Nhức nhối tình trạng phê bình mỹ thuật "quá đà"

ANTĐ - Tưởng như chuyện chê trách hay “lăng xê” quá đà vốn chỉ diễn ra trong showbiz, thế nhưng  hiện nay trong giới mỹ thuật cũng nhức nhối với tình trạng loạn phê bình khiến cho nghệ sỹ nhiều phen lao đao, khốn khổ. 
Nhức nhối tình trạng phê bình mỹ thuật "quá đà" ảnh 1

Cảm thụ nghệ thuật mang tính cá nhân nhưng phê bình là đòi hỏi tính chuyên môn

Khen chê là chuyện thường tình

Có người nói các cuộc triển lãm bây giờ dường như chỉ là “cuộc chơi” của họa sỹ, giới phê bình nghệ thuật và truyền thông. Thực vậy, trước mỗi triển lãm, người nghệ sỹ thường ủy thác cho người giám tuyển (curator) hoặc đồng nghiệp có uy tín đặt tên triển lãm, viết lời giới thiệu về những tác phẩm của mình, đưa lên các trang mạng. Lời giới thiệu giống như nhãn quảng cáo của tác phẩm.

Khen đúng, đánh giá đúng thì chẳng còn gì bằng. Nhưng thực tế, hiếm có ai nhận cái chưa hoàn thiện về mình. Nên mới có chuyện khi nhận xét cho nhau, họ toàn nhặt ra những lời “có cánh”. Đã có một nhà nghiên cứu mỹ thuật thẳng thắn mà rằng: “Thực tế có những nghệ sỹ còn chẳng hiểu chính cái tên triển lãm của mình. Trong khi những người viết lời cho nhau kiểu nể trọng, đãi bôi nên phần lớn nghe không thật”.

Ngược lại trên các diễn đàn, các trang web về mỹ thuật cũng thường xuyên xảy ra các cuộc tranh cãi nảy lửa, trong đó, nhiều người thẳng tay chê bôi, “dìm” tác giả ngay cả trước giờ khai mạc triển lãm. Thế là, người chịu thiệt đầu tiên đương nhiên là những người lao động nghệ thuật, bởi đứa con tinh thần của họ còn chưa kịp đến với công chúng thì đã trở thành nạn nhân của vô số “gạch đá” từ phía “bàn phím vô tình”. Người chịu thiệt thứ hai đương nhiên là công chúng, vì mải cãi nhau, họ chẳng buồn ngó ngàng triển lãm.

Phê bình “quá tay” vốn không phải chỉ là câu chuyện bên lề các cuộc triển lãm mà còn là “đặc sản” trong các cuộc thi, các giải thưởng. Vẫn biết khen chê là chuyện thường tình, nhưng không ít những nghệ sỹ thẳng tay dìm hàng đồng nghiệp, chỉ vì mình không được nhận giải. Họa sỹ Lê Thị Thanh, tác giả vừa đoạt giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam 2015 cho hay: “Thực tế ở các cuộc thi có những tác giả tham gia nhiều lần, nên khi trượt giải, họ có cách nhìn hơi tiêu cực với đồng nghiệp. Tuy nhiên tôi rất thông cảm với những điều đó. Vì năm nào cũng thế, thị phi luôn là một phần xung quanh các giải thưởng”. 

Nhức nhối tình trạng phê bình mỹ thuật "quá đà" ảnh 2

Nhiều triển lãm chưa kịp ra mắt đã bị “ném đá” (Ảnh minh họa)

Bài học vững vàng trước thị phi

Lẽ dĩ nhiên đã làm nghệ thuật thì mỗi tác giả đều hiểu được việc phải sống chung với dư luận, với những phê bình, chỉ trích là lẽ thường tình. Họa sỹ Lê Thị Thanh chia sẻ: “Một tác phẩm đưa ra mà không đủ sức lay động, không nhận được lời khen chê nào thì tác phẩm đó cũng là thất bại”. Tuy nhiên, lỗ hổng trong nhận thức khiến cho nhiều người chọn cách bình phẩm bừa bãi trên mạng, và điều này gây không ít sóng gió cho tác giả. Bởi thế, nghệ sỹ cần phải vững vàng trước những điều tiếng, khen chê.

Nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền cho biết: “Đối mặt với dư luận như thế nào là do mỗi người. Nhưng cái quan trọng là dù được khen hay bị chê thì người nghệ sỹ cũng phải có bản lĩnh”. Dẫu biết vậy, đôi khi người làm nghệ thuật cũng bị tác động bởi những lời phê bình mà nếu không bản lĩnh, họ cũng có thể đánh mất sự tỉnh táo, vì “đôi khi, chính những người lao động nghiêm túc nhất bị “ném đá” nhiều nhất” - nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền cho hay. 

Cảm thụ nghệ thuật mang tính cá nhân, nhưng phê bình nghệ thuật lại là công việc yêu cầu chuyên môn. Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và triển lãm từng nhận định về cái gọi là phê bình “giao đãi” trong mỹ thuật khi thay vì những đóng góp, kiến giải thì người phê bình lại bị cuốn vào guồng xoáy thị trường, đưa ra những chiêu trò PR, tự tâng bốc lẫn nhau để bán tác phẩm, kiếm tìm giải thưởng hay tài trợ.

Điều này khiến cho phê bình mỹ thuật trở nên dễ dãi, công chúng cũng bị hoang mang trong cái gọi là chuẩn mực thẩm mỹ. Một khi những người làm nghề còn xa rời bản chất nghề nghiệp, còn chạy theo hư danh thì chẳng trách công chúng không còn mặn mà với mỹ thuật, với các cuộc triển lãm.