy nở. Vợ chồng ông Nguyễn Văn Yểng và bà Nguyễn Thị Lịch cũng là một chuyện tình như thế. Ông Yểng quê Mỹ Đức (Hà Tây cũ), nhập ngũ năm 1961. Năm 1969, ông bị thương ở chiến trường B3. Qua nhiều lần phẫu thuật ông được đưa về Khu điều dưỡng Thuận Thành, Bắc Ninh từ năm 1976. Tại đây ông gặp  bà Nguyễn Thị Lịch lúc đó đang làm hộ lý. Vượt qua mọi sự ngăn cản của gia đình bà Lịch, hai người vẫn nên duyên vợ chồng.  Hai đứa con, một trai một gái lần lượt ra đời. Cuộc sống khó khăn, bà Lịch phải xoay đủ nghề để nuôi con. Có thời kỳ bà còn đi mua lợn về mổ lợn, để sáng hôm sau ông ngồi xe lăn bán thịt trước cửa khu điều dưỡng còn bà đi làm.

2. Hoàn cảnh của hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Mão và bà Nguyễn Thị Chính cũng là một câu chuyện cổ tích giữa đời thường tại trung tâm này. Ông Nguyễn Văn Mão quê ở Tam Dương, Vĩnh Phúc đi bộ đội từ năm 1967 đến năm 1974 về cưới vợ cùng làng. Khi chưa kịp có con thì năm 1975 ông lại lên đường nhập ngũ và bị thương cột sống, liệt hai chi dưới. Chuyển từ bệnh viện này đến bệnh viện kia, năm 1977, ông về trung tâm này. Từ đó đến nay, bà Nguyễn Thị Chính vẫn một lòng một dạ thủy chung son sắc chăm sóc chồng, dù hai vợ chồng không có được một đứa con nào. Bây giờ ông đã ngoài 70 mọi sinh hoạt đều trên giường đã mấy chục năm, bà cũng đã ngoài 60 nhưng bỏ hết nhà cửa xuống đây chăm sóc chồng. Bà bảo: Hoàn cảnh đã thế rồi. Chồng tôi còn may mắn là trở về được chứ nhiều đồng đội còn nằm tại chiến trường. Vì thế cứ vui vẻ sống để động viên nhau. 

Ghé thăm nhà ông Nguyễn Đức Đạm và bà Nguyễn Thị Nâu, chúng tôi cũng không tránh khỏi cảm giác xót xa và khâm phục. Ông nằm lọt thỏm trên giường vì hai chi dưới đã bị cắt đến tận bẹn, hai tay co quắp không cử động được. Bà Nguyễn Thị Nâu năm nay đã 65 tuổi nhưng trông già trước tuổi, một mình ngày đêm chăm sóc ông. Bà kể: Năm 1970 ông đi bộ đội về thì chúng tôi cưới nhau, lúc đó ông đã bị thương nhưng còn khá khỏe mạnh. Đến năm 1984 vết thương tái phát, ông bị cứng tay, hai chân hoại tử dần và mới đây phải cắt bỏ. Giờ vẫn còn 3-4 mảnh đạn còn găm trong đầu nên ông không nói được, không cử động được. Đến nay đã 10 năm ông sống đời sống thực vật. Ở đây có hộ lý nhưng cũng không thể ngày đêm ở bên cạnh được nên tôi phải bỏ nhà cửa lên đây trông nom ông ấy”. Nói rồi bà lại lấy khăn lau nước mắt: Ông ấy nằm một chỗ, vẫn nghe thấy hết, biết hết nhưng không nói được. Trước đây cứ có khách đến thăm ông ấy lại khóc, nhưng giờ thì không còn khóc nữa. Những hôm trở trời đau nhức khắp nơi, ông ấy không muốn ăn. Lúc ấy tôi bảo, thế ông có thương vợ không, ông ấy không nói được nhưng hiểu, nên lại ăn được một ít. 

