Nhu cầu điện tăng cao hơn dự báo, cấp điện mùa hè căng thẳng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ông Nguyễn Quốc Trung- Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết, dù chưa vào thời kỳ cao điểm nắng nóng (tháng 5,6,7) nhưng tăng trưởng phụ tải điện đã ở mức 11%, cao hơn mức 9,6% trong kế hoạch năm.
Chủ động phương án cấp điện mùa hè

Chủ động phương án cấp điện mùa hè

Phụ tải điện tăng cao hơn dự báo

Theo ông Nguyễn Quốc Trung, năm 2024 là năm tương đối phát triển mạnh mẽ nhu cầu sử dụng điện của toàn quốc gia, cũng như miền Bắc. Do đó, kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 nhận định tốc độ tăng trưởng nhu cầu sử dụng nguồn điện toàn nền kinh tế trong năm 2024 lên đến 9,6%/năm, cao nhất kể từ năm 2018.

Tuy nhiên, trong các tháng đầu năm 2024, theo ông Nguyễn Quốc Trung, nhu cầu sử dụng điện của hệ thống điện quốc gia và miền Bắc tăng trưởng khoảng 11%,

“Đó là các tháng chưa nắng nóng. Đối với tháng 5, 6, 7 nắng nóng hơn, tốc độ tăng trưởng có thể lên tới 13%. Để chúng ta dễ hình dung, nhu cầu sử dụng điện khu vực miền Bắc kể cả sinh hoạt lẫn công nghiệp khoảng 25 nghìn MW, 10%/năm nghĩa là 2.500 MW.

Mỗi năm chúng ta cần thêm một nhà máy thủy điện Sơn La nữa đi vào vận hành mới đáp ứng được tốc độ tăng trưởng, phụ tải nhu cầu sử dụng điện của khu vực phía Bắc. Đây cũng là thách thức đối với ngành điện”- ông Nguyễn Quốc Trung nói.

Trữ nước, huy động cả nguồn điện giá cao trong mùa hè

Để chủ động đối phó với nguy cơ thiếu điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã có nhiều giải pháp. Cụ thể, đối với thuỷ điện, tiến hành tích nước trong các hồ, để dành nước trong các hồ thuỷ điện để sử dụng vào những lúc cần thiết, là lúc nắng nóng nhất, tháng 5, 6, 7. Đến thời điểm hiện tại, các hồ thuỷ điện tích được khoảng 11 tỷ kWh điện, cao hơn mức 7 tỷ kWh của năm ngoái.

Cụ thể, hồ Lai Châu giữ nước cao hơn 20m so với năm ngoái, Sơn La cao hơn 10m, Hoà Bình cao hơn 4m. Đấy là nguồn trữ lại một cách chủ động để đáp ứng cho mùa nắng nóng.

“Hiện chúng ta chưa thấy vấn đề gì lắm nhưng tầm tháng 5, 6, 7 thì nhu cầu của bà con tăng một cách khách quan, chúng ta phải có đáp ứng cho phù hợp”- ông Nguyễn Quốc Trung cho hay.

Bên cạnh đó, Trung tâm cùng các địa phương, Bộ NN&PTNT sử dụng nước tối đa cho hạ du một cách hiệu quả, giúp tiết kiệm được khoảng1 tỷ m3 nước so với dự kiến ban đầu.

Đáng chú ý, Trung tâm cũng lên kịch bản phát nguồn điện đắt tiền nhất là nhà máy chạy dầu FO, DO. Năm nay, EVN chỉ đạo các đơn vị trong đó có Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đưa nguồn năng lượng mới vào vận hành đó là nguồn khí hoá lỏng LNG. Hiện EVN đang thương thảo và ký hợp đồng với bên cung cấp khí, để có khả năng chạy nguồn khí LNG ở nhà máy Đông Nam Bộ vào ngày 15-4.

Đối với nguồn nhiệt điện than, tua bin khí, EVN cùng các đơn vị ngoài ngành đã rà soát, chuẩn bị vật tư dự phòng làm sao tận dụng tối đa cả về nhiên liệu than lẫn nhiệm vụ khả dụng của các tổ máy. Hiện nguồn than chiếm 50% sản lượng, nếu có vấn đề gì cũng rất ảnh hưởng đến việc cấp điện.

Đại diện Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia cũng cho hay, Trung tâm cùng Tổng công ty Điện lực miền Bắc rà soát các thuỷ điện nhỏ. Mặc dù công suất nhỏ nhưng tổng công suất của các nhà máy thuỷ điện nhỏ cũng lên tới 5.000 MW, thực hiện dịch chuyển giờ cao điểm làm sao phát đúng giờ khách hàng sử dụng điện nhiều nhất.

“Đối với tháng 5, 6, 7 chúng ta có thêm nhu cầu khách hàng nhìn thấy rõ luôn là từ 21h-23h, rất cao trong ngày. Chúng tôi sẽ điều chỉnh gần 300 nhà máy thuỷ điện nhỏ phát đúng vào thời điểm đó. Đây là khối lượng công việc rất lớn nhưng tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ làm được”- ông Nguyễn Quốc Trung khẳng định.

Ngoài ra, các đơn vị cũng tiến hành sửa chữa bảo dưỡng các tổ máy, đường dây truyền tải để hạn chế sự cố xảy ra trong thời gian cao điểm nắng nóng.

Đề phòng sự cố, cần tiết kiệm điện

Theo ông Nguyễn Thế Hữu- Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), qua kiểm tra cho thấy, các cơ quan đơn vị điện lực đã chủ động trong việc triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng điện cho mùa khô và cho cả năm 2024.

“Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên, chúng tôi đánh giá việc cung cấp điện cho sinh hoạt cho khách hàng trong mùa khô năm 2024 được đảm bảo. Tuy nhiên, đảm bảo này dựa trên kịch bản mọi thứ đều diễn ra bình thường, không có gì đột biến.

Nhưng do phụ tải tăng cao, lưu lượng nước về các tháng cao điểm mùa khô có dấu hiệu thấp hơn trung bình nhiều năm nên việc cân đối cung ứng điện ở các tháng cao điểm mùa khô năm nay dự báo sẽ gặp nhiều thách thức, đặc biệt là khi xảy ra tình trạng nắng nóng kéo dài liên tục và sự cố nhiều nhà máy nhiệt điện cùng một lúc”- ông Nguyễn Thế Hữu lưu ý.

Theo ông Võ Quang Lâm- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), qua đánh giá cả giai đoạn từ năm 2019-2021, mức độ sử dụng điện để làm ra đơn vị sản phẩm GDP cao hơn các nước xung quanh rất nhiều.

Ví dụ, theo đánh giá của năm 2020, để sản xuất ra 1.000 USD GDP, chúng ta phải sử dụng đến 376kg dầu quy đổi; trong khi các nước trung bình vào khoảng 176 kg dầu quy đổi. Các nước đang phát triển như Nhật Bản họ chỉ dùng 90kg dầu và Singapore dùng 99kg dầu. Như vậy, so với các nước sử dụng năng lượng để làm ra đơn vị sản phẩm GDP thì chúng ta đang cao hơn từ 2-3 lần.

“Nếu chúng ta quy đổi hệ số cần điện để phát triển GDP từ năm 2019-2021, chúng ta cũng cần khoảng 1,2-1,5 điện để ra GDP; trong khi các nước phát triển thì hệ số này là dưới 1. Chính vì vậy, công tác sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả là cần thiết và quan trọng”- ông Võ Quang Lâm nhấn mạnh.