Những Bảo vật Quốc gia "kể chuyện quá khứ" ở Hoàng Thành Thăng Long

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Trong số 33 Bảo vật Quốc gia vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận trong đợt 13-2024, có ba bảo vật hiện đang được lưu giữ ở khu Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội. Đây đều là những hiện vật từng được tìm thấy trong đợt khai quật khảo cổ học Khu di chỉ khảo cổ học Hoàng Thành Thăng Long, cuộc khai quật lớn nhất trong lịch sử khảo cổ học Việt Nam, được thực hiện bắt đầu từ tháng 12 năm 2002 và kéo dài nhiều năm sau đó.

Trước đó, ở những lần công nhận trước, cũng đã có nhiều hiện vật đào được trong các đợt khai quật khảo cổ ở Hoàng Thành Thăng Long được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Cuộc khai quật khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu là cuộc khai quật khảo cổ học lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay, được tiến hành từ tháng 12 năm 2002, mục đích chuẩn bị để xây nhà Quốc hội mới. Khu khai quật khảo cổ học này thuộc địa chỉ 18 Hoàng Diệu, quận Ba Đình, được Viện khảo cổ học phân tích làm 4 khu, đặt tên là A, B, C, D.

Bức ảnh nổi tiếng được chụp bởi các chuyên gia của Viện Khảo cổ học Việt Nam tại Khu A, Di chỉ khảo cổ học 18 Hoàng Diệu trong đợt khai quật khảo cổ bắt đầu từ tháng 12-2002

Bức ảnh nổi tiếng được chụp bởi các chuyên gia của Viện Khảo cổ học Việt Nam tại Khu A, Di chỉ khảo cổ học 18 Hoàng Diệu trong đợt khai quật khảo cổ bắt đầu từ tháng 12-2002

Tại các khu vực này đều đã phát hiện được rất nhiều các loại hình di tích kiến trúc và di vật có niên đại xen lẫn nhau, chồng xếp lên nhau qua suốt 1300 năm, bắt đầu từ thời Đại La (thế kỉ 7 – 9), qua các thời Đinh – Tiền Lê (thế kỉ 10), thời Lý (1009 – 1225), Trần (1226 – 1400), Hồ (1400 – 1407), Lê sơ (1428 – 1527), Mạc (1527 – 1592), Lê Trung Hưng (1592 – 1789) và Nguyễn (1802 – 1945).

Sưu tập đầu phượng ở Hoàng Thành Thăng Long- nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao thời Lý

Trong quá trình khai quật tại di chỉ 18 Hoàng Diệu từ năm 2022 đã phát hiện một hệ thống kiến trúc thời Lý có quy mô lớn, kết nối liên hoàn tạo thành một quần thể khép kín. Hệ thống công trình kiến trúc thời Lý này được thời Trần tu bổ, sửa chữa và tiếp tục sử dụng. Tùy vào vai trò và vị trí của mỗi công trình kiến trúc mà nó được trang trí khác nhau, những kiến trúc quan trọng đều được trang trí hết sức cầu kỳ, tinh xảo, đặc biệt là bộ mái kiến trúc.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trang trí trên bộ mái kiến trúc thời Lý, Trần hết sức cầu kỳ với nhiều thành tố khác nhau, những thành tố trang trí căn bản trên bộ mái thời Lý, Trần thường có: lá đề cân ở giữa bò mái, đầu rồng/ đầu phượng, lá đề lệch, vv… các đầu phượng thuộc bộ sưu tập này được tìm thấy cùng các di vật khác là một trong những minh chứng quan trọng giúp các nhà nghiên cứu nhận diện bộ mái kiến trúc thời Lý, Trần. Do vậy, sưu tập Đầu phượng phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long không chỉ là hiện vật gốc mà nó còn là những tư liệu quan trọng có giá trị cho việc nghiên cứu nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc thời Lý thế kỷ XI - XII.

Sưu tập đầu phượng thời Lý gồm 5 hiện vật được Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đề nghị công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2024 là những khối tượng tròn với nhiều kích thước khác nhau. Đầu phượng thể hiện phượng ở tư thế chuyển động. Bờm chuyển động mạnh với nhiều khúc uốn lượn, hướng về phía trước. Mỏ dài, má phình rộng, mào hình lá đề lệch, hướng về phía trước. Mắt to tròn và nổi rõ, lông mày dài thành dải bay ngược lên trên; tai to, rộng được tạo thế uốn lượn theo chuyển động của mào và bờm.