3. Một cổ tích tình yêu cảm động không thể không kể đến là vợ chồng ông Hoàng Văn Uyên và bà Trần Thị  Hồng. Bà Hồng sinh ra và lớn lên ở miền quê Hương Sơn, còn ông ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Tuổi trẻ theo tiếng gọi của Tổ quốc, bà lên đường đi thanh niên xung phong, làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn. Hằng ngày bà cùng đồng đội của mình miệt mài làm những đoạn đường bị giặc ném bom tàn phá để xe của bộ đội ta đi qua. Một năm sau khi gia nhập bộ đội trong lúc đang lấp những hố sâu do bom đánh phá trên đường Hồ Chí Minh, bà đã quen biết rồi đem lòng yêu thương một anh công nhân quốc phòng. Người đó chính là ông Uyên  khi đó ông cũng đang làm việc ở con đường này. Nhưng điều không may đã xảy ra, năm 1968, trong một lần địch ném bom ác liệt, cô thanh niên xung phong Trần Thị Hồng đã bị thương nặng ở hai cánh tay. Khi tỉnh dậy bà đã thấy mình nằm trong bệnh viện và hai cánh tay không còn nữa. Bà Hồng kể: “Ngày ấy tôi bi quan lắm chả thiết sống nữa bởi cảm giác mặc cảm nặng nề. Nhưng chính lúc tôi tuyệt vọng nhất thì được ông Uyên động viên, ai ủi. Tôi hiểu ra rằng chiến tranh không ai đoán trước được điều gì sẽ xảy ra với mình...”. 

Đã mấy chục năm trôi qua nhưng câu chuyện tình yêu đẹp lung linh của ông Uyên và bà Hồng vẫn được rất nhiều người dân ở huyện Thuận Thành ca ngợi. Ông bà sống với nhau đến nay đã hơn 40 năm. Vì vợ bị cụt 2 tay nên mọi việc lớn nhỏ trong nhà ông đều thay bà làm hết. Ngay đến việc sinh 2 đứa con, ông cũng là người chăm bẵm, bế ẵm. Về ở với nhau ông Uyên trở thành đôi tay thứ hai của vợ mình. Mọi sinh hoạt của bà đều dưới đôi tay của người chồng. Việc ăn uống hàng ngày của bà Hồng cũng do ông Uyên một tay bón cơm, đưa nước uống. Nhưng chiến tranh cũng đã để lại cho ông Uyên không biết bao nhiêu vết thương về thể xác, giờ đây những hôm trái gió trở trời ông vẫn hay bị đau nhức, mệt mỏi… 

“Những hôm trái gió trở trời ông Uyên mệt không làm được gì thì tôi phải lấy một cái bao da quấn vào tay rồi nhét thìa vào xúc từng thìa cơm. Lúc đầu tự phục vụ mình thế tôi cũng cảm thấy khó khăn nhưng dần rồi thì quen đến bây giờ từ ăn cơm hay đánh răng… thì tôi tự làm được”, bà Hồng vui vẻ nói.

Bao nhiêu năm sống với nhau, ông Uyên cùng bà Hồng đã xây dựng nên một gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Giờ đây cả hai đứa con của ông bà đều đã trưởng thành, một người đang là giáo viên của trường Chuyên Bắc Ninh, một đang là cán bộ của Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bắc Ninh.

Chúng tôi rời Thuận Thành khi trời đã về chiều. Tình yêu của những người thương binh tại đây, đặc biệt là đức hi sinh, tình yêu thương vô hạn của những người phụ nữ, những người vợ thật đáng khâm phục. Cũng là một người phụ nữ bình thường như bao người khác nhưng họ đã chấp nhận cả đời sống với người chồng bị liệt, ngồi trên xe lăn, không có khả năng có con. Nhưng họ đã hi sinh tất cả, vui vẻ chấp nhận để mang lại sự bình yên, sức khỏe và hạnh phúc cho chồng, con, cho gia đình.