Những cấm kỵ khi uống bia vào mùa hè

ANTD.VN - Uống nhiều rượu bia không tốt cho sức khỏe, tuy nhiên trong những ngày nắng nóng kéo dài, nhiều người thích uống bia. Mọi người cần lưu ý những cấm kỵ để tránh ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ.

Vừa uống bia vừa ăn hải sản có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút cấp tính

Tránh uống bia ăn với hải sản

Trong hải sản có chứa hai thành phần là purine và glucoside, còn bia rất giàu vitamin B1, là chất xúc tác quan trọng cho quá trình dị hóa hai thành phần này. Nếu cả hai trộn lẫn với nhau và uống vào, cơ thể con người sẽ xảy ra phản ứng hóa học, làm tăng hàm lượng axit uric trong máu người. Do mất cân bằng nên không thể đào thải ra khỏi cơ thể kịp thời và kết tủa dưới dạng muối natri, từ đó hình thành sỏi đường tiết niệu. Ngoài ra, khi uống rượu với tốc độ nhanh sẽ làm tổn thương đến đường tiêu hóa khiến các bệnh liên quan đến tiêu hóa trầm trọng hơn, khả năng giải rượu của gan sẽ giảm dần theo thời gian, gây tổn thương gan.

Không nên uống bia quá lạnh

Các chuyên gia cho rằng ngay cả bia bảo quản trong tủ lạnh cũng phải được kiểm soát ở nhiệt độ 5-10 độ C. Nếu uống bia nhiệt độ quá thấp, nhiệt độ đường tiêu hóa của người uống sẽ giảm nhanh, lưu lượng máu giảm, chức năng tiêu hóa bị ảnh hưởng. Trường hợp nặng có thể gây ra các bệnh về đường tiêu hóa như đau bụng co thắt, tiêu chảy và có thể gây nhiễm trùng đường ruột ở tá tràng, áp lực trong ống tụy tăng lên và gây viêm tụy cấp.

Không nên uống bia khi đang đổ mồ hôi nhiều

Lỗ chân lông nở ra khi bạn đổ mồ hôi nhiều. Uống bia lạnh sẽ khiến lỗ chân lông tiết mồ hôi co lại do tiếp xúc với lạnh đột ngột, ngừng tiết mồ hôi, cản trở quá trình tản nhiệt của cơ thể, dễ gây cảm lạnh và các bệnh khác. Ngoài ra, sau khi bia đông lạnh, protein và axit tannic trong bia sẽ kết tủa, dễ gây khó chịu ở đường tiêu hóa và chán ăn sau khi uống.

Không nên uống bia lẫn rượu

Nhiều người có sở thích trộn bia với rượu, nhưng không biết rằng phương pháp ủ của bia và rượu khác nhau và nguyên liệu cũng khác nhau. Nếu trộn lẫn bia và rượu sẽ đẩy nhanh quá trình thẩm thấu của rượu vào cơ thể, gây kích thích mạnh và gây tổn thương cho gan, dạ dày, ruột, thận và các cơ quan khác. Đồng thời, sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất enzym tiêu hóa trong cơ thể, giảm tiết axit dạ dày và đẩy nhanh quá trình tiết axit dạ dày, co thắt dạ dày, viêm dạ dày ruột cấp tính và còn có hại cho mạch máu não.

Uống bia để giải khát

Người ta thường uống bia để giải khát và hạ nhiệt. Tuy nhiên, bia thực sự khiến mọi người cảm thấy khát hơn và đổ mồ hôi nhiều hơn. Theo các chuyên gia, mọi người có thể cảm thấy mát hơn sau khi uống bia, nhưng sau khi bia ngấm vào cơ thể, nó sẽ kích thích tiết adrenalin, làm tim đập nhanh hơn, giãn nở mạch máu và tăng nhiệt lượng thoát ra khỏi cơ thể thông qua quá trình bốc hơi nước. khiến bạn trở nên khát nước hơn. Do đó, sau khi uống bia, mọi người nên uống thêm nước đun sôi để nguội hoặc trà nhạt để giữ nước.

Không uống bia và ăn thịt nướng

Nhiều người thích uống bia khi ăn thịt nướng. Sự kết hợp phổ biến này nếu kéo dài thường xuyên dễ dẫn đến bệnh gout thậm chí là ung thư. Những thực phẩm nướng phổ biến như hải sản, gan và thịt đều là những thực phẩm có hàm lượng purin cao, bia cũng vậy. Hàm lượng purin cao gây ra bệnh gout, do đó ăn đồ nướng khi uống bia sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout.

Không uống quá nhiều bia

Mặc dù bia có nồng độ cồn thấp nhưng uống nhiều bia vẫn có hại cho sức khỏe. Hàm lượng nước trong bia sẽ được đào thải nhanh chóng sau khi uống, trong khi hàm lượng cồn sẽ được cơ thể hấp thụ. Uống quá nhiều bia sẽ làm tăng gánh nặng cho gan, thận và tim, đồng thời làm suy yếu các cơ quan quan trọng khác. Ngoài ra, uống nhiều bia cũng có thể gây ra sự hình thành sỏi và gây ra sự tích tụ chất béo. Các chuyên gia khuyên mọi người không nên uống quá nhiều dẫn đến say, lâu dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe não bộ.

Những tác hại của việc uống bia mỗi ngày

Gây tăng cân. Theo nghiên cứu, một lon bia trung bình chứa khoảng 150 calo, và việc uống một lon bia mỗi ngày, trong suốt cả năm, có thể tăng thêm khoảng 7kg và có thể gây ra tình trạng bụng bia.

Ảnh hưởng tới việc tập luyện. Bia không phải là thức uống tốt nhất trước hoặc sau khi tập luyện. Bia làm mất nước. Vì vậy, nếu bạn không cung cấp nước đúng cách, bạn sẽ không chỉ làm ảnh hưởng đến quá trình tập luyện mà còn không thể tái tạo cơ bắp hiệu quả sau khi tập luyện. Nghiên cứu cho thấy uống bia sau khi tập luyện có thể làm giảm khả năng phục hồi của cơ bắp và khiến quá trình hydrat hóa trở nên khó khăn hơn nhiều. Uống một cốc bia trước khi tập thể dục có thể gây ra nhiều triệu chứng thể chất như mệt mỏi, thờ ơ, suy giảm khả năng phối hợp tay và mắt, khó giữ thăng bằng, thay đổi huyết áp và nhịp tim.

Gây tăng huyết áp. Uống càng nhiều bia thì nguy cơ bị tăng huyết áp càng lớn. Mặc dù huyết áp của bạn tăng và giảm trong suốt cả ngày là điều bình thường, nhưng thời gian huyết áp tăng cao kéo dài có thể làm tăng nguy cơ phát triển các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn, bao gồm tăng nguy cơ mắc bệnh tim hoặc đột quỵ.

Tăng nguy cơ bệnh tiểu đường. Khi bạn uống quá nhiều bia, nó sẽ làm giảm hiệu quả của insulin và khiến lượng đường trong máu tăng lên. Khi lượng đường trong máu liên tục cao, nó sẽ làm tăng khả năng mắc bệnh tiểu đường. Điều này đặc biệt xảy ra với lượng đường trong máu cao mãn tính.