Đầu phượng được làm bằng đất nung, xương đất mịn cho thấy đất sét được dùng làm nguyên liệu đã được ủ và xử lý kỹ trước khi đưa vào đắp tạo hình. Toàn bộ hoa văn được khắc bằng tay. Đầu phượng Hoàng thành Thăng Long thời Lý là những hiện vật tiêu biểu, đặc sắc phát hiện trong lòng đất. Tất cả các hiện vật đều được phát hiện tại những vị trí có địa tầng ổn định, không bị xáo trộn bởi các thời kỳ sau.

Phượng và rồng là những biểu tượng của hoàng gia, trong đó phượng thường được gắn với hoàng hậu. Hình ảnh của cặp đôi phượng - rồng biểu thị cho hạnh phúc viên mãn. Với những ý nghĩa biểu trưng như vậy, việc sử dụng hình tượng chim phượng trang trí trên kiến trúc thời Lý và thời Trần sau đó dường như cũng phản ánh sự tồn tại và hòa quyện của Phật giáo và Nho giáo, giữa thần quyền và thế quyền trong nghệ thuật, điêu khắc thời Lý - Trần.

Mặc dù tiếp thu các ý nghĩa biểu trưng quan trọng của hình tượng chim phượng từ Trung Hoa nhưng hình dáng và cấu trúc của phượng thời Lý nói chung và Sưu tập Đầu phượng Thăng Long thời Lýphát hiện tại Hoàng thành Thăng Long nói riêng lại có những nét khác biệt so với hình tượng chim phượng của các nước khác. So sánh giữa đầu phượng thời Lý với đầu phượng thời Trần và thời Hồ sau đó cũng thấy có nhiều sự khác biệt.

Một hố khảo cổ học tại Di chỉ 18 Hoàng Diệu
Một hố khảo cổ học tại Di chỉ 18 Hoàng Diệu

Đầu phượng thời Lý và đầu phượng thời Trần thường có cấu trúc tương đồng nhau nhưng đi vào chi tiết thì các chi tiết hoa văn trang trí trên đầu phượng thời Lý được làm tỉ mỉ và kỹ càng hơn. Các họa tiết thường được khắc trực tiếp liền khối trong khi họa tiết trên đầu phượng thời Trần ngày càng có xu hướng đơn giản hóa. Đầu phượng giai đoạn cuối thời Trần đến thời Hồ có sự thay đổi cả về cấu trúc, kỹ thuật tạo dựng, thân thường được kéo dài; tượng là một khối rỗng nhằm làm giảm trọng lượng của đầu phượng, chi tiết hoa văn trên đầu được kẻ, vẽ thay vì được điêu khắc chi tiết như đầu phượng thời Lý và đầu thời Trần. Điều đó tạo nên nét riêng biệt của nghệ thuật thời Lý.

Sưu tập Gốm Trường Lạc đồ ngự dụng của cung Trường Lạc

Sưu tập chén, bát, đĩa đồ gốm Trường Lạc, thời Lê sơ, Hoàng thành Thăng Long gồm 36 hiện vật với nhiều kích thước khác nhau, bao gồm: 9 chiếc chén, 6 chiếc bát, 20 chiếc đĩa và 01 mảnh thân đĩa.

Sưu tập chén, bát, đĩa gốm Trường Lạc, thời Lê sơ được phát hiện trong các hố khai quật tại Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Các hiện vật phát hiện trong các hố có địa tầng ổn định và tin cậy. Tài liệu địa tầng và các di vật cùng phát hiện cho phép khẳng định tính chân xác của hiện vật.

Những chén bát, đĩa gốm Trường Lạc đều là những hiện vật được tạo tác hoàn toàn thủ công do vậy, đó là sản phẩm đơn chiếc và độc bản, không có hiện vật nào hoàn toàn giống với hiện vật này. Thêm vào đó, thống kê chưa đầy đủ hiện loại chén bát, đĩa gốm Trường Lạc có viết chữ Trường Lạc giống như các hiện vật đề cử hiện mới chỉ được phát hiện tại di tích Hoàng thành Thăng Long, chưa phát hiện ở bất cứ nơi nào khác. Với chất lượng, hoa văn trang trí Bộ sưu tập được đề cử còn có giá trị đặc biệt về lịch sử và văn hóa.

Trong số 36 hiện vật của sưu tập gốm Trường Lạc có 31 hiện vật ghi 2 chữ "Trường Lạc"; 04 hiện vật ghi chữ "Trường Lạc khố", 01 hiện vật ghi chữ "Trường Lạc cung".

Hiện vật ghi 2 chữ "Trường Lạc", chữ được ghi trong lòng chén, bát hoặc đĩa, tức là vị trí trang trọng, dễ nhìn, dễ thấy; chữ viết đẹp, được viết dưới men, tức là viết khi cốt khô, trước khi tráng men và nung, do vậy việc viết các chữ này thể hiện chủ ý ngay từ khi sản xuất.

4 hiện vật viết chữ "Trường Lạc khố"" có điểm chung giống nhau là, đó đều là các đĩa thuộc loại hình có hoa văn, chữ được viết ở dưới đáy, nét chữ viết vội, không ngay ngắn. Các chữ này dường như đều được viết sau khi nung, nó như một cách đánh dấu sở hữu. Mảnh đĩa có chữ "Trường Lạc cung" là một tư liệu quan trọng cho thấy, chữ Trường Lạc ở đây là tên của một cung điện - cung Trường Lạc.

Các hiện vật có chữ "Trường Lạc khố", tức là kho Trường Lạc có đặc điểm chung là các chữ này được viết không cẩn thận bằng bút mực màu đen, chữ không thẳng hàng, đây như một hình thức đánh dấu với hàm ý, các đồ dùng này thuộc sở hữu của cung Trường Lạc.

Theo ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư, Trường Lạc là tên một cung điện trong hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ. Dưới thời vua Hiến Tông, vua Hiến Tông tôn xưng thân mẫu là hoàng hậu Nguyễn Thị Hằng làm Hoàng Thái hậu và dùng tên của cung này làm tên chữ của bà, gọi là Trường Lạc Hoàng thái hậu, sau đó tiếp tục được tôn xưng thành Trường Lạc Thái hoàng Thái hậu, do vậy cung Trường Lạc thường được gắn với Hoàng hậu Nguyễn Thị Hằng.

Với những ghi chép của sử liệu, đặc biệt với các hiện vật là đồ Ngự dụng (trong đó có Bộ sưu tập đề cử) thu được ở khu lòng sông nằm giữa hai Khu A và Khu B của Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu cho phép suy đoán, dưới thời Lê sơ, cung Trường Lạc là cung dành cho Hoàng hậu hoặc Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Hằng - Hoàng hậu của vua Lê Thánh Tông và thân mẫu của vua Lê Hiến Tông.

Như vậy, có thể khẳng định, Sưu tập chén, bát, đĩa gốm Trường Lạc là những đồ dụng của cung Trường Lạc, một cung điện quan trọng trong Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ thế kỷ XV-XVI.

Với giá trị như vậy, các hiện vật này là những tư liệu quan trọng cho việc nghiên cứu và làm rõ công năng, quá trình tồn tại và thay đổi của các cung điện trong hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ nói riêng; cấu trúc và cách thức vận hành của các cung, điện…với tư cách là một tổ chức trong kinh thành Thăng Long thời Lê sơ nói chung. Tất cả các vấn đề này đều đang là những khoảng trống lịch sử rất lớn của Thăng Long cần được giải đáp.

Bình ngự dụng thời Lê sơ, kỹ thuật sản xuất gốm sứ đỉnh cao

Bình Ngự dụng Hoàng thành Thăng Long, thời Lê sơ cũng được phát hiện trong các hố khai quật tại Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu thuộc Khu trung tâm của Hoàng thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê.

Về mặt cấu trúc, Bình Ngự dụng Hoàng thành Thăng Long có cấu trúc gồm đáy, thân, vai, miệng, vòi và quai. Với cấu trúc miệng đứng và kiểu dáng của bình, có lẽ nguyên bản bình có nắp, tiếc rằng hiện nay chưa tìm thấy nắp của loại bình tương tự.

Hình dáng, cấu trúc và một số hoạ tiết trang trí của Bình Ngự dụng tạo hình ảnh như một con rồng ẩn mình trong bình, trong đó vòi bình là đầu của con rồng. Đầu rồng được thể hiện ở tư thế ngẩng cao với sừng và bờm được đắp nổi, tả thực. Bờm trên đầu được thể hiện ở tư thế bay về phía sau và toả rộng ra các phía. Quai bình được thể hiện như một phần của thân rồng với vây giương cao. Bốn chân rồng được đắp ở hai bên vai bình, mỗi bên hai chân. Các chân diễn tả tư thế đang đạp mạnh về phía sau, các bắp cơ săn chắc, đẩy thân rồng về phía trước khiến cho thân rồng vừa uyển chuyển, vừa mạnh mẽ.

Ngoài ra, trên vai Bình, ở vị trí giữa hai chân rồng còn đắp nổi bông hoa với nhuỵ lớn, cánh nhỏ, giống như hạt cườm. Hoạ tiết hoa văn này càng tăng thêm sự ẩn hiện của hình rồng.

Bình Ngự dụng Hoàng thành Thăng Long, thời Lê sơ phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long là một trong những tư liệu quan trọng chứng minh cho trình độ phát triển cao của kỹ nghệ sản xuất gốm sứ Đại Việt thời Lê sơ. Kỹ thuật sản xuất gốm sứ men trắng đã xuất hiện tại Đại Việt và đạt đến trình độ khá cao từ cuối thời Lý, đến thời Lê sơ, kỹ thuật sản xuất đồ gốm men nói chung và đồ gốm men trắng đã có những bước phát triển vượt bậc, nhiều dòng men, kiểu dáng sản phẩm mới ra đời. Chất lượng của Bình Ngự dụng được thể hiện qua chất liệu, màu men, kỹ thuật nung đốt và họa tiết trang trí.

Về mặt kỹ thuật, Bình được chuốt dáng bằng tay trên bàn xoay. Các phần vòi, tay cầm được sản xuất riêng biệt, sau đó gắn nối với phần thân. Hoạ tiết hoa văn của phần đầu rồng được đắp thêm sau khi vòi và thân đã được gắn nối với nhau. Các đường chỉ nổi trên vai được tạo trong quá trình chuốt dáng. Hình khối chân rồng được đắp sau khi đã hoàn thiện dáng. Các bông hoa được làm bằng khuôn và gắn lên sau khi các hoạ tiết khác đã được đắp và hoàn thiện.

Nhiệt độ và kỹ thuật nung đốt của các sản phẩm đạt và vượt tiêu chuẩn của đồ gốm men thông thường. Khi nói đến nhiệt độ nung, nó còn hàm ý một quy trình kỹ thuật và hàng loạt yêu cầu kỹ thuật khắt khe khác đi cùng bao gồm kỹ thuật làm lò, kỹ thuật duy trì và điều khiển nhiệt độ. Bình Ngự dụng và các sản phẩm cao cấp cùng loại cho thấy, Bình được nung đơn chiếc. Khi nung, Bình được đặt trong một bao nung riêng biệt.

Bình là minh chứng cho thấy sự phong phú và đa dạng của đồ dùng, vật dụng được sử dụng trong sinh hoạt của Hoàng thành Thăng Long thời Lê sơ. Bên cạnh những vật dụng cao cấp phổ biến như bát, đĩa....việc tìm thấy các loại hình đồ dùng, vật dụng cao cấp khác như bình, lọ cung cấp dữ liệu cho việc hình dung được đời sống cung đình thời Lê sơ. Bình Ngự dụng Hoàng thành Thăng Long, thời Lê sơ có thể là loại bình đựng rượu dùng trong các buổi yến tiệc lớn với nhiều người tham dự. Từ đây chúng ta có thể hình dung sự phong phú về đời sống văn hoá trong cung đình.

Bình Ngự dụng Hoàng thành Thăng Long không chỉ là nguồn tư liệu phục vụ nghiên cứu nghệ thuật và công nghệ sản xuất gốm sứ thời Lê sơ, mà hơn hết và quan trọng hơn nữa, cùng với các tư liệu khác, nó là nguồn tư liệu quan trọng giúp cho việc nghiên cứu văn hoá ẩm thực, lễ nghi trong cung đình thời Lê sơ, từ đó góp phần hiểu biết tổng thể về đời sống, văn hoá cung đình thời Lê sơ nói riêng và đời sống văn hoá cung đình của các triều đại quân chủ Đại Việt nói chung.